Mặc dù vậy, bên cạnh ảnh hưởng của diễn biến giá khô đậu, những triển vọng tích nhu cầu đối với đậu tương Mỹ đang dần gia tăng có thể thúc đẩy giá hồi phục trong phiên hôm nay.
Trong báo cáo Export Sales tối qua, doanh số bán hàng đậu tương đã tăng lên gần 1,38 triệu tấn trong tuần trước, mức doanh số tuần cao nhất tính từ đầu niên vụ. Đáng chú ý là mức tăng trên chủ yếu đến từ Trung Quốc, đối tác mua hàng quan trọng của Mỹ. Có thể thấy, sau thỏa thuận thương mại mới đây giữa hai quốc gia, USDA đã liên tiếp thông báo các đơn hàng đậu tương mới cho Trung Quốc trong báo cáo Daily Export Sales.
Bên cạnh đó, hoạt động hậu cần trên sông Mississippi dường như đã được cải thiện đáng kể khi mà lượng ngũ cốc được vận chuyển bằng xà lan trong tuần kết thúc vào ngày 21/10, tiếp tục tăng hơn 13% so với tuần trước đó. Điều này càng củng cố kỳ vọng về các lô hàng xuất khẩu sẽ được thúc đẩy hơn trong thời gian tới khi mà nguồn cung vừa được thu hoạch từ Mỹ vẫn sẽ là lựa chọn hàng đầu của các nước mua hàng.
Chúng tôi cho rằng triển vọng nhu cầu sẽ tiếp tục là động lực chính thúc đẩy giá trong phiên hôm nay. Với vị thế Long 1300 đã mở theo khuyến nghị hôm qua của Hanghoa247, nhà đầu tư có thể tiếp tục giữ vị thế với SL ở 1288 và TP tại 1330.

Giá Arabica có thể hồi nếu tồn kho tiếp tục giảm sâu

Kết thúc phiên 26/10, giá hai mặt hàng cà phê cùng suy yếu. Trong đó, giá Robusta có phiên giảm thứ 3 liên tiếp khi tồn kho Robusta trên Sở ICE-EU đã hồi phục và xuất khẩu đang tăng trưởng tốt tại Brazil. Tuy vậy, khó khăn trong khâu vận chuyển tại quốc gia này cũng hạn chế đà giảm của Arabica.
Judy Ganes, chuyên gia phân tích cà phê đã dự đoán Brazil có thể xuất đi khoảng 3,9 triệu bao cà phê trong tháng 10, nếu duy trì tốc độ xuất khẩu như hiện tại. Đây sẽ là lượng cà phê cung cấp hàng tháng cao nhất kể từ tháng 2/2021. Bà cũng cho biết thêm, hoạt động đẩy mạnh xuất khẩu cà phê của Brazil có thể kéo dài hết tháng 12 năm nay.
Theo thống kê từ Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu cà phê Brazil, tính đến 27/10, đã có 3,64 triệu bao cà phê được cấp chứng nhận xuất đi. Trong đó, Arabica dạng hạt chiếm 78% với 2,84 triệu bao, tăng 92% so với mức 1,48 triệu bao trong cùng kỳ tháng trước.
Tuy vậy, sau sự chững lại của phiên trước, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US giảm 3.705 bao loại 60kg, về còn 406.466 bao. Đây tiếp tục là mức thấp nhất từng ghi nhận trong gần 1 năm. Hơn thế, vẫn chưa có bao cà phê mới nào được bổ sung hoặc chờ phân loại. Giới phân tích cũng nhận định, sự chênh lệch giá lớn đối với cà phê Arabica đã rửa sạch, thị trường sẽ không thu hút được bao mới đến ICE để chứng nhận. Nếu vậy, đây sẽ tiếp tục là yếu tố hỗ trợ giá trong thời gian tới.

Giá kim loại có thể tăng nếu số liệu PCE của Mỹ hạ nhiệt như dự báo
Giá đồng tăng nhẹ trong phiên sáng cuối tuần nhờ dữ liệu kinh tế tích cực của Trung Quốc củng cố tâm lý nhà đầu tư.
Cụ thể, sau khi tăng lần đầu tiên sau hơn 1 năm vào tháng 8, lợi nhuận công nghiệp của Trung Quốc tiếp tục duy trì đà tăng trong tháng 9, ghi nhận ở mức 11,9%. Mức lợi nhuận công nghiệp được cải thiện là dấu hiệu cho thấy nhu cầu nội địa đang dần phục hồi khi chính phủ tăng trường các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng.
Ngoài ra, về yếu tố vĩ mô, vào 19h30 hôm nay, Mỹ sẽ công bố chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Dữ liệu này sẽ có tác động mạnh tới cả giá đồng và giá kim loại quý trong phiên tối.
Hiện thị trường đang dự đoán chỉ số PCE lõi tháng 9 của Mỹ sẽ tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái, hạ nhiệt từ mức 3,9% trong tháng 8. Củng cố cho điều này, các quan chức FED gần đây liên tục phát đi tín hiệu lạm phát tại Mỹ đã hạ nhiệt. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen vào sáng nay cũng đưa ra bình luận tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ngày càng tăng, chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ và lạm phát giảm tốc là bằng chứng cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn đang hoạt động tốt.
Do vậy, nếu lạm phát lõi giảm tốc đúng như dự đoán, kỳ vọng FED tạm ngừng tăng lãi suất càng được củng cố. Giá đồng và giá bạc, bạch kim đều sẽ được hỗ trợ.

Giá dầu có thể duy trì đà tăng nếu xung đột địa chính trị leo thang
Giá dầu bật tăng trong phiên sáng do lo ngại căng thẳng ở Trung Đông leo thang ảnh hưởng đến nguồn cung dầu từ khu vực.
Tuy nhiên, đà tăng của giá có thể chững lại khi các nhà đầu tư đang thận trọng hướng tâm điểm chú ý đến báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ, thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), công bố vào tối nay. PCE tăng trở lại có thể sẽ khiến FED duy trì lãi suất ở mức cao, hỗ trợ đồng USD và gián tiếp gây sức ép lên giá dầu.
 

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)