Giá cả
Giá khí gas được các đơn vị đầu mối kinh doanh và phân phối tăng 167 đồng/kg (đã bao gồm VAT), tương đương 2.000 đồng/bình 12 kg so với tháng 4 và áp dụng kể từ ngày 1/5/2019.
Cụ thể, giá gas bán lẻ tối đa đến tay người tiêu dùng của một số thương hiệu, gồm: Petrovietnam, Petrolimex, Sp gas, gas Dầu khí, Saigon Petro… dao động ở mức 358.000 - 365.000 đồng/bình 12kg.
Nguyên nhân giá gas tăng được các đơn vị kinh doanh cho biết, do giá gas thế giới bình quân tháng 5/2019 vừa công bố ở mức 527,5 USD/tấn, tăng 2,5 USD/tấn so với tháng 4/2019.
Như vậy, kể từ đầu năm đến nay đây là lần thứ 5 giá gas điều chỉnh tăng và tổng cộng tăng 42.000 đồng.
Tương quan/biến động giá khí gas trong nước và thế giới kể từ ngày 1/5/2018 đến 1/5/2019

Sản xuất
Theo số liệu thống kê từ Tổng Cục Thống kê, sản lượng khí thiên nhiên dạng khí tháng 5/2019 đạt khoảng 870 triệu m3, giảm 0,3% so với tháng 4/2019 (tương đương với 3 triệu m3), nhưng tăng 2,4% so với tháng 5/2018. Tính chung 5 tháng đầu năm 2019, sản lượng khí thiên nhiên dạng khí đạt 4389,8 triệu m3, giảm 0,2% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với khí hóa lỏng (LPG), sản lượng trong tháng đạt khoảng 77 nghìn tấn, giảm 6,5% so với tháng trước, nhưng tăng 5,2% so với tháng 5/2018. Tính chung 5 tháng đầu năm 2019 đạt khoảng 464,9 nghìn tấn khí hóa lỏng, tăng 26,2% so với cùng kỳ năm trước.
Nhập khẩu
Sản xuất LPG trong nước được cung cấp từ Nhà máy GPP Dinh Cố và Nhà máy lọc dầu Dung Quất với sản lượng hơn 750.000 tấn/năm, mới chỉ đáp ứng được 45% nhu cầu LPG, do đó, hàng năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn LPG để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Theo số liệu thống kê sơ bộ từ TCHQ, tháng 5/2019 cả nước đã nhập khẩu 124,1 nghìn tấn khí hóa lỏng, trị giá 71,7 triệu USD, giảm 0,3% về lượng nhưng tăng 0,5% về trị giá, giá nhập bình quân 577,49 USD/tấn, tăng 0,8% so với tháng 4/2019.
Tính chung từ đầu năm đến hết tháng 5/2019, lượng khí đã nhập 488 nghìn tấn, trị giá 267,3 triệu USD, tăng 4,4% về lượng và 2,9% trị giá so với cùng kỳ 2018.
Để đảm bảo nguồn cung, 55% nhu cầu LPG còn lại được nhập khẩu từ thị trường các nước như: Trung Quốc đại lục, Quata, ARập, và UAE. … trong đó Trung Quốc đại lục chiếm thị phần lớn 41,86%, kế đến là Qatar 18,5%, Thái Lan, Malasyia, UAE, Indonesia và Hàn Quốc.
Đặc biệt, 4 tháng đầu năm nay nguồn cung khí hóa lỏng cho Việt Nam có thêm các thị trường mới nổi như: Nigeria, Co oét và Đài Loan (TQ) với lượng đạt lần lượt 34,6 nghìn tấn; 23 nghìn tấn và 1,6 nghìn tấn.
Thị trường nhập khẩu khí hóa lỏng 4 tháng năm 2019

Thị trường

 

4T/2019

+/- so với cùng kỳ 2018 (%)*

Lượng (Tấn)

Trị giá (USD)

Lượng

Trị giá

Trung Quốc

204.341

115.155.594

8,69

6,23

Qatar

90.404

46.170.261

93,69

65,38

Thái Lan

33.517

18.415.938

-33,27

-35,74

Malaysia

29.357

16.498.050

90,15

89,93

UAE

21.849

11.667.381

-53,47

-53,41

Indonesia

11.294

6.193.308

-18,01

-15,57

Hàn Quốc

1.068

1.090.837

-62,41

-46,4

(* Tính toán số liệu từ TCHQ)
Một số thông tin khác
Việc tham gia của các nhà đầu tư tư nhân, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài cho thấy sức hấp dẫn của thị trường LNG trước "sức nóng" của thị trường LNG thế giới.
Tờ SeaNews của Nga mới đây đã thông tin về thoả thuận hợp tác giữa công ty Novatek (Nga) và Uỷ ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận trong việc cung cấp khí thiên nhiên hoá lỏng - LNG có sử dụng cơ sở hạ tầng hiện có và phát triển cơ sở hạ tầng mới, kể cả việc xây dựng kho cảng LNG và các nhà máy điện khí mới.
Theo chia sẻ của ông Leonid Mikhelson, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Novatek cho biết: "Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ ở Việt Nam đòi hỏi an ninh năng lượng bền vững. Việc xây dựng nhà máy LNG của doanh nghiệp tại Ninh Thuận góp phần đảm bảo nguồn cung năng lượng với giá cả cạnh tranh hơn. Dự án sẽ sớm được hoàn thành nhờ sự hỗ trợ của tỉnh Ninh Thuận".
Trước đó, Ninh Thuận cũng được biết đến như là một điểm đến đầu tư hấp dẫn cho các dự án điện khí hoá lỏng (LNG), trong đó có các nhà đầu tư từ Thái Lan.
Cụ thể vào tháng 3 vừa qua, Tập đoàn Phát triển năng lượng Gulf mong muốn hực hiện dự án kho cảng LNG và dự án tổ hợp điện khí LNG Cà Ná quy mô 6.000 MW gồm 4 nhà máy nhiệt điện tubin khí chu trình hỗn hợp, mỗi nhà máy công suất 1.500 MW, với tổng vốn đầu tư 7,8 tỷ USD.
Trước những dự án đầu tư "khủng" trị giá hàng chục tỷ USD, ông Phạm Văn Hậu, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân Ninh Thuận cho biết: "Tỉnh đang chờ phê duyệt quy hoạch Trung tâm điện lực Cà Ná. Sau khi quy hoạch được phê duyệt, tỉnh sẽ ban hành các tiêu chí để lựa chọn nhà đầu tư cho dự án".
Trước đó, tháng 9/2018 cùng với việc ban hành các cơ chế đặc thù hỗ trợ Ninh Thuận phát triển kinh tế – xã hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý để tỉnh này nghiên cứu phát triển Tổ hợp điện khí, khí thiên nhiên hóa lỏng LNG Cà Ná với quy mô phù hợp. Và kể từ đó tới nay, Ninh Thuận đã lên kế hoạch để xúc tiến đầu tư vào dự án này.
Ngay sau khi Chính phủ chấp thuận về chủ trương để Ninh Thuận phát triển Tổ hợp điện khí LNG, rất nhiều "đại gia" nước ngoài đã tới Ninh Thuận để xem xét các khả năng đầu tư dự án như Tập đoàn Điện lực quốc gia Hàn Quốc (KEPCO). Theo đó, KEPCO dự kiến đầu tư một nhà máy điện khí công suất khoảng 3.000 – 4.000 MW, trên diện tích khoảng 40ha.
Ngoài ra, theo thông tin từ Bộ Công thương, hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp đã hợp tác và đặt kế hoạch xây dựng nhà máy phát điện khí LNG tại Việt Nam, họ đặt quan hệ với PV Gas; bên cạnh đó nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, Mỹ đã có ý định đầu tư ở Cà Ná vì xu hướng đầu tư điện bằng LNG đang rất nóng trên thế giới.
Liên quan đến quy hoạch nhiệt điện sử dụng LNG, theo thông tin từ bà Ngô Thúy Quỳnh - Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương), hiện nay, Bộ này đã tính toán để đưa quy hoạch nhiệt điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) thay thế các dự án nhiệt điện chạy than (dự án trong Tổng sơ đồ phát điện VII) trong tương lai gần.
Theo đó, hiện LNG của Việt Nam trong nước đáp ứng 45%, còn 55% phải nhập khẩu, trong khi lượng khí này đã và đang được tận dụng và sử dụng hết, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu ngày càng nhiều loại khí này để phục vụ cho các cụm công nghiệp nặng: khí, điện, đạm...
Chính vì vậy, việc tham gia của các nhà đầu tư tư nhân, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài cho thấy sức hấp dẫn của thị trường LNG trước "sức nóng" của thị trường LNG thế giới. Điều này cũng góp phần tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân vào các dự án LNG, giảm bớt gánh nặng về nguồn vốn.
Tuy nhiên, cũng theo bà Ngô Thuý Quỳnh, bên cạnh khó khăn về vốn, thì "cái khó lớn nhất" đó là khó cạnh tranh về giá bán điện giữa điện khí hoá lỏng so với điện than và thủy điện.
Mặc dù vậy, cũng theo vị này, chắc chắn sẽ không có ưu tiên riêng về mức giá, mức giá bán sẽ nằm trong mức giá của Nhà nước và bên điện lực chấp nhận được, nếu cao quá họ cũng không mua và doanh nghiệp cũng không thể bán được.
Trên thế giới, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng căng thẳng nếu Trung Quốc đáp trả Mỹ bằng LNG sẽ tác động không nhỏ đến nguồn xuất khẩu khí hóa lỏng của Mỹ.

Trung Quốc có thể tăng thuế nhập khẩu LNG từ Mỹ ở mức 10 - 25% và tác động đến toàn bộ nguồn xuất khẩu khí hóa lỏng của Mỹ.

Trung Quốc chưa trả đòn Washington sau khi Mỹ tăng thuế lên hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc. Song Bắc Kinh có thể phản ứng thật sự một khi ông Trump muốn tăng thuế tiếp lên hàng hóa trị giá 300 tỷ USD của Trung Quốc vào Mỹ.
Số liệu của công ty nghiên cứu Wood Mackenzie cho thấy Trung Quốc là quốc gia mua LNG số một của Mỹ trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 6.
Tuy nhiên, cường quốc châu Á vẫn bất chấp tình trạng phụ thuộc khí hóa lỏng Mỹ, áp thuế suất 10% với mặt hàng này. Sau khi có cuộc đàm phán giữa Mỹ- Trung Quốc, Bắc Kinh chấp thuận nhập khẩu lại LNG của Mỹ.
Song đến nay, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại leo thang, Trung Quốc có thể áp lại khoản thuế này, thậm chí áp tăng lên 25% và khiến các con tàu chở LNG của Mỹ đến Trung Quốc bị dừng lại.
Xuất khẩu LNG của Mỹ sang Trung Quốc đã giảm 80% trong năm tài chính này, so với cùng kỳ năm ngoái, RT thông tin.
Trong bối cảnh Trung Quốc muốn trả đũa Mỹ bằng cách tăng thuế quan "chết chóc" lên LNG nhập khẩu, Bắc Kinh vẫn có những nhà cung ứng LNG đáp ứng đầy đủ các nhu cầu của thị trường tỉ dân. Đơn cử nhất là nhà cung cấp Australia.
Năm ngoái, Trung Quốc đã nhập khẩu 23 triệu tấn LNG từ Úc, chiếm khoảng 42% xuất khẩu của Úc. Con số đó có thể sẽ tăng lên.
Trung Quốc dự kiến sẽ tăng từ khoảng 53 triệu tấn nhập khẩu LNG trong năm 2018 lên khoảng 93 triệu tấn vào năm 2025 - khi nước này chuyển dần để trở thành nhà nhập khẩu khí lớn nhất thế giới.
Nhà phân tích năng lượng của Credit Suisse Saul Kavonic đánh giá, cuộc chiến thương mại to lớn khiến Trung Quốc có thể muốn ký thỏa thuận lâu dài 20 năm đối với LNG của Úc.
Nếu thực tế này xảy ra, cuộc chiến thuế quan đang không đi theo hướng mà ông Trump mong muốn. Tổng thống Donald Trump đã kỳ vọng thúc đẩy vai trò của Mỹ là một nhà xuất khẩu LNG hàng đầu trên thế giới. Nhưng kỳ vọng này có thể bị phá hỏng.
Nhà phân tích khí đốt Rystad Energy Sindre Knuttson cho hay, Tập đoàn khí đốt có trụ sở tại Mỹ Cheniere Energy là một thiệt hại có thể xảy ra trong cuộc chiến thương mại song phương. Cheniere đã ký một hợp đồng 20 năm để cung cấp 2 triệu tấn LNG cho công ty nhà nước Trung Quốc Sinopec bắt đầu từ năm 2023, nhưng việc hoàn tất thỏa thuận này đã bị trì hoãn.
Ông Nikos Tsafos, thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế tại Washington, DC, cũng nhận thấy tác động lâu dài đối với xuất khẩu LNG có thể gây tổn hại cho các nhà xuất khẩu của Mỹ.
Thay vì mua hàng của Mỹ, Trung Quốc có thể nhập khẩu khí đốt từ Australia, Turkmenistan và Qatar.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, khi Trung Quốc áp thuế tăng với LNG Mỹ, các công ty Trung Quốc cũng chịu thiệt nặng. Những nhà cung cấp Úc, Qatar hay Đông Nam Á có thể tận dụng tình hình bằng cách đưa ra mức giá chỉ dưới mức giá LNG Mỹ (đã tính cả thuế). Điều này có nghĩa bên mua Trung Quốc bị “phụ thu” 4-5 triệu USD, theo tính toán của Wood Mackenzie.
Hứng chịu chi phí này sẽ là những doanh nghiệp chi phối thị trường mua LNG như Tập đoàn Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC), công ty cổ phần TNHH dầu khí Trung Quốc (PetroChina) và Tập đoàn hóa dầu Trung Quốc (Sinopec).
Nguồn: VITIC tổng hợp/enternews.vn, baomoi

Nguồn: Vinanet