Giá ngô trải qua mức tăng mạnh nhất trong hơn 3 tháng qua, kéo theo đà tăng của lúa mì
Thị trường nông sản đồng loạt tăng mạnh trong tuần giao dịch vừa qua với những diễn biến đáng chú ý từ 2 mặt hàng ngô và lúa mì.
Giá đậu tương kỳ hạn tháng 01 tăng 1.52% lên mức 1249.50 cent/giạ. Sau đợt tăng mạnh gần 25 cents trong đầu tuần, giá đậu tương tiếp tục giằng co quanh mức 1250 trong những phiên sau đó. Lo ngại về việc sương giá xuất hiện tại vùng Midwest cùng lúc với những cơn mưa lớn đã là nguyên nhân chính giúp giá đậu tương duy trì được sắc xanh trong tuần trước.
Dầu đậu tương lại suy yếu và xoá đi hoàn toàn mức tăng từ tuần trước đó. Tác động “bearish" sau báo cáo của EIA lên giá dầu thô cũng tạo áp lực lên mặt hàng này trong khi nhu cầu tiêu thụ dầu cọ tại Trung Quốc có nguy cơ bị ảnh hưởng do số ca nhiễm Covid-19 bất ngờ tăng mạnh. Tác động trái chiều với dầu đậu trong khi giá dậu tương tăng lên cũng giúp cho giá khô đậu trải qua mức tăng gần 1.6% trong tuần trước.
Giá ngô kết thúc tuần giao dịch cuối tháng 10 tăng vọt 5.62%, và đây cũng là mức tăng mạnh nhất trong hơn 3 tháng qua. Ngô tăng liên tiếp cả 5 phiên trong tuần và đà tăng được thúc đẩy nhờ nhu cầu tiêu thụ trong ngành công nghiệp ethanol hồi phục trở lại.

Khánh Linh
 
Giá Robusta có thể test lại mức hỗ trợ 2200 USD trong tuần này
Kết thúc tuần vừa qua, giá Arabica hồi phục trở lại lên 204 cents/pound, còn giá Robusta bứt phá mạnh mẽ 3.4% lên 2214 USD/tấn, đánh dấu tháng thứ 7 liên tiếp tăng giá. Đây cũng là chuỗi tăng điểm dài nhất kể từ tháng 1/2016. Chênh lệch giá giữa hai Sở được thu hẹp lại còn 50% chiết khấu cho giá Robusta.
Giá cả hai mặt hàng cà phê đang ở mức cao nhất trong nhiều năm khi mà khác với những đợt tăng trước, ngoài những lo ngại về nguồn cung, cả thị trường phải đau đầu tìm cách giải bài toán về chuỗi cung ứng, vốn đang bị gián đoạn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Những lo ngại này đã kéo dài trong nhiều tháng, tuy nhiên việc giá cà phê chỉ biến động theo đợt xuất phát từ là tác động của việc các quỹ lớn đầu cơ và “lái giá” cà phê khiến cho những biến động của thị trường nhiều khi nằm ngoài các tin tức cơ bản. Dữ liệu từ báo cáo cam kết thương nhân cho thấy các quỹ tiến hành nâng số lượng vị thế mua đối với cà phê Robusta lên hơn 40,000 lot, và cắt giảm số lượng vị thế bán xuống dưới 2,000 lot để đưa tổng số lượng vị thế mua ròng lên mức cao nhất trong năm nay.
Tiên Phạm
 
Giá đồng sẽ đi ngang trong bối cảnh các nhà đầu tư đều chờ đợi tin tức từ cuộc họp của FED
Giá đồng kết thúc tuần giảm gần 3% còn 4.39 USD/pound. Mức giảm này cũng đánh dấu việc giá đồng mất đi gần 60% đà tăng được tích luỹ trước đó, bất chấp các tin tức tiêu cực về nguồn cung đang rất hỗ trợ cho giá.
Sản lượng đồng ở Chile, bao gồm cả mỏ đồng lớn thứ 1 thế giới, Codelco đều giảm mạnh trong tháng 9 do tác động cả các cuộc biểu tình và chất lượng quặng bị giảm sút. Rất có thể, sản lượng đồng của quốc gia sản xuất đồng lớn thứ 2 thế giới là Peru cũng sẽ bị ảnh hưởng do người dân vẫn tiến hành biểu tình rải rác ở nhiều khu vực trên vành đai vận chuyển đồng của nước này.
Tuy nhiên, tình trạng nguồn cung suy giảm được dự báo sẽ không duy trì lâu, nhất là khi nguồn cung ở Trung Quốc đã ổn đinh trở lại. Trong 2 ngày cuối tuần, tồn kho đồng tại các tỉnh lớn ở nước này đã tăng 1,400 tấn lên 103,900 tấn. Lượng đồng nhập khẩu tăng nhẹ vào cuối tuần và một số công ty lớn ở Quảng Đông đã nối lại sản xuất là một trong những nguyên nhân khiến mức dự trữ đồng của Trung Quốc tăng lên.

Tiên Phạm
 
Dầu thô kết thúc tháng 10 với mức tăng ấn tượng, ngược chiều với giá khí tự nhiên tại Mỹ
Kết thúc tháng 10, giá WTI chấm dứt chuỗi tăng kéo dài 9 tuần liên tiếp trong khi giá Brent cũng giảm lần đầu sau 7 tuần. Kết thúc tuần giao dịch, giá WTI giảm 0.23% xuống 83.57 USD/thùng, giá Brent giảm 1.09% xuống 83.72 USD/thùng.
Mở đầu tháng 11, thị trường năng lượng đón chờ nhiều sự kiện quan trọng, trước hết là Cuộc họp Thượng đỉnh chống biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc năm 2021 (COP21) bắt đầu ngày hôm nay. Các quốc gia được kỳ vọng sẽ gia tăng các cam kết chống biến đổi khí hậu, và một phần quan trọng để đạt được mục đấy chính là các thay đổi trong chính sách năng lượng: Theo kỳ vọng, Mỹ và các nước châu Âu sẽ dẫn dắt các nước tham gia “Thoả thuận khí methan toàn cầu”, với mục tiêu đến năm 2030 cắt giảm 30% lượng khí methan thải ra trong năm 2020.
Methan cùng với khí CO2 là 2 loại khí thải chính sinh ra do đốt năng lượng hoá thạch như xăng dầu, khí tự nhiên, than,.. Nếu thành công, hội nghị sẽ thúc đẩy các nước nhanh chóng chuyển dịch từ ngành công nghiệp năng lượng truyền thống sang các năng lượng tái tạo.
Thực chất, trước thềm COP26, tỷ lệ tuân thủ các quốc gia với các chính sách chuyển đổi năng lượng không quá cao.
Hồng Hoa

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV