Đậu tương là mặt hàng đang chịu sức ép lớn nhất nhóm nông sản trong báo cáo Cung - cầu tối nay
Giá đậu tương vẫn đang giằng co quanh mức mở cửa phiên sáng nay sau phiên giảm mạnh xuống dưới mốc hỗ trợ tâm lí 1200 và về mức thấp nhất trong 8 tháng qua. Điều này không chỉ đến từ việc nhu cầu nhập khẩu suy yếu của Trung Quốc mà còn cho thấy kỳ vọng về nguồn cung nới lỏng trong báo cáo Cung – cầu được công bố vào 24:00 tối nay của Bộ Nông Nghiệp Mỹ.
Giống như ngô, mùa vụ đậu tương Mỹ cũng được kì vọng là sẽ cải thiện nhờ có lượng mưa đáng kể trong vài tháng vừa qua sau đợt hạn hán kỷ lục. Cụ thể, năng suất đậu tương Mỹ niên vụ 2 được kì vọng tăng lên mức 51.9 giạ/mẫu từ mức 51.0 giạ/mẫu trong báo cáo tháng trước.
Điều này kéo theo mức sản lượng đậu tương tăng lên và khác với ngô, tồn kho đậu tương thế giới cũng được dự đoán sẽ tăng lên. Đây là nguyên nhân khiến đậu tương là mặt hàng có đà giảm mạnh nhất trong 3 mặt hàng ngũ cốc khi nhu cầu tiêu thụ đậu tương cũng giảm mạnh. Hơn nữa, dự báo diện tích đất trồng đậu tương niên vụ 2022/23 cũng sẽ tăng lên khi giá phân bón tăng cao khiến nông dân sẽ hạn chế trồng ngô.
Khánh Linh
Giá cà phê sẽ tiếp tục giảm điều chỉnh trước khi số liệu xuất khẩu tháng 10 của Việt Nam và Brazil được công bố
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, hai mặt hàng cà phê tiếp tục giảm với hợp đồng Arabica kỳ hạn tháng 12 giảm 1.9% còn 199.65 cents/pound, hợp đồng Robusta kỳ hạn tháng 1 giảm 0.7% còn 2166 USD/tấn. Chênh lệch giá giữa hai Sở thu hẹp lại còn 51.6% chiết khấu cho giá Robusta.
Đáng chú ý, phiên hôm qua là phiên giảm thứ 3 liên tiếp của giá Robusta, khiến cho giá đã mất đi gần 5% giá trị so với mức tham chiếu của tuần trước, bất chấp việc số liệu tiêu cực của Colombia đang rất hỗ trợ cho giá. Bên cạnh đó, mức tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE US tiếp tục giảm còn 1.81 triệu, thấp nhất trong vòng nửa năm. Vì vậy, mức giảm hôm qua trên cả hai thị trường cà phê đang cho thấy áp lực giảm điều chỉnh khi mà giá cà phê đã tăng quá mạnh trong đợt tăng trước đó.
Đồng Real Brazil liên tục giảm từ tuần trước cũng khiến cho những nhà sản xuất cà phê lo ngại, và đẩy mạnh bán hàng nhằm bảo vệ tài sản bằng sự ổn định của đồng USD.
Giá Robusta cũng đang trong giai đoạn giảm điều chỉnh, vì thị trường không có tin tức nào mới mà đà tăng chủ yếu dựa vào lực mua đầu cơ của các quỹ lớn, khi các lô hàng cà phê vẫn khó tới tay người mua do những khó khăn trong chuỗi cung ứng.
Tiên Phạm
Giá đồng và giá bạch kim có thể diễn biến trái chiều trước khi chỉ số CPI của Trung Quốc và Mỹ được công bố
Kết thúc phiên hôm qua, giá bạch kim tăng 2.3% lên 1060 USD/ounce, giá đồng tăng 1.3% lên 4.4 USD/pound.
Đây đều là hai mặt hàng có vai trò quan trọng trong các hoạt động sản xuất công nghiệp, nên khi gói chi tiêu cho cơ sở hạ tầng trị giá 550 tỷ USD được thông qua, giá các mặt hàng kim loại đã đồng loạt hồi phục. Thị trường đang mong đợi số tiền này sẽ được sử dụng vào nhiều dự án khác nhau và thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ với bạch kim, đồng, nhôm và các kim loại cơ bản khác.
Bên cạnh đó, sự suy yếu của đồng USD cũng là yếu tố hỗ trợ cho giá của cả bạch kim và đồng. Chỉ số Dollar Index giảm về 94.05 điểm. Giá bạch kim sở hữu đà tăng vượt trội hơn, bởi ngoài nhu cầu tiêu thụ trong công nghiệp, vai trò trú ẩn của bạch kim cũng đang được đề cao trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư đề phòng trước sự tăng trưởng quá nóng của thị trường tiền điện tử và thị trường kim loại quý.
Trong tuần này, các nhà đầu tư sẽ đặc biệt quan tâm đến Chỉ số giá tiêu dùng CPI của Mỹ và Trung Quốc, sẽ được công bố vào ngày mai.
Tiên Phạm
Báo cáo Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn đêm nay nhiều khả năng sẽ gây áp lực lên giá dầu
Giá dầu tăng trở lại trong phiên hôm qua, tuy nhiên mức tăng bị hạn chế do gặp kháng cự tại vùng trên. Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI tăng 0.81% lên 81.83 USD/thùng, giá Brent tăng 0.83% lên 83.43 USD/thùng.
Báo cáo Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn tối nay nhiều khả năng sẽ tạo ra áp lực lên giá dầu thô. Theo khảo sát của Platts, sản lượng dầu của 13 nước OPEC trong tháng 10 đạt 27.55 triệu thùng, tăng 260,000 thùng/ngày so với tháng 9, thúc đẩy bởi gia tăng trong hạn ngạch cho phép và 3 nước ngoài thoả thuận cắt giảm sản lượng là Venezuela, Libya và Iran đều gia tăng sản lượng. Nếu mức tăng này giữ nguyên trong tháng 11 và 12, thì sản lượng trung bình quý IV sẽ rơi vào khoảng 27.81 triệu thùng/ngày, thấp hơn một ít so với dự báo 27.96 triệu thùng/ngày đưa ra trong tháng 10.
Tuy nhiên, so sánh với số liệu trong báo cáo STEO tháng 10, sản xuất dầu thô của Mỹ hiện tại đã phục hồi về mức 11.5 triệu thùng/ngày, trước khi cơn bão Ida đến gây thiệt hại sản xuất. Và với số lương giàn khoan liên tục tăng trong vòng 5 tháng, nhiều khả năng sản lượng dầu của Mỹ trong tháng 12 sẽ rơi vào khoảng 11.6-11.7 triệu thùng/ngày, cao hơn con số 11.3 triệu thùng/ngày mà EIA dự đoán lần trước.
Hồng Hoa