Báo cáo tối nay của CONAB có thể sẽ tác động tích cực tới giá ngô
Mở cửa phiên giao dịch ngày 11/01, ngô đang hồi phục trở lại sau phiên giảm mạnh hôm qua nhưng vẫn đang giằng co quanh vùng tâm lí 600. Giá ngô đã có 1 phiên biến động với biến độ khá lớn so với diễn biến trong thời gian gần đây. So sánh với các thời điểm trước khi công bố báo cáo Cung – cầu, thị trường thường vào tâm lí chờ đợi và giá sẽ giằng co.
Tuy nhiên, việc ngô đã đi ngược xu hướng chính trong phiên hôm qua đã cho thấy thị trường đang hoang mang trước những dự báo trái chiều về thời tiết cũng như là những kì vọng sắp tới trong báo cáo và có thể ngô sẽ không còn duy trì được đà tăng mạnh hiện tại sau phiên báo cáo Cung – cầu tới.
Thường thì các báo cáo của USDA vào tháng 1 sẽ có tác động lớn đến thị trường nông sản, tuy nhiên năm nay ảnh hưởng rõ tệt của thời tiết Nam Mỹ là chủ đề được quan tâm nhất và là nguyên nhân chính lý giải cho diễn biến gần đây của khiến giá ngô. Điều này cho thấy rằng đà tăng hiện tại không chỉ đến từ những thiệt hại đã xảy ra đối với mùa vụ ngô ở Argentina và Brazil mà còn do kỳ vọng vào tương lai của thị trường.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Khánh Linh
 
Thị trường Robusta có thể đã bước vào giai đoạn “downtrend” sau chuỗi tăng 7 tháng liên tiếp
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, cả hai mặt hàng cà phê đồng loạt giảm mạnh. Giá Arabica giảm 1.5% còn 234.9 cents/pound, giá Robusta giảm 2.5% còn 2260 USD/tấn. Chênh lệch giá giữa hai Sở được nới rộng lên mức 54.5% chiết khấu cho giá Robusta.
Báo cáo tháng 12 của Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) điều chỉnh tăng nhẹ sản lượng cà phê của niên vụ 2020/21 lên 169.66 triệu bao so với mức 159.65 triệu bao của báo cáo trước đó. Trái lại, mức tiêu thụ cà phê trên toàn cầu giảm từ 167.67 triệu bao về 167.25 triệu bao. Điều này làm cho thặng dư cà phê toàn thế giới tăng từ 1.97 lên 2.41 triệu bao. Điều này đã gây sức ép lên giá cà phê trong phiên hôm qua và có thể làm cho giá tiếp tục giảm trong các phiên sắp tới, bởi thị trường cà phê vốn không có nhiều tin tức cơ bản, nên chỉ cần một thông tin mới cũng có thể làm giá biến động.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, mức tồn kho đạt chuẩn trên Sở ICE US giảm mạnh về 1.497 triệu bao, mức thấp nhất kể từ ngày 11/1/2021. Bên cạnh đó, sự bùng phát của biến thể Omicron đang khiến cho tình trạng tắc nghẽn tại các cảng ở Bắc Mỹ và Châu Âu vẫn chưa được giải quyết.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Tiên Phạm
 
Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ Trung Quốc có thể cải thiện triển vọng của thị trường đồng
Giá đồng giảm 1.4% về 4.35 USD/pound ngay trong phiên giao dịch đầu tuần. Thị trường đang hình thành biên độ đi ngang rõ rệt trong ngắn hạn từ 4.31 – 4.5 USD/pound.
So với hai lần gần nhất khi giá tăng lên mức 4.5 USD, lực mua trong thời gian gần đây mạnh hơn hẳn khi giá vẫn chưa bị lực bán đẩy về khu vực 4.1 USD. Nguồn cung ổn định cùng với các chính sách kiểm soát dịch gắt gao gây gián đoạn các hoạt động sản xuất của Trung Quốc đang là yếu tố kìm hãm đà tăng của giá đồng.
Tuy nhiên, cuối năm nay đại hội đảng Trung Quốc sẽ diễn ra nên các nhà chức trách đang tìm mọi cách để “ổn định nền kinh tế” nếu không muốn nói là “vực dậy nền kinh tế”, bởi triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự suy yếu của thị trường nhà ở.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) không ngừng tung ra các gói kích thích và các chương trình nới lỏng bằng cách bơm thêm hàng trăm tỷ USD vào nền kinh tế, tuy nhiên, mức thanh khoản này là chưa đủ với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Mới đây, Thủ tướng Lý Khắc Cường cam kết sẽ đẩy mạnh đầu tư vào hơn 100 dự án trọng điểm quốc gia để hỗ trợ cho nền kinh tế.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Tiên Phạm
 
Rủi ro địa chính trị quay trở lại trở thành yếu tố hỗ trợ cho giá dầu trong ngắn và trung hạn
Giá dầu tiếp tục giảm điều chỉnh trong phiên hôm qua, khi các lo ngịa về gián đoạn nguồn cung giảm bớt. Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI giảm 0.85% xuống 78.23 USD/thùng, giá Brent giảm 1.08% xuống 80.87 USD/thùng.
Tháng 1, các tin tức địa chính trị quay trở lại các tiêu đề báo chí và phần nào lấp vị trị trí vốn dĩ thuộc về các cập nhật mới về COVID-19. Đây chính là một trong các hiện thực của “bình ổn mới” vốn ít được chú ý khi mọi người nhắc đến “hậu COVID”, tuy vậy lại là rủi ro tương đối lớn, đặc biệt do sức ép giá hàng hóa nhóm năng lượng và lương thực tăng lên mức đỉnh nhiều năm.
Điều này gây ảnh hưởng đặc biệt lớn đến nhóm nước đang phát triển như Trung Đông: Khu vực này có mức độ phụ thuộc vào lương thực nhập khẩu cao, trong khi trợ cấp dành cho nhiên liệu đang bị cắt giảm dần do thâm hụt ngân sách trong khi giá xăng dầu đang liên tục tăng cao. Điều này khiến cho chất lượng sống của người dân khu vực này sụt giảm và là yếu tố lớn có thể thúc đẩy các căng thẳng nhiều năm ngày càng leo thang.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hồng Hoa

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV