Đậu tương có thể sẽ thu hẹp đà suy yếu trong phiên tối nay
Chỉ vừa bước vào phiên giao dịch ngày 06/01, giá đậu tương đã rơi mạnh tới 1.5% theo đà giảm chung của thị trường tài chính. "Santa Claus Rally" là hiệu ứng tăng giá của thị trường chứng khoán Mỹ diễn ra trong tuần cuối cùng của tháng 12 và trong 2 ngày đầu tiên của tháng 1. Bước vào phiên thứ 4 của năm mới, khi tâm lý thị trường đang dần mất đi sự tích cực thì lực bán cũng áp đảo và lan toả trên khắp thị trường hàng hoá.
Tuy nhiên, đây không phải là yếu tố tác động tới cung cầu của chính mặt hàng này hay triển vọng kinh tế mà chỉ là tâm lý ngắn hạn của đám đông. Hàng hoá đang dần trở thành một thị trường phổ biến đối với giới đầu tư khi tỉ lệ quỹ, nhà đầu tư đối với nhóm nông sản ngày càng lớn nên việc giá đi theo diễn biến chung của thị trường là điều khó tránh khỏi. Việc giá có hồi phục trong phiên tối hay vẫn sẽ tiếp tục đà giảm trong ngắn hạn sẽ phụ thuộc vào lực mua trên các thị trường khác.
Quay trở lại với các yếu tố cơ bản của thị trường, như chúng tôi đã phân tích trong các bản tin gần đây, triển vọng nguồn cung thu hẹp vẫn đang là yếu tố hỗ trợ giá ít nhất là cho tới tuần sau, trước khi USDA công bố báo cáo Cung cầu đầu tiên trong năm 2022. Trong đó, số liệu về ước tính sản lượng đậu tương ở khu vực Nam Mỹ sẽ được thị trường quan tâm nhất sau giai đoạn khô hạn nghiêm trọng vừa qua tại cả 2 quốc gia sản xuất chính trên thế giới.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Khánh Linh
 
Giá cà phê có thể giảm nhẹ trong phiên hôm nay và mang lại một điểm mua tốt cho các nhà đầu tư
Kết thúc phiên hôm qua, giá Arabica không có sự thay đổi so với phiên trước đó, vẫn đóng cửa ở mức 231.8 cents/pound, còn giá Robusta giảm 1.2% về 2321 USD/tấn. Chênh lệch giá giữa hai Sở tăng trở lại mức 55.5% chiết khấu cho giá Robusta.
Trong phiên hôm qua, biên độ giao dịch của thị trường Arabica giảm chỉ còn 1/4 so với phiên trước đó, cho thấy đà tăng đã chững lại. Thị trường vẫn đang chờ đợi số liệu xuất khẩu chính thức của Brazil và Colombia. Bên cạnh đó, lực mua cũng bị hạn chế khá nhiều do ảnh hưởng tiêu cực đến từ biên bản cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang. Việc FED cắt giảm cung tiền trên thị trường sẽ khiến dòng vốn đổ vào những thị trường mang nhiều yếu tố đầu cơ như thị trường cà phê giảm bớt. Giá Robusta cũng giảm vì nguyên nhân này trong tối hôm qua. Ngoài ra, việc thị trường Robusta vẫn đang ở trên mức đỉnh 10 năm cũng là một lý do khác khiến cho lực bán chốt lời áp đảo trong phiên tối qua.
Trong hôm nay, thị trường cà phê sẽ vẫn vắng bóng các tin tức cơ bản, và giá cả hai mặt hàng được kỳ vọng sẽ tiếp tục phản ứng với các mức kỹ thuật.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Tiên Phạm
 
Lực bán mạnh sẽ vẫn duy trì trên thị trường đồng
Kết thúc phiên 05/1, giá đồng giảm 1.3% còn 4.41 USD/pound, tuy nhiên, đây tiếp tục là phiên đi ngang thứ 9 trong biên độ 4.38 – 4.48 USD.
Thị trường đi ngang trong phiên sáng, nhưng giảm mạnh vào phiên tối, cùng với diễn biến của các thị trường đầu tư rủi ro. Biên bản cuộc họp mới nhất của FED được công bố cho thấy nguồn cung tiền trên thị trường sẽ bị cắt giảm, và lãi suất có thể sẽ được tăng sớm hơn dự kiến. Tin tức này đã được phản ánh vào các đợt giảm trước đây, tuy nhiên, tin tức của phiên tối qua đã làm gia tăng sức bán trên thị trường đồng vốn đã có nhiều tin tiêu cực.
Nguồn cung và nhu cầu đồng tinh luyện toàn cầu dự kiến sẽ cân bằng chặt chẽ vào năm 2022. Việc mở rộng mỏ Grasberg ở Indonesia, Kamoa-Kakula ở CH Congo và các mỏ khác sẽ làm tăng nguồn cung cấp quặng đồng lên hơn 1.1 triệu tấn. Tuy nhiên, sự xáo trộn lớn nhất đối với nguồn cung sẽ là bài toán về chuỗi cung ứng vận chuyển toàn cầu vẫn đang bị cản trở do đại dịch.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Tiên Phạm
 
Giá dầu nhiều khả năng gặp áp lực trở lại khi tác động của Omicron đến nhu cầu tiêu thụ dầu dần hiện hữu
Giá dầu đóng cửa trong sắc xanh ngày hôm qua, tuy nhiên có những dấu hiệu cho thấy đà tăng sẽ sớm chấm dứt. Dấu hiệu rõ ràng nhất trong ngày hôm qua đó là báo cáo của EIA cho thấy nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu đang suy yếu. Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI tăng 1.12% lên 77.85 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 1% lên 80.8 USD/thùng.
Số lượng sản phẩm cung cấp ra thị trường trong tuần chỉ đạt 19.67 triệu thùng, giảm 2 gần 2 triệu thùng/ngày so với số báo cáo tháng trước. Mức giảm chủ yếu đến từ lượng tiêu thụ xăng chứ không phải là nhiên liệu máy bay, gợi ý vấn đề có thể đang đến từ việc người dân hạn chế đi lại ở công sở tuy nhiên vẫn tham gia các chuyến nghỉ lễ. Như vậy đây có thể sẽ là vấn đề kéo dài ít nhất trong tháng này, khi các nhà khoa học dự đoán phải đến đầu tháng 2 số ca nhiễm mới giảm từ đỉnh.
Bên cạnh Mỹ, vấn đề tương tự đã xảy ra ở Trung Quốc. Hiện tại, một số cơ quan tư vấn như IHS Market và Energy Aspects đã giảm dự báo tiêu thụ nhiên liệu của nước này khoảng 300,000 - 400,000 thùng/ngày trong quý I, do nước này kiên định với chính sách “Zero-COVID” và hiện tại đã phong tỏa nhiều thành phố và cảng lớn.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hồng Hoa

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV