Giá ngô đang được hỗ trợ mạnh bởi lực mua kĩ thuật tại vùng 500 cents
Mở cửa phiên đầu tuần, giá ngô đang giảm trở lại sau phiên hồi phục bất ngờ vào cuối tuần trước. Kể từ vùng đỉnh hồi tháng 5, ngô vẫn duy trì xu hướng giảm trong dài hạn, tuy nhiên giá vẫn có những nhịp tăng ngắn và duy trì trên mức hỗ trợ 500. Điều này đến từ việc tốc độ nhập khẩu ngô khổng lồ của Trung Quốc đang dần hạ nhiệt trong khi lo ngại về nguồn cung thắt chặt cũng giảm bớt. Tuy nhiên, việc đà giảm bị chặn lại và giá ngô bật lên mạnh từ mức hỗ trợ tâm lí này vừa là do lực mua kĩ thuật nhưng cũng cho thấy trong ngắn hạn, giá có thể sẽ trải qua nhịp tăng nhẹ.
Điều rõ ràng mà thị trường đều nhìn thấy từ số liệu trong báo cáo Cung – cầu tháng 9 vừa qua chính là nguồn cung ở Mỹ được nới lỏng hơn. Diện tích gieo trồng tăng lên như dự đoán và báo cáo của FSA đã đưa ra trước đó, năng suất cũng điều chỉnh tăng trở lại mức 176.2 giạ/mẫu sau khi ước tính của USDA được cho là đã quá bi quan trong báo cáo tháng 8 dựa trên những cải thiện thời tiết thời gian gần đây và cuộc khảo sát thực tế ở Midwest. Con số này chỉ thấp hơn một chút so với mức 176.6 giạ/mẫu vào năm 2018, mức năng suất kỉ lục ở Mỹ.
Khánh Linh
 
Giá cà phê có thể tiếp tục giảm điều chỉnh và tích lũy để củng cố xu hướng tăng
Kết thúc tuần vừa qua, giá cà phê trên hai sở đồng loạt suy yếu. Hợp đồng cà phê Arabica kỳ hạn tháng 12 giảm 2.6% còn 188.05 cents/pound, hợp đồng Robusta kỳ hạn tháng 11 cũng giảm 0.5% còn 2048 USD/tấn. Chênh lệch giá giữa hai sở được thu hẹp lại còn 51% chiết khấu cho giá Robusta.
Có thể thấy, mức giảm của giá Robusta ít hơn nhiều so với mức giảm của giá Arabica, bởi đà tăng của thị trường cà phê lần này được dẫn dắt bởi giá Robusta. Báo cáo tháng 8 của Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) cũng chỉ ra sản lượng Robusta trên toàn cầu sẽ giảm 2.1%, trong khi sản lượng Arabica tăng 2.3%. Do đó, giá của Robusta vẫn được hỗ trợ tốt hơn.
Ngoài những tin tức liên quan đến cung cầu, sự luân chuyển dòng tiền của các quỹ đầu tư lớn cũng là yếu tố mà các nhà đầu tư cần theo dõi sát sao. Báo cáo Cam kết thương nhân (COT Report) cho thấy một vài diễn biến đáng chú ý.
Tiên Phạm
 
Lực bán kỹ thuật có thể khiến giá bạch kim tiếp tục giảm mạnh
Kết thúc tuần vừa qua, cả hai mặt hàng kim loại quý đồng loạt suy yếu. Giá bạc giảm gần 4% còn 23.9 USD/ounce, mức thấp nhất trong vòng 2 tuần. Giá bạch kim suy yếu mạnh hơn 6% về 956 USD/ounce, mức đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 11/2020.
Sự phục hồi của đồng USD vẫn là yếu tố chính gây áp lực lên giá của cả bạc và bạch kim. Các nhà đầu tư đang rất chờ mong cuộc họp tháng 9 của FED bởi ngày càng nhiều chuyên gia tin rằng cơ quan này sẽ sớm cắt giảm các chương trình thu mua trái phiếu do thị trường lao động hồi phục ngày một tích cực và áp lực lạm phát không ngừng gia tăng. So với giá bạc, giá bạch kim gần như không còn nhiều triển vọng để tăng giá. Các nhu cầu tiêu thụ bạch kim giảm mạnh do ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch mới nhất do biến thể Delta, cộng với tin tức cân bằng cung cầu bạch kim trên thế giới ở trong trạng thái thặng dư đã khiến cho các nhà đầu tư bạch kim không còn quá nhiều kỳ vọng về thị trường.
Trong tuần này, các nhà đầu tư cần chú ý tới chỉ số giá tiêu dùng CPI, một trong những thước đo lạm phát ưa thích của FED. Nếu chỉ số giá CPI cao hơn dự báo, áp lựng lạm phát gia tăng sẽ khiến cho FED sẽ tiến hành các chính sách bảo vệ giá trị của đồng USD, và giá bạc và bạch kim sẽ giảm mạnh.
Tiên Phạm
 
Thị trường chờ đợi gì từ Báo cáo thị trường dầu tối nay của OPEC?
Dầu thô tăng 3 tuần liên tiếp với giá WTI kết tuần vừa tăng 0.62% lên 69.72 USD/thùng, giá Brent tăng 0.43% lên 72.92 USD/thùng.
Giá vẫn tiếp tục tăng trong sáng nay với phe mua đang đẩy WTI lên trên mức 70 USD/thùng. Nếu Báo cáo thị trường dầu tháng 9 của OPEC và IEA đưa ra quan điểm tích cực về thị trường, giá có thể sẽ quay trở lại khoảng giao dịch trên 70.
Nhìn vào 2 tác nhân cơ bản hiện giờ, yếu tố về nguồn cung trong ngắn – trung hạn tương đối ổn định, với sự tuân thủ nghiêm ngặt của các thành viên OPEC+ đối với chính sách sản lượng nhóm đề ra trong tháng 7. Theo báo cáo mới nhất của EIA, khả năng nguồn cung tăng từ Mỹ và các nước ngoài OPEC+ là không nhiều, trong khi các rủi ro thiên tai là khá lớn, góp phần tăng tính “bullish” cho thị trường.
Hồng Hoa