Áp lực kĩ thuật từ vùng kháng cự tâm lí 700 có thể sẽ khiến giá ngô tiếp tục điều chỉnh trong phiên hôm nay
Ngô là mặt hàng nông sản duy nhất mở cửa trong sắc đỏ phiên sáng nay, tuy nhiên mức giảm cũng không quá đáng kể. Sau 2 phiên bật tăng mạnh do triển vọng mùa vụ năm nay của Mỹ bị thiệt hại nhiều hơn dự kiến, đà tăng đang có xu hướng chậm lại. Theo đánh giá của chúng tôi, xu hướng chính của ngô vẫn sẽ hướng lên vùng 700 trong vài tuần tới nhờ hỗ trợ từ các yếu tố cơ bản, tuy nhiên trước đó thì sẽ xuất hiện nhịp điều chỉnh. Với kịch bản này, các doanh nghiệp chăn nuôi nội địa có thể tận dụng thời điểm giá đang suy yếu trở lại để thực hiện mua hàng cho shipment tháng 10 khi giá ngô CBOT về vùng hỗ trợ 670.
Hiện nay, sau phiên bật tăng mạnh hướng lên vùng kháng cự tâm lí 700, giá ngô đang chịu áp lực bán kĩ thuật. Tình hình nguồn cung toàn cầu ở Mỹ hay châu Âu đều đang cho thấy triển vọng tăng giá trong giai đoạn tới do tồn kho ngô Mỹ niên vụ 22/23 dự báo giảm xuống mức thấp nhất trong 10 năm qua và sản lượng của Pháp, Đức cũng bị thiệt hại nặng nề sau giai đoạn hạn hán. Yếu tố duy nhất đang hạn chế đà tăng của giá là tình hình nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc đang suy yếu nhưng đây cũng không phải là trọng tâm chú ý của thị trường trong giai đoạn này. Chính vì thế nên, nhịp điều chỉnh này có thể sẽ không kéo dài. Các doanh nghiệp nên bám sát biến động giá và nhà đầu tư cá nhân cũng nên hạn chế việc mở vị thế bán mới.
Ngoài ra, thị tường cũng nên chú ý đến thông tin về cuộc đình công đường sắt ở Mỹ. Mặc dù nước này mới chỉ vừa bắt đầu thu hoạch và chưa vào giai đoạn xuất khẩu cao điểm nhưng đây cũng là yếu tố “bullish” tiềm ẩn đối với giá. Tàu hỏa là phương tiện chính của Mỹ để vận tải nông sản từ Midwest tới cảng Tây Bắc Thái Bình Dương, nơi chiếm 30% khối lượng nông sản xuất khẩu hàng năm. Nếu như Nhà Trắng không sớm giải quyết được vấn đề này thì giá ngô sẽ lại bước vào 1 nhịp tăng mạnh mới.
Giá Arabica trong phiên hôm nay khả năng cao sẽ tiếp tục giảm do kỳ vọng sự phát triển cây cà phê trong niên vụ tới tại Brazil
Kết thúc phiên giao dịch 13/09, hai mặt hàng cà phê đều suy yếu, đóng cửa Arabica giảm gần 2% và Robusta giảm hơn 1%. Thị trường vẫn đang kỳ vọng vào dự báo thời tiết sẽ có mưa tại các cách đồng trồng cà phê tại Brazil vào cuối tháng 09 sẽ giúp cây trồng phát triển tốt hơn sau thời gian khô hạn kéo dài. Bên cạnh đó, đồng Dollar Mỹ bất ngờ tăng mạnh trong phiên hôm qua cũng là nhân tố thúc đẩy đà suy yếu của mặt hàng này.
Chỉ số CPI tháng 08 của Mỹ tăng 8.3% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn dự đoán trước đó của thị trường, khiến đồng Dollar bất ngờ tăng mạnh trong phiên tối qua, đồng thời điều này cũng mở rộng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), sẽ tăng mạnh lãi suất với mức 0.75% trong đợt điều chỉnh vào tuần sau. Dự kiến sẽ khiến lo ngại về suy thoái kinh tế quay trở lại, kéo theo nhu cầu tiêu thụ cà phê suy yếu, từ đó gây áp lực lên giá mặt hàng này trong thời gian tới.
Ở thời điểm hiện tại, hầu như các quốc gia sản xuất cà phê lớn trên thế giới đều đã kết thúc giai đoạn thu hoạch và đang trong thời điểm phát triển của cây trồng, vậy nên yếu tố về thời tiết sẽ có ảnh hưởng lớn trong thời gian tới vì có thể sẽ quyết định sản lượng mặt hàng này trong niên vụ tiếp theo. Là quốc gia số 1 thế giới về sản xuất Arabica, hiện tại các cánh đồng cà phê tại Brazil đang phải đối mặt với tình trạng khô hạn kéo dài, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển, đặc biệt quốc gia này còn đang phải đối mặt với tình trạng mất trắng một lượng không nhỏ cà phê do hiện tượng ra hoa sớm. Tuy vậy, với dự báo sẽ có mưa vào cuối tháng, đang được kỳ vọng sẽ giúp Brazil phần nào thoát khỏi cục diện bế tắc này. Bên cạnh đó, Ethiopia, quốc gia sản xuất cà phê lớn tại Châu Phi, mùa vụ cũng đang nhận được ủng hộ từ thời tiết có mưa.
Doanh số bán hàng của các chuỗi cà phê tại Mỹ tăng 10%, lên gần mức trước đại dịch, cho thấy dấu hiệu tích cực về tiêu thụ cà phê tại thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới, dự kiến sẽ là yếu tố kìm hãm đà giảm của giá.
Giá đồng có thể vẫn gặp áp lực trước yếu tố vĩ mô, nhưng lực bán sẽ không còn quá mạnh
Giá đồng đang cho thấy những diễn biến giằng co trước lo ngại về việc lạm phát tăng cao hơn kỳ vọng tại Mỹ sẽ thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ mạnh tay tăng lãi suất, và những lo ngại về rủi ro nguồn cung.
Tối nay, Bộ Thương mại Mỹ sẽ tiếp tục công bố bộ dữ liệu chỉ số giá sản xuất PPI, đo lường lạm phát chi phí trong hoạt động sản xuất. Thị trường kỳ vọng PPI sẽ giảm 0.1% trong tháng 8 so với tháng trước đó. Tuy nhiên, với chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng so với tháng trước đó, nhiều khả năng PPI cũng sẽ khá tiêu cực và tiếp tục là minh chứng cho thấy lạm phát chưa hạ nhiệt quá mạnh như mong đợi của thị trường. Trong trường hợp này, chỉ số Dollar Index có thể tăng lên và gây áp lực đến giá đồng.
Tuy nhiên, lực bán có thể không quá mạnh do tính bất ngờ đã giảm bớt, trong khi rủi ro về nguồn cung tại Chile và Trung Quốc sẽ ngăn cản giá đồng giảm sâu. Tại mỏ đồng lớn nhất trên thế giới, những xung đột giữa công nhân và Tập đoàn khai thác BHP về vấn đề an toàn vẫn chưa được xử lý sau khi các nhà quản lý tiến hành xem xét và kiểm tra địa điểm khai thác. Phía công đoàn tiếp tục đe doạ đình công trong trường hợp công ty không vào cuộc giải quyết tình huống. Gián đoạn tạo mỏ đồng chiếm hơn 6% sản lượng toàn thế giới vẫn sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá đồng.
Mặt khác, tại Trung Quốc, tồn kho đồng hiện đang liên tục ở mức thấp, trong khi tiêu thụ được kỳ vọng sẽ phục hồi vào giai đoạn cuối năm. Tồn kho đồng trên Sở Thượng Hải đang ở mức thấp kỷ lục chỉ còn hơn 3,200 tấn. Trong khi đó, tỷ lệ hoạt động trung bình của các doanh nghiệp sản xuất lá đồng cho thấy mức độ cải thiện, đạt mức 86.19% trong tháng 8, tăng 5.65% so với tháng trước. Tỷ lệ tồn kho/sản lượng thành phẩm giảm 1.53% do sự cải thiện trong lợi nhuận biên của thiết bị điện tử đầu cuối khiến lượng tồn kho thành phẩm của một số doanh nghiệp giảm. Tỷ lệ hoạt động trung bình của các nhà sản xuất đồng cathod tăng 0.07%. Điều này đang cho thấy sự cải thiện hơn trong nhu cầu tiêu thụ trong khi nguồn cung thu hẹp tại Trung Quốc. Đây sẽ là yếu tố cản trở đà giảm sâu đối với giá đồng trong phiên hôm nay.
Giá dầu có thể tiếp tục giảm khi các yếu tố tiêu cực trên thị trường vẫn đang lấn át
Giá dầu đang giằng co xung quanh mức tham chiếu, tuy nhiên sức ép bán vẫn đang áp đảo trên thị trường sau khi số liệu của Viện Dầu khí API cho thấy tồn kho dầu thương mại tăng mạnh 6 triệu thùng.
Trong khi các nhà đầu tư đang chờ đợi số liệu từ EIA, thị trường dầu đang chịu sức ép lớn hơn từ sự gia tăng của đồng USD. Chỉ số Dollar Index dù đang giảm nhẹ về 109.76 điểm nhưng vẫn đang ở khu vực cao kỷ lục trong vòng hơn hai thập kỷ. Sự tăng giá của đồng bạc xanh đang phản ánh những lo ngại về việc Fed sẽ mạnh tay tăng lãi suất thêm 100 điểm cơ bản, mức tăng mạnh nhất trong năm nay, sau khi số liệu lạm phát không tích cực như kỳ vọng.
Biểu đồ kỹ thuật của cũng cho thấy chỉ số đã vượt lên cạnh giữa của Bollinger Band với chỉ số RSI đã duy trì trên 50 điểm suốt từ giữa tháng 8 tới nay. Nhiều khả năng Dollar Index sẽ test lại mốc 100 USD và gây sức ép lên giá dầu.
Về phía các yếu tố cung cầu, giá xăng trung bình ở Mỹ trong tuần trước tiếp tục giảm từ 3.76 USD về 3.70 USD/gallon (3.79 lít). Mặc dù vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm trước, nhưng mức giá hiện nay đã thấp hơn 7% so với tháng trước. Giai đoạn hiện nay cũng không phải mùa tiêu thụ cao điểm, cộng với tâm lý lo ngại về sự suy yếu của nền kinh tế nên rất có thể số liệu của EIA cũng không quá đối nghịch so với số liệu của API.