Giá lúa mì có khả năng vẫn sẽ duy trì đà giảm trong phiên tối nay trước sức ép từ lực bán kĩ thuật
Giá lúa mì đang rơi mạnh tới hơn 1% chỉ sau vài tiếng mở cửa phiên giao dịch sáng nay và đã xoá đi hoàn toàn mức hồi phục trong tối qua. Mặc dù thị trường mua bán quốc tế khá sôi động khi các quốc gia nhập khẩu đang tận dụng khoảng thời gian lúa mì đã giảm từ mức đỉnh vào cuối tháng 11, tuy nhiên yếu tố chính vẫn đang có tác động rõ ràng đến lúa mì trong trung hạn vẫn đang là nguồn cung.
Triển vọng nguồn cung bớt thắt chặt hơn đã được phản ánh trong báo cáo Cung – cầu tháng 12 và phiên giảm mạnh thể hiện kì vọng của thị trường trước đó. Việc giá lúa mì hồi phục ngay sau phiên công bố chủ yếu đến từ việc giá bước vào nhịp điều chỉnh kĩ thuật sau khi các tín hiệu quá bán xuất hiện. Sau khi điều chỉnh về mức trước báo cáo, giá lúa mì đang trở lại xu hướng giảm mạnh và đà giảm có khả năng sẽ tiếp tục duy trì trong vài phiên tới khi các thông tin mới sẽ khó có thể lấn át tác động “bearish” từ những số liệu vừa qua.

Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV)
Khánh Linh
 
Giá đồng có thể giảm mạnh vì nguy cơ Trung Quốc suy yếu
Giá đồng giảm phiên thứ 4 liên tiếp về 4.25 USD/pound. Lực bán mạnh đang duy trì trên thị trường trong thời gian gần đây chủ yếu xuất phát từ những tin tức tiêu cực đến từ Trung Quốc.
Vốn là nhà tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới, nền kinh tế Trung Quốc rơi vào tình trạng suy thoái sẽ gây sức ép lớn lên giá đồng. Các số liệu kinh tế được công bố trong sáng nay không thống nhất, cho thấy sự hồi phục thiếu ổn định của nền kinh tế thứ hai thế giới. Sản lượng công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 11 cao hơn 3.8% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên doanh số bán nhà sụt giảm, kéo theo đó là mức đầu tư chung trong nền kinh tế tăng trưởng thấp hơn so với kỳ vọng, chỉ đạt 5.2%. Lĩnh vực bất động sản vẫn đang chịu nhiều sự kiểm soát chặt chẽ, và mức đầu tư vào cơ sở hạ tầng đã giảm 4.6% trong tháng 11 so với một năm trước đó, theo ước tính từ ngân hàng Goldman Sachs.

Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV)
Thuỷ Tiên
 
Giá Robusta rộng cửa tăng hơn so với giá Arabica do mức chênh lệch lớn giữa hai Sở
Giá cà phê kết thúc phiên hôm qua trong sắc xanh. Giá Arabica nhích nhẹ 0.2% lên 237.2 cents/pound. Chênh lệch giá giữa hai Sở vẫn ổn định ở mức 56% chiết khấu cho giá Robusta.
Đối với thị trường Arabica, lực mua đã yếu dần trong các phiên gần đây, tuy nhiên việc số liệu xuất khẩu tiêu cực của Brazil vẫn hỗ trợ giá không bị điều chỉnh quá sâu. Bên cạnh đó, mức tồn kho trên Sở ICE US giảm mạnh về 1.575 triệu bao, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 1 đến nay, cũng là một yếu tố khác củng cố lực mua của phiên hôm qua.

Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV)
Thuỷ Tiên
 
Giá dầu có khả năng giảm sâu nếu không lấy lại được vùng hỗ trợ mạnh
Giá dầu nối tiếp đà giảm từ đầu tuần sau các thông tin tiêu cực từ diễn biến đại dịch COVID-19. Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI giảm 0.79% xuống 70.73 USD/thùng trong khi giá Brent giảm 0.93% xuống 73.7 USD/thùng.
Nhìn lại vào các báo cáo tháng vừa qua, không khó để thấy ở dưới các con số điều chỉnh giảm thực chất lại là quan điểm tương đối lạc quan. Có 1 điểm cần chú ý là thay đổi trong số liệu tuyệt đối của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ EIA và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ OPEC xuất phát từ các điều chỉnh trong năm 2020, và cả 2 đều không đưa ra giải thích. Nếu tính đến điểm này, có thể thấy, EIA thực chất chỉ hạ tiêu thụ dầu thế giới trong năm sau khoảng 200,000 thùng, trong khi ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA ở vào khoảng 100,000 thùng, còn OPEC không có gì thay đổi so với tháng trước. Như vậy cả 3 tổ chức dường như đều chung nhận định Omicron hay là rủi ro từ việc tăng lãi suất đều sẽ không phải là yếu tố tạo ra rủi ro điều chỉnh trên thị trường.

Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV)
Hồng Hoa

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV