Giá ngô có thể sẽ chịu áp lực chốt lời trong phiên hôm nay
Giá ngô đã trải qua một phiên giằng co và biến động nhẹ cả 2 chiều trong bối cảnh các thông tin không có tác động quá mạnh. Với diễn biến cân sức giữa bên mua và bên bán như hiện nay có thể giá ngô sẽ gặp phải áp lực chốt lời trong phiên cuối tuần hôm nay.
Thời tiết ở Mỹ vẫn là tâm điểm quan tâm với mùa vụ ngô ở đây. Mặc dù mưa được dự báo sẽ xuất hiện trong 5 ngày tới, đặc biệt là ở các bang phía đông nam của khu vực vành đai ngô như Kansas và Missouri. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều quan điểm trái chiều về năng suất ngô của Mỹ về ảnh hưởng của khô hạn tới nửa phía Bắc của vành đai ngô trong nhiều tuần qua và dự báo độ ẩm sẽ tiếp tục thâm hụt trong 15 ngày tới ở những khu vực này. Điều này cũng góp phần gây ra tác động trái chiều trong phiên hôm qua của giá ngô. Trong thời gian tới, nếu lượng mưa thực sự không đủ lớn và chỉ xuất hiện cục bộ thì mùa vụ ngô sẽ phải trải qua quá trình thụ phấn với nhiều lo ngại sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá.
Doanh số xuất khẩu của Mỹ trong tuần trước đều giảm mạnh ở cả 2 niên vụ. Trong đó, Trung Quốc vẫn chiếm một nửa cho thấy mặc dù tốc độ giảm dần nhưng nhu cầu ngô ở nước này vẫn là con số khổng lồ so với các năm trước. Chính vì thế, mặc dù số liệu không quá tích cực trong báo cáo tối qua nhưng giá ngô sẽ không thể giảm sâu.
Ở khu vực Nam Mỹ, hạn hán đang khiến cho hoạt động xuất khẩu đang có nguy cơ bị trì hoãn khi mức nước sông Parana được cảnh báo giảm xuống mức thấp kỷ lục. Mới đây, chính phủ Paraguay đã thông báo tình trạng khẩn cấp đối với hàng hải trên các sông Paraguay, Parana và Apa.

Lúa mì tiếp tục đà tăng trong phiên sáng nay và lo ngại về nguồn cung ở các nước sản xuất chính trên thế giới vẫn đang là yếu tố hỗ trợ giá.
Từ đầu năm đến nay, giá lúa mì luôn cùng chiều hoặc đi theo giá ngô nhưng khi giá ngô giằng co trong phiên phiên hôm qua, giá lúa mì đã có mức tăng mạnh 2.71%. Kết hợp với số liệu trong báo cáo Export Sales cho thấy nhu cầu sử dụng lúa mì tăng mạnh là những lí do mà lúa mì trở thành mặt hàng mạnh nhất trong thời gian gần đây.
Các chỉ báo động lượng RSI và MACD đều hướng lên cho thấy tín hiệu mua được củng cố. Giá đã vượt SMA 20 ngày và hướng tới đường biên trên của dải Bollinger Bands.
 
Xu hướng làm việc tại nhà có thể là yếu tố hỗ trợ giá cà phê Robusta
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 15/7, giá Cà phê trên hai sàn diễn biến trái chiều. Giá Cà phê Arabica kỳ hạn tháng 9 trên sàn ICE US tăng 0.3% lên 157.05 cents/pound, trái lại giá Robusta cùng kỳ hạn trên sàn ICE EU giảm 0.34% còn 1756 USD/tấn.
Trong thời gian gần đây, giá Robusta tăng trong khi giá Arabica giảm, diễn biến trái chiều của phiên hôm qua sẽ khiến cho nhiều nhà đầu tư cảm thấy bất ngờ. Tuy nhiên, đây rất có thể chỉ là một phiên cân chỉnh lại giá giữa các thị trường khi mà giá Robusta tăng nóng nhiều phiên liên tiếp.
Tình hình dịch căng thẳng do biến chủng Delta khiến cho rất nhiều nước phải tái giãn cách, các dịch vụ ăn uống cũng gặp rất nhiều khó khăn để hoạt động lại bình thường. Do đó, nhu cầu tiêu thụ Cà phê Arabica trong thời gian sắp tới có thể sụt giảm mạnh.
Tuy nhiên, làm việc tại nhà đang trở thành xu thế mới trên toàn cầu, nhất là trong bối cảnh diễn biến dịch còn nhiều phức tạp. Do đó, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm cà phê hòa tan, và cà phê uống liền có thể sẽ tăng mạnh. Với mức chiết khấu rẻ hơn gần 49% so với giá của Cà phê Arabica, Cà phê Robusta vẫn là mặt hàng được các nhà sản xuất cà phê đóng gói ưa chuộng, vì thế, giá Robusta có thể tiếp tục tăng trong giai đoạn sắp tới.
Lăng kính kỹ thuật cho thấy, giá Arabica giằng co mạnh trong phiên và vẫn không thể vượt qua mức cản 156 cents/pound (Fibonacci 68.1). Tuy nhiên, chỉ số RSI ở các khung H1, H4 và D1 đều lớn hơn 50, cho thấy tâm lý phe mua đang rất lạc quan. Trong phiên hôm nay, giá có thể test lại mức 156 cents một lần nữa.

 
Số liệu doanh số bán lẻ có thể tác động trái chiều lên giá của các mặt hàng kim loại quý
Kết thúc phiên giao dịch 15/7, giá cả hai mặt hàng kim loại đồng loạt tăng phiên thứ hai liên tiếp. Giá Bạc đóng cửa tăng 0.47% lên 26.4 USD/ounce, giá Bạch kim cũng tăng 0.85% lên 1137 USD/ounce. Giá cả hai mặt hàng đều giằng co trong phiên.Tuy sắc xanh vẫn được duy trì trên bảng giá, nhưng giá có thể gặp nhiều sức ép đến từ sự hồi phục của đồng USD. Hôm qua, Bộ lao động Mỹ công bố số đơn xin đề nghị trợ cấp thất nghiệp lần đầu giảm còn 360,000 đơn, đây là mức thấp nhất trong 16 tháng trở lại đây.
Tại phiên điều trần trước Quốc hội vào thứ 4, Chủ tịch FED cho biết các chính sách tiền tệ sẽ được thay đổi dựa vào tốc độ phục hồi của thị trường lao động, và cơ quan này sẵn sàng chấp nhận mức lạm phát cao nếu nền kinh tế vẫn chưa phục hồi ở mức kỳ vọng. Do đó, số liệu tích cực của thị trường lao động trong phiên hôm qua đã làm dịu đi nỗi lo về lạm phát ở thị trường khiến cho chỉ số Dollar Index hồi phục lên 92.69.
Trong phiên hôm nay, thị trường sẽ hướng sự chú ý về doanh số bán lẻ tháng 6. Số liệu cao hơn có thể khiến cho đồng bạc xanh tiếp tục tăng giá và gây sức ép lên giá của các mặt hàng kim loại quý. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cần lưu ý đến doanh số bán xe hơi trong tháng này, vì đây là nền công nghiệp có nhu cầu tiêu thụ Bạc và Bạch kim rất lớn, đặc biệt là Bạch kim.
Giá Bạc đã tích lũy trong vùng 25.7 – 26.5 USD/ounce, tuy nhiên, diễn biến giá trong khung H4 đang cho thấy một đà tăng giá đang hình thành lại. Giá hiện đang tích lũy ngay mức cản 26.5 USD. Trong phiên hôm nay, giá có thể test lại mức cản này một lần nữa, nhưng nếu doanh số bán lẻ tích cực làm đồng USD tăng mạnh, giá khó có thể vượt qua mức này. Biên độ dao động dự tính 26.3 – 26.5 USD/ounce.

Ở thị trường Bạch kim, giá đang quay đầu giảm ngay khi gặp cạnh trên của Bollinger Band, tương đương với mức cản 1140 USD. Trong tuần này, giá Bạch kim đã tăng 3.5% nên có thể đây là tín hiệu giảm điều chỉnh trước khi giá tiếp tục tăng. Bên cạnh đó, thị trường cũng vẫn cần thêm thời gian để hấp thụ thông tin, nếu doanh số bán xe hơi tăng mạnh trong tháng này.
 
Nhu cầu nguyên liệu tại Trung Quốc có thể không tăng mạnh như OPEC kỳ vọng
Giá dầu đang hướng đến tuần giảm giá thứ 2 liên tiếp với một loạt các tin tức bất lợi. Kết thúc phiên giao dịch ngày hôm qua, giá WTI giảm 2.02% xuống 71.65 USD/thùng, giá Brent giảm 1.73% xuống 73.47 USD/thùng – mức thấp nhất trong 1 tháng.
Thị trường phản ứng khá tiêu cực với các tín hiệu đối lập trong báo cáo của OPEC. Dù OPEC bảo vệ quan điểm rằng nhu cầu tiêu thụ năng lượng trong năm nay tiếp tục tăng 6.6% so với 2020 và sẽ vượt qua mức trước đại dịch vào năm sau, tuy nhiên nhu cầu cho nguồn cung của OPEC+ chỉ đạt con số đáng thất vọng 26.4 triệu thùng/ngày – thấp hơn mức tăng sản lượng dự kiến.
Mặc dù OPEC kỳ vọng Mỹ và Trung Quốc sẽ dẫn đầu trong những nước gia tăng tiêu thụ nhiên liệu, tuy nhiên, số liệu thực tế cho thấy nửa đầu năm nay Trung Quốc nhập 260.66 triệu tấn (tương đương 10.51 triệu thùng/ngày), giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái và là lần đầu tiên nhập khẩu dầu trong 6 tháng đầu năm kể từ năm 2013. Trong khi đó, xuất khẩu các sản phẩm lọc dầu tăng, gợi ý rằng nhu cầu có thể đã giảm, hoặc Trung Quốc đã sử dụng dầu trong các kho dự trữ để đối phó với tình trạng giá tăng. Điều này tiếp tục là một rủi ro đối với thị trường dầu thô, do tình hình này gợi ý mức giá cao có thể sẽ làm quốc gia nhập khẩu dầu số 1 thế giới giảm lượng mua vào.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)