Thông tin cơ bản vẫn đang hỗ trợ tích cực trong khi các tín hiệu kĩ thuật cho thấy giá lúa mì đang ở vùng quá mua
Mở cửa phiên giao dịch sáng nay, giá lúa mì đang quay trở lại hồi phục sau khi đà tăng có phần chững lại thời gian gần đây. Diễn biến 2 phiên gần đây của lúa mì khá tương đồng nhau khi giá tăng mạnh ngày khi bước vào phiên tối nhưng kết phiên lại mất đi hầu hết mức tăng, thậm chí là giảm thêm khi đóng cửa.
Điều này cho thấy lực mua đang dần suy yếu, đặc biệt là trong bối cảnh giá đã tăng khá mạnh nhưng vẫn chưa trải qua nhịp điều chỉnh rõ ràng nào. Phiên quay đầu giảm hơn 20 cents tính từ mức cao nhất hôm qua đang là dấu hiệu cho thấy có thể trong phiên hôm nay, giá sẽ xác nhận quay đầu và điều chỉnh trước khi trở lại đà tăng.
Theo Sở Giao dịch Ngũ cốc BAGE, tiến độ thu hoạch lúa mì ở Argentina đang chậm hơn một chút so với mức trung bình trong 3 năm qua bất chấp khởi đầu khá khả quan đang là yếu tố hỗ trợ cho giá mặt hàng này. Trong khi đó, thời tiết ở các nước sản xuất lớn trên thế giới cũng làm gia tăng lo ngại của thị trường về nguồn cung lúa mì toàn cầu và tác động “bullish” đến giá.
Khánh Linh
 
Giá hai mặt hàng cà phê có thể diễn biến trái chiều trong phiên hôm nay do chênh lệch giá rộng giữa hai Sở
Kết thúc phiên 18/11, giá cà phê đồng loạt giảm với giá Arabica đóng cửa thấp hơn 2.4% còn 229.15 cents/pound, còn giá Robusta cũng giảm gần 2% về 2212 USD/tấn. Chênh lệch giá giữa hai Sở được nới rộng lên mức 56% chiết khấu cho giá Robusta.
Nếu như giá Arabica có phiên giảm điều chỉnh đáng kể đầu tiên sau chuỗi tăng mạnh tính từ cuối tuần trước, thì giá Robusta vẫn giằng co đi ngang trong một biên độ rộng. Trước khi giảm, giá Arabica đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 9 năm, nhưng áp lực chốt lời khiến giá không giữ được cho đến kết thúc phiên. Trong bối cảnh hiện nay, những lo ngại về nguồn cung và mức tồn kho liên tục giảm trên Sở ICE đang là yếu tố hỗ trợ cho giá, nhưng trải qua nhiều phiên tăng liên tiếp nên giá Arabica đang rất nhạy cảm với một đợt giảm điều chỉnh. Vì thế, mức giảm của phiên hôm qua có thể chỉ là khởi đầu cho chuỗi giảm sắp tới để khoảng cách giữa hai Sở không bị nới rộng quá nhiều.
Về mặt kỹ thuật, các nhà đầu tư nên canh bán hơn là mua vào ở thời điểm hiện tại vì đây là một vùng giá cao. Khuyến nghị, mở bán ở mức 232 cents, chốt lời khi giá gặp cạnh giữa Bollinger Band tương đường với mức 223 cents.
Tiên Phạm
 
Giá đồng sẽ phục hồi nhẹ trước khi giảm trở lại do áp lực kép từ nguồn cung và nhu cầu tiêu thụ
Giá đồng đóng cửa phiên hôm qua với mức tăng nhẹ gần 1% lên 4.3 USD/pound, đồng thời chấm dứt chuỗi giảm 3 phiên liên tiếp.
Giá đồng đã bốc hơi 12% trước khi hồi phục trở lại vào ngày hôm qua. Phe bán đã quay trở lại và đưa xu thế giảm quay trở lại thị trường. Những lo ngại về nguồn cung giờ đây không còn là yếu tố hỗ trợ cho giá đủ mạnh, bởi khảo sát mới nhất của Capital Economics cho biết khi mỏ Kamoa – Kakula của Congo đi vào hoạt động, nguồn cung đồng sẽ gia tăng đáng kể.
Dự báo cho thấy thị trường đồng thế giới sẽ ở trong trạng thái thặng dư 200,000 tấn vào năm sau, sau 4 năm liền ở trong trạng thái thâm hụt. Đây là tin tức mang ảnh hưởng rất tiêu cực đến triển vọng của giá đồng, nhưng thường sản lượng đồng thực tế thường sẽ bị hao hụt và thấp hơn rất nhiều so với sản lượng được ước tính. Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân khiến cho mức thặng dư của năm tới khá lớn xuất phát từ việc nhu cầu của nhà tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới là Trung Quốc vẫn chưa phục hồi tích cực.
Sự gián đoạn về nguồn cung và sự phục hồi chậm của chuỗi cung ứng toàn cầu đã khiến lượng đồng tồn kho toàn cầu giảm trong năm nay.
Tiên Phạm
 
Giá dầu nhiều khả năng sẽ tăng trở lại khi thị trường đã hấp thụ hết thông tin các nước mở kho dầu
Giá dầu tăng trở lại sau khi giằng co trong phiên tối sau khi tâm lý thị trường được cải thiện sau một loạt các tin tức xung quanh các việc các nước mở kho dự trữ chiến lược (SPR). Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, giá WTI tăng 0.83% lên 79 USD/thùng, giá Brent tăng 1.2% lên 81.24 USD/thùng.
Việc mở kho SPR là yếu tố làm giảm giá đối với thị trường dầu trong ngắn hạn, đặc biệt là cuối năm nay. Tuy nhiên xét về tổng thể, đây lại là chiến lược đem lại rủi ro khiến giá tăng lên trong trung và dài hạn.
Trước hết đấy chính là khả năng OPEC+ đáp trả lại bằng cách kéo dài thời gian cắt giảm hạn ngạch sản xuất, với lý do quen thuộc là cần cẩn trọng để không mất cân bằng cung-cầu. Đặc biệt là khi quan hệ giữa Mỹ và OPEC+ không còn duy trì sự hợp tác như trước kia nữa, có thể hành động này của Mỹ sẽ khiến cho các bên quay sang trạng thái đối đầu, dù khả năng này tương đối nhỏ.
Hành động này cũng có thể khiến cho các nhà sản xuất quay chậm tăng sản lượng lại so với dự kiến, khiến cho vấn đề cốt lõi là cần nhanh chóng tăng lượng sản xuất dầu không được giải quyết.
Hồng Hoa

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV