Lũ lụt ở Canada gây ra thiệt hại ở các tuyến đường xuất khẩu trong khi nguồn cung lúa mì thắt chặt đang là yếu tố hỗ trợ giá
Lúa mì mở cửa phiên giao dịch sáng nay đã tạo gapup, và tăng mạnh hơn 1%. Tính trong tuần trước, lúa mì đã biến động 4 phiên trong khoảng đi ngang, với biên độ ngày càng hẹp dần.
Các vấn đề về thời tiết ở Canada và Úc tác động thêm vào nguồn cung toàn cầu vốn đã thắt chặt càng gia tăng thêm lo ngại của thị trường và thúc đẩy giá tăng mạnh trong phiên sáng nay. Một lượng mưa quá lớn ở khắp nước Úc trong giai đoạn thu hoạch lúa mì có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng vụ mùa và làm tăng thêm chi phí sấy khô và bảo quản do độ ẩm của hạt tăng lên.
Trong khi đó, sau thời gian cây trồng trải qua hạn hán ở Canada thì mưa đã xuất hiện không đúng thời điểm khi lũ lụt và sạt lở đang gây cản trở đến quá trình xuất khẩu ngũ cốc tại nước này. Các tuyến đường sắt ở Vancouver đã bị hư hỏng và dự kiến là sẽ chưa kịp khôi phục trở lại trong tuần này. Điều này dẫn tới việc các quốc gia nhập khẩu sẽ chuyển hướng sang mua hàng của Mỹ khi Nga hiện cũng đang tiếp tục tăng thuế xuất khẩu để đảm bảo nguồn cung nội địa. Chính vì thế, đây sẽ là yếu tố hỗ trợ rất lớn cho giá lúa mì CBOT.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Khánh Linh
Giá Robusta sẽ được hỗ trợ nhiều hơn giá Arabica trong bối cảnh chênh lệch giữa hai Sở đang ở mức cao
Giá hai mặt hàng cà phê kết thúc tuần với diễn biến trái chiều. Trong khi giá Arabica tăng vọt 5.2% lên 233.4 cents/pound, thì giá Robusta giảm 1.4% còn 2245 USD/tấn. Chênh lệch giá giữa hai Sở vẫn đang ở mức 56% chiết khấu cho giá Robusta.
Từ đầu năm đến nay, giá Arabica đã tăng hơn 80% và hiện đang ở mức cao nhất kể từ tháng 1/2012. Thị trường liên tục chứng kiến những đợt biến động mạnh, tăng giảm cực đoan, nhưng có một điều không đổi là xu thế tăng vẫn được duy trì. Những nỗi lo về hạn hán và sương giá chưa qua đi thì La Nina lại khiến cho các nhà đầu tư có thêm một phen lo lắng cho tiềm năng của niên vụ 2022/23.
Cà phê Arabica rất được ưa chuộng trên thế giới, chiếm hơn 60% nhu cầu tiêu thụ trên toàn cầu, nên khi sản lượng của hai nước sản suất chính là Brazil và Colombia bị tổn thất, cộng với nhu cầu tiêu thụ đang được kỳ vọng sẽ phục hồi đáng kể trong năm tới, giá Arabica đã bứt phá mạnh mẽ. Điều này cũng được thể hiện qua việc các quỹ đã gia tăng đáng kể khối lượng vị thế mua trong tuần vừa qua.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Tiên Phạm
Các số liệu về nguồn cung và đà tăng của đồng USD vẫn không ngừng duy trì sức ép lên giá đồng
Kết thúc tuần vừa qua, giá đồng vừa có một tuần giằng co mạnh nhất trong gần 2 tháng. Giá giảm mạnh ngay từ đầu tuần về 4.22 USD, mức thấp nhất trong vòng 2 tháng, nhưng sau đó lực bắt đáy đã thúc đẩy giá phục hồi và đóng cửa tuần ở mức 4.40 USD/pound.
Diễn biến thị trường cho thấy sự tranh chấp rõ rệt giữa hai phe mua bán. Phe mua đang tỏ ra rất lo ngại về việc nguồn cung đồng sẽ bị thắt chặt và ở trong tình trạng bị thâm hụt, khi mà nhu cầu tiêu thụ của các nước chỉ cần phục hồi lại mức bình thường. Trái lại, phe bán cho rằng tình trạng thiếu hụt này không quá nghiêm trọng, nhất là trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ ở Trung Quốc vẫn chưa phục hồi do sự suy yếu của ngành bất động sản nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung.
Mức tồn kho trên tại Châu Âu, phần lớn đến từ dự trữ của Sở LME tăng mạnh vào tuần trước lên 182,025 tấn. Bên cạnh đó sản lượng tại các nhà máy luyện kim của Trung Quốc dự kiến sẽ giảm nhẹ về 820,000 tấn vào tháng 11, nhưng sẽ không hỗ trợ quá nhiều cho giá bởi nhu cầu tiêu thụ vẫn chưa được cải thiện.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Tiên Phạm
Giá dầu nhiều khả năng sẽ tăng trở lại khi thị trường đã hấp thụ hết thông tin các nước mở kho dầu
Giá dầu tăng trở lại sau khi giằng co trong phiên tối sau khi tâm lý thị trường được cải thiện sau một loạt các tin tức xung quanh các việc các nước mở kho dự trữ chiến lược (SPR). Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, giá WTI tăng 0.83% lên 79 USD/thùng, giá Brent tăng 1.2% lên 81.24 USD/thùng.
Việc mở kho SPR là yếu tố làm giảm giá đối với thị trường dầu trong ngắn hạn, đặc biệt là cuối năm nay. Tuy nhiên xét về tổng thể, đây lại là chiến lược đem lại rủi ro khiến giá tăng lên trong trung và dài hạn. Trước hết đấy chính là khả năng OPEC+ đáp trả lại bằng cách kéo dài thời gian cắt giảm hạn ngạch sản xuất, với lý do quen thuộc là cần cẩn trọng để không mất cân bằng cung-cầu.
Đặc biệt là khi quan hệ giữa Mỹ và OPEC+ không còn duy trì sự hợp tác như trước kia nữa, có thể hành động này của Mỹ sẽ khiến cho các bên quay sang trạng thái đối đầu, dù khả năng này tương đối nhỏ.
Hành động này cũng có thể khiến cho các nhà sản xuất quay chậm tăng sản lượng lại so với dự kiến, khiến cho vấn đề cốt lõi là cần nhanh chóng tăng lượng sản xuất dầu không được giải quyết.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hồng Hoa