Chính sách thúc đẩy bán hàng của Argentina sẽ tạo áp lực cạnh tranh đến giá đậu tương CBOT
Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần, giá đậu tương đã tạo gapdown và sụt giảm khá mạnh theo diễn biến chung của nhóm nông sản. Tuần trước, tâm lí trước đợt nghỉ lễ Thanksgiving khiến cho thị trường trở nên ảm đạm hơn, khối lượng giao dịch hàng ngày trong tuần chỉ bằng 70% so với mức trung bình trong tháng 11. Điều này cũng một phần lý giải cho việc giá đậu tương chỉ giằng co và không rõ xu hướng trong vài phiên vừa qua. Trong tuần này, chúng tôi cho rằng thị trường đậu tương sẽ biến động rõ ràng hơn khi các thông tin về cung cầu đang dần trở nên rõ nét.
Theo hãng tin Reuters, Argentina cuối tuần trước đã chính thức công bố tỷ giá ưu đãi đối với việc xuất khẩu đậu tương của nước này nhằm tăng cường bán hàng và mang lại nguồn thu cho kho dự trữ ngoại tệ của ngân hàng trung ương. Theo Bộ trưởng Kinh tế Sergio Massa, tỷ giá hối đoái đối với đậu tương và các sản phẩm phái sinh sẽ được đặt ở mức 230 peso/USD. Hiện tại, tỷ giá chính thức giao động quanh 165 peso. Ông Massa kì vọng biện pháp này sẽ thu về ít nhất 3 tỷ USD dự trữ ngoại tệ. Trước đó, vào tháng 09, chính phủ cũng đã đẩy mạnh xuất khẩu đậu tương với chính sách tỷ giá ưu đãi được áp dụng ở mức 200 peso/USD, cao hơn so với tỷ giá chính thức vào thời điểm đó là 150 peso/USD. Biện pháp hồi tháng 9 đã mang lại 8 tỷ USD cho nước này, với khoảng 5 tỷ USD còn trong kho dự trữ cửa ngân hàng trung ương. Trong bối cảnh Mỹ vừa mới thu hoạch xong, nguồn cung sẵn có đang dồi dào nhất trong năm thúc đẩy khối lượng bán hàng của nông dân thì thông tin này từ Argentina sẽ khiến cho thị trường đậu tương Mỹ trở nên kém cạnh tranh hơn. Trong khi đó, xét về nhu cầu, với những chính sách thắt chặt Zero Covid của Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu đậu tương lớn nhất thì đây cũng là dấu hiệu cho thấy lạm phát có thể sẽ ảnh hưởng tới ngành chăn nuôi nội địa và gián tiếp làm giảm bớt nhu cầu nhập khẩu đậu tương.
Giá đồng có thể tiếp tục giảm do diễn biến dịch bệnh tiêu cực tại Trung Quốc
Giá đồng đang giảm trong sáng nay khi đồng USD tăng trở lại và tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc ngày càng bất ổn.
Theo trang tin Bloomberg, nền kinh tế đã bị ảnh hưởng bởi các biện pháp kiểm soát ngày càng chặt chẽ, hạn chế khả năng di chuyển và hoạt động kinh doanh của người dân, làm gia tăng những bất ổn xã hội và suy yếu tăng trưởng kinh tế.
Các nhà chức trách cũng cố gắng giảm thiệt hại kinh tế bằng cách đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ hơn, như việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cắt giảm lượng dự trữ bắt buộc. Sáu ngân hàng quốc doanh lớn của nước này đã công bố khoản hỗ trợ tài chính lên tới 140 tỷ USD cho các doanh nghiệp bất động sản.
Mới đây, Goldman Sachs dự báo Trung Quốc có thể kết thúc chính sách Covid Zero trước tháng 4 sớm hơn dự kiến. Ngân hàng dự báo xác suất 30% Trung Quốc mở cửa trở lại trước quý 2 năm 2023.
Chỉ số Dollar Index, đo lường sức mạnh của đồng USD, đã tăng trở lại mức 106.3 điểm, và là một yếu tố khác làm gia tăng sức ép bán trên thị trường đồng. Mặc dù vậy, nhưng chưa thể khẳng định rằng đồng USD sẽ tăng trở lại bởi các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang thận trọng hơn trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ vì những lo ngại về suy thoái kinh tế.
Giá dầu sẽ còn đối diện với áp lực khi sức ép nguồn cung tạm thời lắng xuống và nhu cầu suy yếu
Giá dầu hiện đã đánh mất mốc 75 USD/thùng, rơi xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 12 năm ngoái. Các nhà lãnh đạo khu vực châu Âu vẫn đang gặp khó khăn trong việc thống nhất mức giá trần áp dụng đối với dầu của Nga, trong khi chỉ còn 1 tuần nữa lệnh cấm vận dầu Nga vận chuyển bằng đường biển sẽ có hiệu lực.
Mức trần đề xuất là khoảng 65-70 USD/thùng. Phạm vi đó đang cao hơn mức mà Nga đang bán chiết khấu trên thị trường và do đó, sẽ không giới hạn được dòng chảy dầu từ phía Nga. Với sản lượng dầu cao gần bằng thời điểm trước khi xung đột nổ ra hồi đầu tháng Hai, nguồn thu từ dầu mỏ của Điện Kremlin vẫn chưa chịu thiệt hại quá nặng nề. Mức trần giá sẽ cần phải thấp hơn nhiều, và có thể không cao hơn mức 45 USD/thùng mà các nhà ngoại giao châu Âu bàn luận với các đối tác Mỹ.
Trong khi đó, nguồn cung ngắn hạn đang cho thấy vài dấu hiệu nhỉnh hơn so với nhu cầu khi các hợp đồng tương lai dầu thô đã rơi vào tình trạng bù hoãn mua, trong đó giá giao ngay của một loại hàng hóa thấp hơn giá tương lai. Ngoài ra, các nhà máy lọc dầu châu Âu đã nhận thấy tình trạng dư cung dầu thô ngắn hạn do các lo ngại về lệnh cấm của EU đối với dầu của Nga trước đó thúc đẩy lực mua, trong khi mức trần giá hiện tại vẫn đang được xem xét. Phí bảo hiểm của dầu thô Biển Bắc Forties so với dầu Brent đã đạt mức cao nhất mọi thời đại là 5.4 USD/thùng trong tháng 7, nhưng đã thu hẹp mạnh xuống chỉ còn 75 cent trong tuần này.
Thêm vào đó, bài toán nhu cầu tại Trung Quốc vẫn đang còn gặp nhiều thách thức khi những bất ổn liên quan tới dịch bệnh ngày càng leo thang, vẫn đang là yếu tố trở ngại chính tới giá dầu.
Tuy nhiên, trong dài hạn, các báo cáo hàng đầu vẫn đang cho thấy cán cân cung – cầu còn mong manh, nên trong trường hợp có các tác động từ mức giá trần khiến Nga trả đũa, hay việc Mỹ bổ sung dầu vào kho dự trữ, hoặc OPEC+ tiếp tục cắt giảm sâu sản lượng, giá có thể vẫn có động lực tăng mạnh trở lại.
Giá cà phê khả năng cao tiếp tục khởi sắc nhờ hỗ trợ từ những lo ngại về nguồn cung thu hẹp tại các nước xuất khẩu chính
Kết thúc tuần giao dịch 21/11 – 27/11, cả 2 mặt hàng cà phê đều có được sự hồi phục sau 2 tuần giá giảm liên tiếp. Lo ngại về thiếu hụt nguồn cung khi USDA cắt giảm nguồn cung tại 2 quốc gia cung ứng Arabica lớn là Brazil và Colombia, đẩy giá mặt hàng này khởi sắc. Nguồn cung tại Việt Nam cũng bị ảnh hưởng bởi mưa tại vùng Tây Nguyên, là nguyên nhân chính khiến giá Robusta giảm hơn 2% trong tuần qua.
Nhu cầu đối với cà phê của Brazil dự kiến sẽ có sự tăng trưởng trong thời gian tới khi ApexBrasil, dưới sự lãnh đạo của Văn phòng đại lý tại Miami, đã thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa 26 người mua từ 13 quốc gia với các nhà sản xuất cà phê tại Brazil. Thông tin này có thể sẽ hỗ trợ giá giúp mặt hàng này nối tiếp đà tăng từ tuần trước.
Mưa đá vẫn chưa chấm dứt tại tại Brazil. Vào cuối tuần trước, một trận mưa đá mới lại xuất hiện tại Minas Gerais. Thông tin này sẽ khiến thị trường thêm lo lắng về triển vọng nguồn cung trong niên vụ 2023/2024 tại quốc gia xuất khẩu số 1 thế giới. Trước đó, thị trường cũng đôi phần phân tâm với kỳ vọng nguồn cung niên vụ tới sẽ tích cực hơn 2 năm qua do ảnh hưởng từ mưa đá vào cuối tháng 10 và đầu tháng 11 cũng như dự báo không mấy khả quan của Cooxupe. Đứng trước cơn mưa đá mới, dự kiến tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến diện tích trồng cà phê của khu vực này, sẽ là yếu tố hỗ trợ giá trong thời gian tới.