Ngân hàng Thế giới hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Thái Lan năm 2021
Ngân hàng Thế giới vừa điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế của Thái Lan từ mức 2,2% xuống mức 1% năm nay do dịch cúm Covid-19 và Thái Lan trì hoãn mở cửa cho khách quốc tế. Trước đó, Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung Ương Thái Lan đã lần lượt đưa ra dự báo tăng trưởng lần lượt ở mức 1,3% và 0.7%.
Kinh tế Thái Lan tăng trưởng âm 6,1% năm ngoái – mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 02 thập kỷ qua. Dự báo kinh tế Thái Lan sẽ tăng trưởng trở lại đạt mức trước dịch vào năm 2023 căn cứ trên giả thuyết tỉ lệ tiêm chủng vắc-xin Covid 19 đạt 70%.
Ngân hàng Thế giới cũng điều chỉnh dự báo số lượng khách quốc tế đến Thái Lan giảm từ mức dự báo 600.000 xuống 160.000 khách quốc tế. Ngành du lịch sẽ tăng trưởng trở lại và dự báo đón 1,7 triệu khách quốc tế trong năm 2022 trong khi tăng trưởng kinh tế được dự báo đạt 3,6%.
Xuất khẩu tháng 08/2021 tăng trưởng 8,9%
Kim ngach xuất khẩu tăng trưởng dưới mức kỳ vọng, đạt 8,9% trong tháng 08/2021. Nguyên nhân do những biện pháp hạn chế chống dịch Covid-19 trong tháng 07-08/2021 ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất và logistics dù đồng Bạt giảm giá là yếu tố thúc đẩy xuất khẩu. Mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trong tháng 08/2021 dưới mức khảo sát 13,5% của Reuters và mức tăng 20,27% trong tháng 07/2021.
Triển vọng xuất khẩu Thái Lan được dự báo khả quan trong năm 2021 nhờ nhu cầu toàn tăng trở lại, đồng Bạt giảm giá. Từ đầu năm đến nay, đồng Bạt đã giảm 10% so với Đô-la Mỹ. Hàng hóa công nghiệp chiếm tỉ trọng 80% tổng sản phẩm xuất khẩu. Nhóm sản phẩm bao gồm đồ điện, phương tiện và linh kiện ô-tô; đây là nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ đạo tháng 08/2021. Dù chip điện tử đang thiếu hụt, tình trạng này sẽ được cải thiện trong Quý 04/2021.
Nhập khẩu ghi nhận mức tăng trưởng 47,92% so với cùng kỳ năm ngoái do nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu thô và tư liệu sản xuất. Đây là tín hiệu tốt cho xuất khẩu do nguyên liệu nhập khẩu đầu vào sẽ được xử lý và tái xuất khẩu.
Tăng trưởng xuất khẩu thực phẩm dự báo đạt 3-5% năm nay
Dự báo xuất khẩu thực phẩm đạt mức tăng trưởng 3-5% năm nay nhờ sự phục hồi kinh tế của các đối tác thương mại quan trọng, đồng Bạt giảm giá và tiến độ sản xuất, tiêm vắc-xin. Trong năm 2020, giá trị xuất khẩu thực phẩm giảm 1% so với mức 1.10 tỉ Bạt năm 2019.
Trong 08 tháng đầu nay, giá trị xuất khẩu thực phẩm đạt 806,4 tỉ Bạt, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số này, thực phẩm nông nghiệp chiếm 53% đạt 425.34 tỉ Bạt, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Thực phẩm công nghiệp chiếm 47% đạt 381.08 tỉ Bạt, giảm 0.1% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhóm các thị trường xuất khẩu quan trọng bao gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Cam-pu-chia và Trung Quốc.
Tuy nhiên, vẫn có những yếu tố bất lợi ảnh hưởng đến xuất khẩu thực phẩm bao gồm dịch cúm Covid-19 kéo dài, chi phí vận chuyển, container, chi phí đóng gói tăng cùng với tình trạng thiếu hụt lao động.
Thái Lan tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá
Từ ngày 01/10/2021, Thái Lan chính thức áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt mới đối với thuốc lá. Theo đó, thuế sẽ là 25% đối với thuốc lá có giá bán lẻ 72 Bạt/ bao trở xuống, và thuế 42% đối với thuốc lá có giá bán lẻ trên 72 Bạt. Ngoài ra, mỗi bao thuốc còn phải trả thêm 1,25 Bạt tiền thuế.
Ước tính mức thuế mới sẽ khiến giá bán lẻ tại Thái Lan tăng ít nhất 6 Bạt/ bao. Trước đây người tiêu dùng phải trả thuế tiêu thụ đặc biệt là 20% đối với thuốc có giá 60 Bạt/ bao trở xuống và 40% đối với thuốc có giá trên 60%, đồng thời mức thuế phụ thu là 1,2 Bạt/bao.
Bộ Tài chính nước này kỳ vọng mức thuế mới sẽ giúp ngân sách tăng thêm 3,5 tỷ Bạt tiền thuế mỗi năm so với mức thu 62 tỷ Bạt/ năm hiện nay, tương đương 2 tỷ USD.
Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan