EVFTA sẽ là bước tiến quan trọng, tiền đề thuận lợi để Việt Nam thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Với 18/27 quốc gia thành viên đã phê chuẩn hiệp định, EuroCham Việt Nam đang tích cực làm việc với các bên liên quan của châu Âu, tham gia vào mạng lưới cung ứng toàn cầu với tiêu chuẩn cao, phù hợp xu thế phát triển chung của kinh tế thế giới.
Việt Nam, EU nhất trí nâng cấp quan hệ song phương
Ngày 22/10/2024, tại Hà Nội, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã tổ chức Phiên họp Ủy ban Hỗn hợp lần thứ 5 để rà soát quan hệ song phương và hợp tác trong khuôn khổ Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam - EU (PCA).
Tại Phiên họp, hai bên hoan nghênh mối quan hệ đa dạng đang trên đà phát triển mạnh mẽ, được minh chứng bằng một chương trình nghị sự sôi động bao gồm các cuộc họp và chuyến thăm, kể cả ở cấp cao nhất.
Dựa trên các cuộc tiếp xúc gần đây giữa lãnh đạo hai bên và hướng tới kỷ niệm 35 năm quan hệ ngoại giao vào năm 2025, Việt Nam và EU đã nhất trí phối hợp để nâng cấp quan hệ song phương trong thời gian tới.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam và EU đã nhất trí thảo luận, phát triển và làm sâu sắc hợp tác trong các lĩnh vực mới như chuyển đổi năng lượng công bằng và kết nối, bao gồm giao thông vận tải, chuyển đổi số, nguyên liệu thiết yếu, bán dẫn, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo và giáo dục. Sự hợp tác này có thể mở ra tiềm năng và động lực mới trong quan hệ Việt Nam-EU, mang lại lợi ích cho cả hai bên.
EU thông báo về các chính sách mới trong khuôn khổ Thỏa thuận Xanh của EU, như Cơ chế Điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) và Quy định về chống phá rừng (EUDR), bao gồm đề xuất kéo dài 12 tháng cho giai đoạn chuyển đổi quy định này. EU hoan nghênh cách tiếp cận tích cực của Việt Nam đối với quy định EUDR và Việt Nam bày tỏ cảm ơn về các biện pháp hỗ trợ giúp các nhà cung cấp Việt Nam tuân thủ các quy định mới này.
Phiên họp Ủy ban Hỗn hợp cũng tạo điều kiện cho các cuộc trao đổi về quan hệ ASEAN- EU, cũng như về một loạt vấn đề chính trị và an ninh tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và các vấn đề khác. Việt Nam và EU đã thảo luận về tình hình căng thẳng tại Trung Đông, Biển Đông và Myanmar, nhất trí về sự cần thiết phải tìm kiếm các giải pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Về vấn đề Biển Đông, hai bên bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây và tái khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh và tự do hàng hải và hàng không, nhấn mạnh sự cần thiết các bên kiềm chế và giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Về Ukraine, Việt Nam và EU nhắc lại lập trường của mỗi bên, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đạt được nền hòa bình toàn diện, công bằng và bền vững ở Ukraine phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế. Hai bên cũng cam kết tăng cường hợp tác an ninh và quốc phòng thông qua Đối thoại Quốc phòng - An ninh Việt Nam - EU.
Việt Nam và EU cũng đã thảo luận về thương mại và đầu tư, bao gồm hợp tác thuế và tái khẳng định cam kết bảo đảm thực thi Hiệp định Thương mại tự do mang lại lợi ích cho cả hai bên. Hai bên đã rà soát tiến bộ đạt được trong lĩnh vực thủy sản, bao gồm các hoạt động đang triển khai liên quan đến chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Hai bên mong muốn tăng cường hợp tác về kết nối và phát triển bền vững, đặc biệt trong khuôn khổ Chiến lược Cửa ngõ toàn cầu của EU, với trọng tâm đặc biệt là Đối tác Chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), với cam kết tiến xa hơn để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng xanh ở Việt Nam phù hợp với các mục tiêu hướng tới phát thải ròng bằng không của Việt Nam. Hai bên đã chia sẻ lập trường và mục tiêu đối với các cuộc đàm phán quốc tế sắp tới liên quan đến khí hậu, môi trường và đa dạng sinh học nhằm xây dựng các sáng kiến cho phát triển bền vững toàn cầu.

Nguồn: Vinanet/VITIC