Biểu đồ: T.Bình.
Theo thông tin mới nhất của Tổng cục Hải quan, hết tháng 7, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 30 tỷ USD, tăng khoảng 5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là điện thoại và linh kiện với 7,35 tỷ USD, tăng 11,87% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tiếp theo là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với 6,65 tỷ USD, tăng 12,71%; đứng thứ ba là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng với 1,86 tỷ USD, tăng 32,86%.
Ngoài ra còn 4 nhóm hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên gồm: máy ảnh, máy quay phim và linh kiện đạt gần 1,8 tỷ USD; xơ, sợi dệt hơn 1,44 tỷ USD; gỗ và sản phẩm 1,16 tỷ USD; cao su 1,12 tỷ USD.
Nhìn chung các nhóm hàng xuất khẩu lớn đều có tăng trưởng khá, trừ nhóm hàng xơ, sợi dệt giảm khoảng 300 triệu USD so với cùng kỳ 2021.
Chiều ngược lại, hết tháng 7, Việt Nam chi 71,52 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mới hết tháng 7 nhưng có đến 12 nhóm hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD. Trong đó có 2 nhóm hàng đạt hơn 10 tỷ USD gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với 14,64 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng 14,23 tỷ USD.
Như vậy, tính hết tháng 7, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 101,52 tỷ USD.
Với quy mô kim ngạch và tốc độ tăng trưởng của nhập khẩu lớn hơn xuất khẩu nên khoảng cách nhập siêu của Việt Nam với nước láng giềng này ngày càng nới rộng.
Cụ thể, cùng kỳ 2021 con số nhập siêu gần 35 tỷ USD, những 7 tháng đầu năm nay đã vọt lên hơn 41 tỷ USD.
Hiện, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất nhưng cũng là thị trường mà Việt Nam chịu thâm hụt lớn nhất.