Rau quả cũng là nhóm hàng ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất của ngành nông nghiệp trong 8 tháng năm 2023.
Về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc vẫn là thị trường đứng đầu với kim ngạch xuất khẩu 2,26 tỷ USD, chiếm 63,6% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành rau quả của nước ta trong 8 tháng năm 2023.
So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu rau quả sang thị trường này 8 tháng năm nay tăng mạnh 133,6% và tăng 47,7% so với tổng kim ngạch cả năm 2022 (1,53 tỷ USD).
Với con số 2,26 tỷ USD, xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc cũng lập kỷ lục so với cùng kỳ những năm trước đó.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - đánh giá, năm nay, Trung Quốc mở cửa trở lại sau chính sách Zero Covid, cùng với việc quả sầu riêng của nước ta được xuất chính ngạch vào quốc gia này đã thúc đẩy kim ngạch ngành hàng rau quả tăng trưởng đột phá sang thị trường này.
Ước tính, 8 tháng vừa qua, xuất khẩu sầu riêng đạt gần 1,3 tỷ USD, trong đó xuất sang thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 90% tổng kim ngạch loại trái cây này của nước ta. Ngoài ra, các loại trái cây khác cũng được Trung Quốc tăng mua như: Chuối, mít, thanh long, dưa hấu...
Hiện Việt Nam có 16 mặt hàng thực vật đang được xuất khẩu sang Trung Quốc gồm: Chuối, sầu riêng, măng cụt, thạch đen, cám gạo, gạo, khoai lang, dưa hấu, thanh long, xoài, mít, nhãn, vải, chôm chôm, ớt, chanh leo.
Việt Nam đã có các sản phẩm được ký Nghị định thư, gồm: Cám gạo, gạo, măng cụt, thạch đen, sầu riêng, chuối, khoai lang.
Ngoài ra, Việt Nam đang đàm phán để ký nghị định thư với: Thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chôm chôm, xoài, mít. Ớt và chanh leo đang được cho phép xuất khẩu tạm thời. Nhóm trái cây có múi (cam, bưởi…) và dừa đang trong giai đoạn đàm phán kỹ thuật.
Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng đã nộp hồ sơ đề nghị mở cửa thị trường cho quả na, thảo quả.