Theo tính toán từ số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê ra thị trường nước ngoài 11 tháng đầu năm 2018 tăng 34,3% về lượng và tăng 11,4% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2017, đạt 1,72 triệu tấn, thu về trên 3,26 tỷ USD; trong đó riêng tháng 11/2018 xuất khẩu 138.138 tấn, đạt 257,46 triệu USD, tăng nhẹ 0,02% về lượng và tăng 2,5% về kim ngạch so với tháng 10/2018, nhưng tăng mạnh 37,5% về lượng và tăng 18,7% về kim ngạch so với tháng 11/2017.
Mặc dù lượng và kim ngạch xuất khẩu đều tăng, nhưng giá cà phê xuất khẩu trung bình 11 tháng đầu năm 2018 giảm 17% so với cùng năm trước, đạt 1.891,5 USD/tấn.
Trong 15 ngày đầu tháng 12 xuất khẩu cà phê đạt 74.300 tấn, trị giá 133,1 triệu USD, tăng 12,5% về lượng và tăng 6,9% về trị giá so với 15 ngày đầu tháng 11. Tính từ đầu năm đến ngày 15/12/2018, xuất khẩu 1,79 triệu tấn, thu về 3,39 tỷ USD, tăng gần 22% về lượng và tăng hơn 2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Giá xuất khẩu cà phê đạt 1.792 USD/tấn, giảm 4,9% so với 15 ngày đầu tháng 11, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm 2017. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/12/2018, giá xuất khẩu bình quân cà phê đạt 1.888 USD/tấn, giảm 16,2% so với cùng kỳ.
Cà phê của Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Đông Nam Á, chiếm 14% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước; đạt 233.236 tấn, trị giá 446,98 triệu USD, so với cùng kỳ tăng rất mạnh 126,9% về lượng và tăng 87,9% về kim ngạch. Riêng tháng 11/2018 lượng xuất khẩu giảm mạnh 40,2% so với tháng 10/2018, đạt 11.855 tấn và kim ngạch giảm 33,2%, đạt 24,66 triệu USD.
Đức là thị trường tiêu thụ lớn thứ 2 các loại cà phê của Việt Nam, chiếm 13,6% trong tổng lượng cà phê xuất khẩu của cả nước và chiếm 12,8% trong tổng kim ngạch; đạt 234.057 tấn, trị giá 415,33 triệu USD, tăng 19,6% về lượng nhưng giảm 2,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Cà phê Việt Nam xuất sang thị trường Mỹ 11 tháng đầu năm nay cũng bị sụt giảm nhẹ 0,06% về lượng và giảm 16,8% về giá trị so với cùng kỳ, đạt 164.922 tấn, trị giá 309,62 triệu USD, chiếm gần 10% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước. Xuất sang Italia tăng 13,2% về lượng, nhưng giảm 6,3% về kim ngạch so với cùng kỳ, đạt 128.374 tấn, trị giá 232,52 triệu USD, chiếm 7% trong tổng lượng và tổng kim ngạch.
Nhìn chung, cà phê xuất khẩu trong 11 tháng đầu năm nay sang phần lớn các thị trường đều tăng kim ngạch so với cùng kỳ năm 2017; đáng chú ý xuất khẩu sang thị trường Indonesia tăng đột biến 873,2% về lượng và tăng 562,9% về kim ngạch, đạt 60.852 tấn, tương đương 120,57 triệu USD. Xuất khẩu sang Nam Phi cũng tăng mạnh 236% về lượng và tăng 180,9% về kim ngạch, đạt 8.866 tấn, tương đương 15,26 triệu USD. Xuất khẩu sang Hy Lạp tăng 157% về lượng và tăng 107,6% về kim ngạch, đạt 12.602 tấn, tương đương 22,04 triệu USD. Ngược lại, xuất khẩu cà phê sang Singapore sụt giảm rất mạnh 38,9% về lượng và giảm 50,7% về kim ngạch, đạt 1.234 tấn, tương đương 3,42 triệu USD; xuất sang Thụy Sỹ cũng giảm 38,2% về lượng và giảm 44,6% về kim ngạch, đạt 244 tấn, tương đương 0,49 triệu USD.
Trái ngược với xuất khẩu tăng, thì giao dịch cà phê tại thị trường trong nước khá trầm lắng do người trồng đang tập trung vào thu hoạch vụ mùa mới. Những ngày đầu tháng 12/2018, giá cà phê Robusta nhân xô giảm từ 2,9 - 4,1% so với ngày 30/11/2018, và giảm từ 5,9 - 8,1% so với cùng kỳ tháng trước. Cà phê Robusta nhân xô có mức thấp nhất 33.100 đ/kg tại các huyện Bảo Lộc, Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng), mức cao nhất là 34.000 đ/kg tại huyện Cư M’gar tỉnh Đắk Lắk. Tại các kho quanh khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, cà phê Robusta loại R1 khoảng 35.000 đ/kg, giảm 3,3% so với ngày 30/11/2018, so với ngày 10/11/2018 giảm mạnh 8,1%.
Dự báo, trong niên vụ 2018-2019, sản lượng cá phê sẽ giảm khoảng 20%, xuống còn 1,2 triệu tấn. Xung quanh vấn đề sản xuất, xuất khẩu cà phê niên vụ tới, ông Lương Văn Tự - Chủ tịch VICOFA phân tích thêm có ba yếu tố chính tác động tới sản lượng. Đó là, niên vụ 2017 - 2018 ghi nhận sản lượng cao hơn vụ trước đó. Đối với sinh lý cây cà phê, năm ngoái được mùa năm nay sẽ mất mùa. Ngoài ra, thời gian qua, việc cà phê thua lỗ, người dân chuyển sang trồng các loại cây khác khiến diện tích cà phê giảm. Bên cạnh đó, năm nay mưa nhiều và mưa lớn kéo dài, nước đọng, nhiều vườn cà phê xảy ra tình trạng quả non rụng quá mức bình thường. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sản lượng cà phê niên vụ tới.
Bộ NN&PTNT dự báo: Giá cà phê thời gian tới sẽ khó khởi sắc do sản lượng vụ cà phê mới năm nay của Brazil, sau khi đáp ứng đủ cho nhu cầu trong nước được cho là dư thừa khoảng 4 - 5 triệu bao xuất khẩu. Để đảm bảo cho sự phát triển bền vững, ổn định của ngành cà phê, tránh phụ thuộc quá nhiều vào biến động giá cả từ thị trường thế giới, nhiều chuyên gia nêu quan điểm: Mấu chốt vẫn là cần đẩy mạnh hơn nữa khâu chế biến cà phê, XK cà phê rang xay thay vì chủ yếu xuất khẩu cà phê thô như hiện tại. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu một cách hiệu quả cho cà phê Việt Nam cũng là yếu tố không được lơ là.
Ông Đỗ Kim Lang - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phân tích rõ hơn: Việt Nam hiện chủ yếu sản xuất, xuất khẩu cà phê nhân, không đem lại giá trị gia tăng cao. Thế giới biết Việt Nam xuất khẩu cà phê, song thực tế không biết cà phê Việt Nam như thế nào. Một số nhãn hàng như Trung Nguyên, Nguyên Trang… đã tự đem cà phê xuất khẩu tới các thị trường quốc tế, song hầu hết thị trường cũng không mang tầm cạnh tranh đẳng cấp toàn cầu, thậm chí cà phê Việt Nam còn chưa tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong bối cảnh hiện tại, Chính phủ cần quan tâm hơn đến đẩy mạnh xuất khẩu hàng có thương hiệu, nâng giá trị gia tăng của sản phẩm xuất khẩu cũng như khả năng cạnh tranh trên thị trường. Thương hiệu cho ngành cà phê hay bất kỳ ngành nào khác là mục tiêu chủ yếu của Việt Nam trong xuất khẩu nông sản. Cục Xúc tiến thương mại đã và đang chủ trì xây dựng thương hiệu cho các ngành hàng, đặc biệt là ngành hàng thực phẩm. Trong đó, cà phê là ngành được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, việc này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương.

Xuất khẩu cà phê 11 tháng đầu năm 2018

Thị trường

11T/2018

+/- so với cùng kỳ (%)*

Lượng (tấn)

Trị giá (USD)

Lượng

Trị giá

Tổng cộng

1.721.728

3.256.637.793

34,3

11,44

Đức

234.057

415.334.010

19,55

-2,44

Mỹ

164.922

309.619.534

-0,06

-16,84

Italia

128.374

232.524.257

13,19

-6,3

Tây Ban Nha

110.229

199.099.075

23,81

1,82

Nhật Bản

98.402

193.626.384

18,27

-1,4

Nga

82.577

171.098.353

107,96

64,28

Philippines

77.410

147.514.658

68,52

50,35

Algeria

69.712

125.035.112

47,23

21,2

Indonesia

60.852

120.567.116

873,16

562,89

Bỉ

67.476

118.166.585

15,22

-5,64

Thái Lan

59.338

108.396.208

94,09

50,95

Trung Quốc

39.955

98.272.558

60,42

31,37

Ấn Độ

53.763

89.536.967

37,34

13,19

Anh

49.707

88.431.323

69,04

29,36

Malaysia

34.021

64.689.808

93,98

58,03

Hàn Quốc

29.452

62.174.019

-5,67

-16,55

Pháp

35.076

61.184.450

12,52

-5,75

Mexico

32.142

53.894.289

-7,14

-24,47

Australia

19.083

36.980.472

66,29

34,23

Ba Lan

13.260

32.012.360

21,33

6,76

Bồ Đào Nha

15.693

28.105.184

39,88

14,64

Hy Lạp

12.602

22.038.986

156,97

107,56

Ai Cập

12.086

20.878.136

63,02

36,74

Hà Lan

9.987

20.512.541

1,21

-13,96

Israel

7.918

20.120.570

51,4

12,04

Nam Phi

8.866

15.263.328

236,22

180,89

Romania

4.158

11.579.094

7,39

1,54

Canada

4.826

9.522.865

-7,51

-22,24

New Zealand

2.245

4.170.722

137,57

89,64

Đan Mạch

2.264

4.066.084

104,15

65,58

Singapore

1.234

3.424.645

-38,85

-50,7

Campuchia

381

2.391.692

-19,96

24,51

Thụy Sỹ

244

489.849

-38,23

-44,62

 (*Tính toán từ số liệu của TCHQ)

Nguồn: Vinanet