Sáng nay (1/9), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức “Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế”.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, Hiệp hội đánh giá cao Luật của Chính phủ về thuế nói chung và thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) nói riêng.
Tuy nhiên, nếu Dự thảo được ban hành sẽ khiến thuế TTĐB đối với bia, rượu nhập khẩu cao lên nhưng không đảm bảo tính ổn định trong nguồn thu ngân sách Nhà nước.
Cụ thể, năm 2013, thuế TTĐB đối với bia tăng 5% lên 50%, đối với rượu tăng 5% lên 55%, được kỳ vọng làm tăng thuế TTĐB. Tuy nhiên, mức tổng nộp ngân sách ngành bia - rượu lại giảm 6%.
Báo cáo gần đây nhất của Tổng cục thuế cho biết thuế TTĐB của ngành rượu bia trong 5 năm vừa qua đạt 10.200 tỷ thì đến năm 2014 đạt 19.900 tỷ tức là trong 5 năm tăng trưởng 2 lần.
Chủ tịch VBA cho biết, Quốc hội thông qua thuế TTĐB đối với ngành bia từ 1/1/2016, 2017 và 2018 mỗi năm tăng thuế 5%. Như vậy trong 5 năm từ 2013 tới 2018, thuế TTĐB tăng 20%.
Ngành bia, rượu Việt Nam hiện đang đứng vào top 20 nước có thuế TTĐB cao. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vẫn cố gắng thực hiện nộp thuế nhưng nếu tăng liên tục, tăng kép và tăng cả nhập khẩu thương mại thì không khả quan.
Kiến nghị dùng giá nhập khẩu làm giá tính thuế
Dự thảo Luật còn điều chỉnh 2 nội dung mà VBA cho rằng không hợp lý.
Thứ nhất, giá tính thuế đối với các cơ sở sản xuất có công ty con (là công ty thương mại) là giá do công ty con bán ra thị trường. Điều này, theo VBA là có sự phân biệt đối xử cũng như phát sinh số thuế phải nộp của cơ sở sản xuất có doanh nghiệp thương mại và trong cùng một mặt hàng sẽ tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, bất hợp lý trong chính sách thuế.
Ông Việt chỉ rõ, thực tế các doanh nghiệp có tổ chức cơ sở kinh doanh thương mại đều có sản lượng sản xuất và tiêu thụ lớn, sản phẩm có chất lượng, đóng góp nhiều cho ngân sách. Việc có công ty thương mại là đúng quy định, nhưng vì có tổ chức thương mại mà lại phải nộp thuế cao hơn. Trong khi đó, chính nhờ các công ty thương mại mà doanh nghiệp mới mở rộng được thị trường tiêu thụ.
Thứ hai, Dự thảo Luật sửa đổi giá tính thuế đặc biệt đối với hàng hóa nhập khẩu là giá cơ sở nhập khẩu bán ra. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Cụ thể, nếu giá tính thuế hàng hóa nhập khẩu trên cơ sở giá bán ra của cơ sở nhập khẩu sẽ làm tăng số thuế TTĐB đối với hàng nhập khẩu vì phải nộp thuế tại 2 khâu: khâu nhập khẩu và khâu bán hàng trong nước. Theo tính toán, cách tính thuế này sẽ làm tăng Thuế TTĐB lên 15%, như vậy Thuế TTĐB phải nộp là 60%-65% chứ không phải 55% như Luật định.
Việc mức thuế cao sẽ dẫn đến tình trạng trốn thuế, nhập lậu, hàng giả... gây khó khăn trong kiểm soát, thất thu ngân sách Nhà nước hàng năm. Hơn nữa, việc này để đảm bảo cạnh tranh giữa rượu, bia nhập khẩu và rượu bia sản xuất trong nước cũng không hợp lý vì thực tế nhập khẩu rượu, bia không nhiều.
Ông Việt kiến nghị cần duy trì việc tính Thuế TTĐB theo giá cơ sở sản xuất bán ra như hiện hành, cơ quan thuế chỉ ấn định giá tính thuế theo luật quản lý thuế khi doanh nghiệp có cơ sở thương mại từ cấp thứ 2 trở lên. Ngoài ra, cần giữ nguyên mức giá tính thuế TTĐB đối với nhập khẩu bia, rượu là giá tính thuế nhập khẩu cộng với thuế nhập khẩu như quy định hiện hành.
Hiện nền kinh tế đang ngày càng hội nhập, Lào hiện đứng đầu châu Á về sản xuất bia, Việt Nam đứng thứ 6 châu Á về sản xuất bia nên cạnh tranh rất lớn. Ngành rượu bia cam kết với Chính phủ và Bộ Tài chính tích cực nộp ngân sách nhưng kiến nghị nên giữ cách tính thuế như hiện nay để doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư, Chủ tịch VBA nói.
Khổng Chiêm