13 nhóm hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD
Báo cáo của Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho thấy, năm 2022 tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 109,38 tỷ USD, là thị trường xuất khẩu đầu tiên đạt mốc 100 tỷ, tăng 13,6% chiếm tỷ trọng 29,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Nhập khẩu từ Hoa Kỳ 12 tháng 2022 đạt 14,47 tỷ USD giảm 5,2%, đưa tổng kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam – Hoa Kỳ năm 2022 đạt 123,86 tỷ USD tăng 11% và cán cân thương mại đạt thặng dư 94,91 tỷ USD, tăng 17% so với năm 2021.
Trong đó 5/37 nhóm hàng có giá trị xuất khẩu giảm gồm: hạt điều, sản phẩm hoá chất, cao su, mây tre cói và thảm, sắt thép các loại.
Song có 13 nhóm hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD (4 nhóm trên 10 tỷ, trong đó có 2 nhóm hàng xuất khẩu tiến tới mốc 20 tỷ gồm dệt may và máy móc thiệt bị dụng cụ phụ tùng khác). 10 nhóm hàng có sự tăng trưởng đáng kể trên 30% gồm: gạo; bánh kẹo và sản phẩm ngũ cốc; thức ăn gia súc và nguyên liệu; túi xách va li ví mũ ô dù; xơ xợi dệt các loại; giày dép các loại; điện thoại các loại và linh kiện; máy ảnh máy quay phim và linh kiện; đồ chơi dụng cụ thể thao và bộ phận...
Đáng chú ý, năm 2022, Việt Nam bổ sung mặt hàng trái bưởi vào danh sách hoa quả tươi xuất khẩu sang Hoa Kỳ, cũng như xuất khẩu lô xe ô tô điện đầu tiên do Vinfast sản xuất sang thị trường Hoa Kỳ.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, những kết quả trên cho thấy mối liên kết mang tính bổ trợ giữa hai nền kinh tế và ngày càng trở nên gắn kết, đóng góp vào sự tăng trưởng chung trong thương mại song phương cũng như thúc đẩy khả năng phục hồi chuỗi cung ứng toàn cầu và sự thịnh vượng chung giữa hai nước.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, Hoa Kỳ là một thị trường xuất khẩu không hề dễ dàng khi có nhiều quy định và thủ tục phức tạp và ngặt nghèo, tuy nhiên, Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Hoa Kỳ và Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ 2 và thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Nhiều tiềm năng xuất khẩu
Theo phân tích của Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, dư địa xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ có nhiều thuận lợi. Bởi đây là thị trường giàu tiềm năng với hơn 300 triệu người tiêu dùng. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam mới chiếm khoảng 4% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Hơn nữa, đây là thị trường với nhiều sắc tộc, đa dạng về nhu cầu, mức độ sử dụng; thói quen tiêu dùng theo hướng tiết kiệm và an toàn, thân thiện môi trường, theo đó ưa chuộng các sản phẩm từ quốc gia đang phát triển trong đó có Việt Nam.
Việt Nam xuất khẩu mặt hàng nguyên liệu đầu vào, nguyên liệu thô, hàng hoá thiết yếu, bổ trợ cho nhu cầu thị trường Hoa Kỳ nên bị tác động không đáng kể bởi các yếu tố khó khăn của thị trường, điều này tuy thuận lợi, song cũng là bất lợi vì chưa đem lại giá trị gia tăng cao.
Bên cạnh đó các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, bộ ngành, địa phương đối với doanh nghiệp xuất khẩu theo hướng tăng trường bền vững và cân bằng thương mại với Hoa Kỳ cũng như quan hệ đối tác toàn diện là đòn bẩy thúc đẩy sự tăng cường hợp tác kinh tế hai nước trong giai đoạn hiện nay và trong tương lại.
Bên cạnh các yếu tố thuận lợi thì xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ cũng phải đối diện với nhiều khó khăn. Chẳng hạn như chính sách tài chính tiền tệ của Hoa Kỳ, lạm phát tăng cao, chi phí vận tải logistics còn lớn, các quy định của chính quyền liên bang và bang phức tạp, đặc biệt trong vấn đề kiểm dịch, an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn lao động... Hơn nữa, nhu cầu nhập khẩu và lượng hàng tồn kho giai đoạn cuối năm của Hoa Kỳ vẫn chưa được cải thiện, nhiều hợp đồng lớn đối tác chỉ thanh toán sau khi giao hàng đầy đủ.
Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam còn gặp cạnh tranh của hàng hoá từ các quốc gia đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như nông thuỷ sản, dệt may, da giày, trong khi năng lực sản xuất ở một số ngành khó có khả năng tăng trưởng cao. Doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với các rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩn…
Tuy trở ngại là không ít, song với những kết quả đạt được trong thời gian qua về thương mại hai chiều giữa Việt Nam-Hoa Kỳ, Thương vụ Việt Nam tại Hòa Kỳ cho rằng, năm 2023, hoàn toàn có thể kỳ vọng kim ngạch thương mại hai chiều giữa 2 nước tiếp tục vượt mốc 100 tỷ USD.
“Thuận lợi và khó khăn, cơ hội và thách thức luôn đi cùng nhau. Bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước, sự phối hợp đồng bộ giữa doanh nghiệp và hiệp hội, địa phương cũng như giữa các doanh nghiệp với nhau thì bản thân doanh nghiệp phải chủ động thích ứng, ứng phó, nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh để chiếm lĩnh thị trường”, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết.

Nguồn: Haiquanonline