Tháng 1/2023 ước tính xuất siêu 3,6 tỷ USD
Tháng 1/2023 là tháng có tết Dương lịch và tết Nguyên đán kéo dài, nên số ngày làm việc ít hơn tháng trước và tháng 1/2022, do đó số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2023 ước đạt 46,56 tỷ USD, giảm 17,3%, so với tháng trước và giảm 25% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2023 ước đạt 25,08 tỷ USD, giảm 13,6% so với tháng trước và giảm 21,3% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2023 ước đạt 21,48 tỷ USD, giảm 21,3% so với tháng trước và giảm 28,9% so với cùng kỳ năm trước.
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 89%; nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93% cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu tháng 01/2023. Đáng chú ý, về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 7,6 tỷ USD; Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 8,1 tỷ USD. Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa tháng 1/2023 ước tính xuất siêu 3,6 tỷ USD. Trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 1,04 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 4,64 tỷ USD.
Tuy kết quả xuất nhập khẩu tháng đầu năm có phần giảm so với tháng trước và so với cùng kỳ do ảnh hưởng của thời gian nghỉ Tết kéo dài, song những tín hiệu khởi sắc đầu năm từ việc Trung Quốc mở cửa biên giới hay những tác động tích cực từ việc thực thi sâu, rộng các Hiệp định thương mại tự do sẽ là động lực để hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục đà tăng trưởng năm trước.
Chẳng hạn, ngay từ đầu năm 2023, những tín hiệu cho thấy thị trường xuất khẩu gạo có nhiều khởi sắc, doanh nghiệp xuất khẩu đã ký kết được nhiều đơn hàng mới, tạo kỳ vọng cho vụ mùa mới. Theo số liệu tổng hợp của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), lượng xuất khẩu gạo từ ngày 1/1 đến 15/1/2023 đạt hơn 226 nghìn tấn, trị giá gần 115 triệu USD, so với cùng kỳ về số lượng tăng 41,04% và về trị giá tăng 41,29%.
Mở rộng thị trường từ xây dựng thương hiệu
Các doanh nghiệp nông nghiệp đã và đang tận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường, nâng cao giá trị thương hiệu. Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) Phạm Thái Bình cho biết: trước đây, khi Hiệp định EVFTA chưa có hiệu lực, gạo Việt Nam đã vào châu Âu rồi nhưng với thuế suất rất cao từ 5% đến 45% tùy từng quốc gia. Theo đó, gạo Việt Nam rất khó cạnh tranh với gạo ở những nước như Campuchia, Myanmar… do những nước này dù không tham gia Hiệp định như Việt Nam nhưng được Liên minh châu Âu miễn thuế nhập khẩu, nghĩa là được đặc cách. Với gạo Thái Lan, dù cũng bị đánh thuế nhập khẩu nhưng gạo nước này có thương hiệu mạnh và lâu năm. Chính vì thế khi có EVFTA, các doanh nghiệp Việt, nhất là trong ngành gạo có cơ hội lớn cạnh tranh sòng phẳng với các nước trên.
Theo lãnh đạo Công ty Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, trước kia, khi công ty xuất khẩu gạo vào châu Âu phải chịu mức thuế khá cao, có khi nhà nhập khẩu gạo phải đóng thuế tới 200 Euro/tấn, nhưng hiện nay với việc không đóng thuế nhập khẩu nữa, các nhà nhập khẩu có được mức giá rất cạnh tranh. Hơn nữa, trong vài năm trở lại đây, gạo Việt Nam có chất lượng rất tốt nhờ việc tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong đó có ngành gạo. Với chủ trương từ Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, doanh nghiệp và nông dân trong ngành lúa, gạo đã tích cực thay đổi quy trình canh tác sản xuất, nâng cao chất lượng lúa, gạo, thay thế tư duy nâng cao năng suất, chính vì vậy chất lượng cũng như giá trị hạt gạo Việt được cải thiện đáng kể.
“Hiện nay, gạo Việt Nam bước vào thị trường châu Âu một cách danh chính ngôn thuận, đặc biệt giá trị gạo được nâng cao, người tiêu dùng châu Âu đã không những chấp nhận mà còn rất tin dùng”, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết.
Theo Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đặt mục tiêu tăng khoảng 6% so với năm 2022, vì vậy cùng với việc các doanh nghiệp trong các lĩnh vực xuất khẩu đang nỗ lực tìm đối tác mới, đa dạng mặt hàng xuất khẩu, Bộ cũng sẽ hỗ trợ các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, xuất khẩu bền vững.
Các giải pháp được Bộ Công Thương đặt ra để thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tập trung vào việc thường xuyên cập nhật tình hình giá cả hàng hoá, biến động cung cầu trên thị trường thế giới, thông tin về các biện pháp quản lý của các đối tác nhập khẩu để chủ động kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Khuyến nghị các doanh nghiệp nghiên cứu, tăng sản lượng thu mua từ nguồn cung trong nước với những mặt hàng có giá nhập khẩu tăng cao và có phương án thay thế thị trường thích hợp.
Đồng thời, tăng cường tận dụng cơ hội từ các FTA thế hệ mới để đa dạng hoá thị trường xuất, nhập khẩu; tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại mở rộng thị trường theo hướng ưu tiên triển khai các đề án, hoạt động xúc tiến xuất khẩu vào với các thị trường sớm khôi phục giai đoạn hậu Covid-19.

Nguồn: Haiquanonline