Theo số liệu thống kê sơ bộ từ TCHQ, kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong tháng 3 tăng 35,9% so với tháng 2 đạt 178 triệu USD, nâng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này quý 1/2018 lên 519,7 triệu USD, tăng 0,7% so với quý 1/2017.
Việt Nam nhập khẩu gỗ và sản phẩm chủ yếu từ các nước Đông Nam Á, chiếm 18,9% tổng kim ngạch, từ các nước EU chiếm 73,6%.
Trong số các thị trường cung cấp gỗ và sản phẩm từ gỗ cho Việt Nam, thì Trung Quốc là thị trường chủ lực bởi có vị trí địa lý và khoảng cách gần, thuận tiện trong việc vận chuyển hàng hóa, kim ngạch nhập từ thị trường này đạt 79,3 triệu USD trong quý 1/2018 tăng 9,93% so với cùng kỳ, tính riêng tháng 3 đạt 23,1 triệu USD, tăng 44,86% so với tháng trước.
Thị trường nhập nhiều đứng thứ hai là Mỹ đạt 26,6 triệu USD trong tháng 3 tăng 74,94% so với tháng 2, nâng kim ngạch quý 1/2018 lên 68,3 triệu USD, tăng 20,17% so với cùng kỳ. Kế đến là Campuchia nhưng so với tháng 2/2018 và cùng kỳ năm trước thì kim ngạch đều sụt giảm, giảm lần lượt 11,66% và 56,03% tương ứng với 11,1 triệu USD và 42,9 triệu USD.
Ngoài ba thị trường chính kể trên, Việt Nam còn nhập từ các thị trường khác như: Chile, Malasyia, Đức, Pháp… Nhìn chung trong quý đầu năm nay kim ngạch từ các thị trường đều tăng trưởng, chiếm 65,2%, trong đó nhập từ thị trường Nam Phi, Lào và Achentina tăng mạnh (trên 100%) lần lượt tăng 144,06%; 143,24% và 122,8% tuy kim ngạch chỉ đạt tương ứng 2,1 triệu USD; 6,2 triệu USD và 2,3 triệu USD.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập từ các thị trường suy giảm chiếm 34,7% và nhập từ Hàn Quốc giảm mạnh nhất 49,19% tương ứng với 1,4 triệu USD.

Đối với thị trường châu Phi, đây là thị trường đang trở thành nguồn cung gỗ nguyên liệu quan trọng cho Việt Nam với lượng gỗ nhập về tiếp tục tăng. Đáng chú ý, lượng gỗ tròn nhập về hàng năm lên đến 800.000 m3, chiếm gần 20% tổng lượng gỗ nhập khẩu. Hiện nay, nguyên liệu gỗ nhập khẩu từ châu Phi chủ yếu để phục vụ thị trường nội địa, đặc biệt là gỗ lim, xoan đào..., một số khác (cẩm, gõ đỏ, hương) được gia công chế biến thành bán thành phẩm để xuất khẩu sang Trung Quốc.
Trong các quốc gia thuộc khu vực châu Phi, đã có 5 quốc gia kí Hiệp định Đối tác Tự nguyện VPA/ FLEGT với EU. Trong các quốc gia này, Cameroon và Ghana là 2 quốc gia có lượng cung gỗ lớn nhất cho Việt Nam. Hiện các quốc gia này đang thiết lập hệ thống đảm bảo tính hợp pháp của nguồn gỗ nguyên liệu. Trong tương lai, khi hệ thống này được đưa vào vận hành, gỗ nhập khẩu vào Việt Nam từ các nguồn cung này sẽ đáp ứng các yêu cầu của VPA/FLEGT về tính hợp pháp của nguồn gỗ nguyên liệu.
Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hỗi gỗ và lâm sản Việt Nam, nhập gỗ nguyên liệu từ châu Phi có thể gặp rủi ro về tính hợp pháp. Vì một số quốc gia tình trạng gỗ khai thác bất hợp pháp vẫn diễn ra với tần suất và quy mô lớn. Theo đó, Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ các nguồn này cũng phải đối mặt với các rủi ro về tính hợp pháp.
Để tránh các tác động tiêu cực và giảm rủi ro, về nguồn gỗ nguyên liệu, các doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận nguồn thông tin, không chỉ về các chính sách, thay đổi của chính sách quản lý tài nguyên tại các quốc gia cung gỗ cho mình mà cả các thông tin có liên quan trực tiếp đến các loài nhập khẩu. Các các cơ quan quản lý, bao gồm các đại diện thương mại của Việt Nam tại Châu Phi và các hiệp hội gỗ có vai trò rất lớn trong việc thu thập thông tin liên quan đến gỗ nhập khẩu và cung cấp cho doanh nghiệp nhập khẩu. Điều này sẽ trực tiếp góp phần giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp, góp phần vào duy trì và phát triển thương mại gỗ bền vững giữa Việt Nam và các quốc gia châu Phi trong tương lai.

Nguồn: Vinanet