Mức tăng xuất khẩu cao nhất từ trước tới nay
Theo Bộ Công Thương, đại dịch Covid-19 vẫn đang tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là cước phí vận chuyển tăng cao, nhưng đối với ngành xi măng không những không bị tác động mà còn có mức tăng xuất khẩu cao nhất từ trước tới nay. Cụ thể, 7 tháng đầu năm 2021, ngành xi măng đã xuất khẩu 24,35 triệu tấn sản phẩm xi măng, clinker, trị giá 945 triệu USD, tăng lần lượt 23,7% và 28,7% so với cùng kỳ năm trước.
Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho hay, trong khi nhiều ngành hàng bị chao đảo bởi Covid-19, thì xi măng dường như không chịu nhiều tác động. Ba năm liên tiếp (2018 - 2020), ngành xi măng đều xuất bán số lượng lớn, với giá trị vượt 1 tỷ USD/năm, riêng năm 2020 xuất khẩu hơn 38 triệu tấn, trị giá 1,46 tỷ USD.
Xuất khẩu xi măng tăng mạnh là nhờ Trung Quốc thay đổi chính sách đầu tư đối với ngành này. Cụ thể, Trung Quốc giới hạn và giảm dần các nhà máy xi măng (chủ yếu vì mục đích môi trường), tăng nhập clinker từ nước ngoài, đặc biệt từ Việt Nam.
Ông Nguyễn Quang Cung - Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) - đánh giá, ngành xi măng vẫn đang duy trì sản xuất và tiêu thụ khá trong bối cảnh nhiều ngành kinh tế chịu tác động mạnh bởi đợt dịch Covid-19 lần thứ tư. Trong đó, kênh xuất khẩu có mức tăng tốt, do xi măng Việt Nam đã ít nhiều tạo được vị thế trên thị trường.
Trong Báo cáo đánh giá triển vọng ngành xi măng năm 2021, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán SSI dự báo, nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước năm 2021 sẽ đạt mức tăng trưởng từ 5 - 7% so với năm 2020.
Tìm giải pháp hiệu quả hướng tới xuất khẩu bền vững
Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, với quy mô công suất vượt 100 triệu tấn và khả năng sản xuất lớn hơn thế, ngành xi măng Việt Nam được coi là có quy mô và sức ảnh hưởng đáng kể tới các thị trường xi măng trong khu vực. Còn trên toàn cầu, Việt Nam đang xếp thứ 5 trên thế giới về năng lực sản xuất xi măng chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Nga.
Tuy nhiên để hạn chế xuất khẩu tài nguyên không tái tạo, Bộ Tài chính mới đây đã đề nghị tăng thuế suất thuế xuất khẩu mặt hàng clinker từ 5% lên mức 10%. Đề nghị này được Bộ Tài chính đưa ra tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 57/2020/NĐ-CP và Nghị định 122/2016/NĐ-CP về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi…
Bởi theo Bộ Tài chính, việc đẩy mạnh xuất khẩu xi măng và clinker có thể giúp ngành xi măng tận dụng được năng lực sản xuất trong nước và nguồn dư thừa, nhưng đây không phải giải pháp lâu dài và bền vững vì quá trình sản xuất 2 mặt hàng trên chủ yếu dựa vào việc khai thác, sử dụng tài nguyên không tái tạo.
Việc tăng xuất khẩu clinker còn làm cạn kiệt tài nguyên trong nước, gây ra nhiều tác động xấu đến môi trường trong quá trình khai thác. Mặt khác, sản xuất xi măng và clinker tại Việt Nam đang sử dụng điện với giá thấp.
Theo một số chuyên gia kinh tế nhìn nhận, những vấn đề trên phải đánh giá một cách kỹ lưỡng hơn nữa giữa các bộ ngành và cơ quan quản lý. Nếu muốn định hướng cho xuất khẩu thì bắt buộc cần tính đến việc điều chỉnh quy hoạch ngành nhằm đảm bảo cơ sở về pháp lý cho việc thực hiện.
Hơn nữa, hiệu quả của xuất khẩu xi măng cần tính đến nguyên tắc thị trường, tức là đầu vào của các nguyên nhiên liệu cho ngành công nghiệp đó, chứ không thể tiếp tục trợ giá dưới bất kỳ hình thức nào vì thực tế giá điện, xăng dầu điều hành theo nguyên tắc thị trường. Do vậy buộc các doanh nghiệp phải tính đúng, tính đủ để từ đó có hướng sản xuất, cải tiến công nghệ cũng như thay đổi kỹ năng quản trị kể cả trong hoạt động thị trường, xuất khẩu nhằm đảm bảo chi phí và nâng cao hiệu quả trong tiêu thụ và xuất khẩu xi măng.
Bên cạnh đó, cùng với việc tiếp tục cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và chuyển hướng dần sang các thị trường tiềm năng, hiện các doanh nghiệp sản xuất xi măng rất cần Nhà nước có chính sách về logistics, tập trung đầu tư hệ thống kho bãi, đường sá, cầu cống, đường sắt, tàu, cảng biển để góp phần hạ giá thành, tăng khả năng cạnh tranh của xi măng Việt Nam trên thị trường xuất khẩu.

Nguồn: Lan Anh/congthuong.vn