Bộ Công Thương kết nối cho doanh nghiệp cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Nhật BảnSản phẩm công nghiệp xuất khẩu sang Anh kể từ ngày 1/1/2023 cần lưu ý gì?
Điều kiện bắt buộc
Ông Nguyễn Cảnh Cường - Tham tán Thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Anh - cho biết: UKCA là nhãn hiệu chứng nhận hợp chuẩn theo tiêu chuẩn Anh. Nhãn hiệu này rất quan trọng đối với những doanh nghiệp đang xuất khẩu sản phẩm chế tạo sang thị trường nước này.
Trước khi xảy ra Brexit, phải có nhãn hiệu CE trên các sản phẩm mới xuất khẩu được sang thị trường châu Âu, trong đó có Anh. Nhãn hiệu CE hiện vẫn được chấp nhận ở Anh nhưng không lâu bởi Chính phủ Anh đã ban hành quy định riêng về chứng nhận hợp chuẩn đối với sản phẩm công nghiệp và bắt buộc doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường này phải tuân thủ, bao gồm cả doanh nghiệp Việt Nam.
Theo bà Emily - Đại diện Bộ kinh doanh, năng lượng và chiến lược công nghiệp Anh, kể từ ngày 1/1/2023, nhãn hiệu UKCA áp dụng bắt buộc tại Anh với hàng hóa lần đầu tiên đưa ra thị trường thay thế cho các nhãn hàng hóa trước đó đã lưu thông. Năm 2021, UKCA đã được đưa vào sử dụng, tuy nhiên sau ngày 31/12/2022 bắt buộc mọi hàng hóa chế tạo phải sử dụng nhãn hiệu này để xuất khẩu vào Anh, trừ một số sản phẩm được luật quy định. Nhãn UKCA có quy định riêng về mẫu mã, hình thức và có thể do doanh nghiệp tự đánh giá hoặc bên thứ 3 đánh giá tùy theo yêu cầu của mặt hàng cụ thể.
Ngoài ra, để hỗ trợ và tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp trong quá trình đổi nhãn hiệu, Bộ Kinh doanh, năng lượng và chiến lược công nghiệp Anh vẫn tiếp tục chấp nhận phụ tùng nhập khẩu vào Anh trước ngày 31/12/2022 phục vụ cho khâu bảo trì, bảo dưỡng mà không cần tái thử nghiệm hoặc dán lại nhãn. Dán nhãn hiệu UKCA có 4 đối tượng cần quan tâm, gồm: Nhà sản xuất, nhà tiếp thị sản phẩm, nhà nhập khẩu và nhà phân phối. Không có chi phí nào từ phía Chính phủ Anh liên quan đến dán nhãn hiệu UKCA nếu doanh nghiệp tự công bố.
Thêm cơ hội gia tăng kim ngạch từ UKVFTA
Anh là đối tác thương mại lớn của Việt Nam ở khu vực châu Âu, thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp xuất khẩu bởi có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa công nghiệp chiếm tỷ trọng cao. Theo Tổng cục Thống kê Anh, Việt Nam đứng thứ 23 trong số các nước xuất khẩu nhiều nhất đến Anh trong 2 năm vừa qua. Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp (không kể sắt thép, kim loại) trong năm 2021 đạt 2,54 tỷ USD, chiếm 44,2% tổng giá trị xuất khẩu. Các mặt hàng chiếm tỷ trọng kim ngạch cao, gồm: Điện thoại các loại và linh kiện 24%; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng 10,8%; sắt thép 8,7%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 5,6%. "Nhãn hiệu UKCA là yêu cầu bắt buộc đối với hầu hết các sản phẩm công nghiệp lưu thông và sử dụng tại Anh kể từ ngày 1/1/2023. Do đó, việc hướng dẫn doanh nghiệp Việt Nam về UKCA đối với các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu sang Anh là thiết thực, cần triển khai ngay" - ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu- châu Mỹ (Bộ Công Thương) - nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Cảnh Cường nhận định: Năm 2019, giá trị nhập khẩu hàng sản xuất từ Việt Nam vào Anh là 1,2 tỷ bảng Anh. Con số này vào năm 2021 có thể lớn hơn nhờ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Anh (UKVFTA). Doanh nghiệp Việt Nam có thể hưởng lợi nhiều hơn trên thị trường Anh nhờ Hiệp định này và từ sự thay đổi nhanh chóng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Với sự hợp tác của các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, Thương vụ Việt Nam tại Anh, tháng 11/2022, đại diện Bộ Kinh doanh, năng lượng và chiến lược công nghiệp Anh sẽ sang làm việc, khảo sát thực tế tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Đây là sự kiện được doanh nghiệp sản xuất hàng công nghiệp sang Anh mong đợi.