Mới đây, Bộ Tài chính đã có công văn gửi các Bộ, ngành, địa phương xin ý kiến về Dự án Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 712/2013/UBTVQH13 ngày 16/12/2013 của Ủy ban Thường vụ quốc hội (UBTVQH) về việc ban hành biểu mức thuế suất thuế tài nguyên. Theo dự án Nghị quyết đang đưa ra lấy ý kiến, hầu hết thuế suất các loại khoáng sản đều được điều chỉnh tăng từ 2 - 5%.

Ông Phạm Đình Thi – Vụ trưởng vụ chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, việc ban hành biểu thuế suất thuế tài nguyên mới là sự cần thiết cho việc sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên không tái tạo. Đặc biệt, ông Thi nhấn mạnh rằng, việc tăng thuế suất góp phần hạn chế tối đa việc xuất khẩu tài nguyên chưa chế biến và góp phần đảm bảo nguồn thu Nhà nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, phía doanh nghiệp cho rằng, việc tăng thuế suất thuế tài nguyên là áp dụng từ ngày 1/1/2016 là chưa hợp lý. Ông Nguyễn Văn Biên – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) nhận định so với mặt bằng chung thế giới, thuế suất tài nguyên khoáng sản của Việt Nam đang cao. Từ năm 2010 đến nay, mức thuế suất đối với sản xuất than đã tăng hai lần, mỗi lần tăng mạnh, từ 40%  đến 200%.

"Thực trạng này ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của sản phẩm trong nước. Nếu không có chính sách thuế hợp lý sẽ tạo điều kiện cho hàng hóa nước ngoài lấn sân thị trường nội địa. Hơn nữa, điều kiện khai thác tài nguyên, trong đó có tài nguyên than ngày một khó khăn. Nếu không giảm thuế được thì nên giữ nguyên mức thuế hiện tại.

Căn cứ vào dự báo trong những năm tới, ngành khoáng sản chưa có chuyển biến tích cực. Do đó, Chính phủ cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định về sản xuất và kinh doan", ông Biên kiến nghị.

Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo sửa đổi Nghị quyết về thuế suất tài nguyên. Ảnh: Huyền Thương 

Trong khi đó, bà Đỗ Thị Hồng, Chủ tịch Hiệp hội đá trắng Lục Yên - Yên Bái lo ngại về sự bấp bênh của doanh nghiệp bất động sản đã ảnh hưởng lớn tới nhiều ngành vật liệu xây dựng, trong đó có đá hoa trắng. Doanh nghiệp ngành này lại đang phải gánh nhiều loại thuế, phí khác nhau. 

Theo đó, đại diện Hội đá hoa trắng huyện Lục Yên và huyện Qùy Hợp kiến nghị không tăng thuế suất thuế tài nguyên từ mức 9% lên 15% như dự án Nghị quyết thay thế.

Liên quan đến việc tăng thuế suất, Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đồng ý dự thảo tăng mức thuế suất đối với sản phẩm quặng Apatit loại 1 lên 8%. Nhưng doanh nghiệp này kiến nghị giữ nguyên thuế suất đối với Apatit loại 2 là 5%.

Bà Vũ Hương, đại diện Diễn đàn doành nghiệp Việt Nam thừa nhận việc tăng thuế tài nguyên là cần thiết, nhưng lộ trình tăng cần được thực hiện từng bước và giãn ra. Bà Hương cho rằng cần chậm tiến độ tăng thuế nhằm không làm xáo trộn và gây bất lợi đến môi trường đầu tư.

Theo bà Hương, các chính sách thuế, phí đối với khoáng sản của Việt nam hiện nay thay đổi khá nhanh. Theo ghi nhận của các doanh nghiệp trong Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam, chỉ trong thời gian ngắn từ năm 2008 đến nay, chính sách thuế, phí đối với doanh nghiệp khoáng sản đã thay đổi nhiều lần và theo xu hướng tăng. Điều chỉnh này khiến nhà đầu tư trong và ngoài nước quan ngại.

Các dự án khai khoáng thường có thời gian hoạt động dài hạn từ 10 - 30 năm và có thể lên đến 50 năm. Hiệu quả kinh tế của các dự án khoáng sản được xác định trên cơ sở các quy định về chính sách tà chính tại thời điểm lập dự án. Do đó việc thay đổi các quy định về thuế và phí đối với hoạt động khai thác khoáng sản trong thời gian ngắn vừa qua đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế nhiều dự án.

"Việc tăng thuế suất tài nguyên tại thời điểm hiện tại không phải là biện pháp tốt đề bù đắp cho thuế xuất khẩu khoáng sản. Các hiệp định và Việt Nam đang tham gia đàm phán đều có lộ trình thực hiện cụ thể với vấn đề xuất khẩu chứ không áp dụng ngay. Do đó, chúng tôi cho rằng, việc nâng thuế suất vào thời điểm này là quá sớm và không chắc chắn", bà Hương nhấn mạnh. 

Huyền Thương