Tham dự lễ công bố có đồng chí Nguyễn Hồng Diên - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng Ban chỉ đạo Nghiên cứu, biên soạn, xuất bản bộ sách; đồng chí Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương; đồng chí Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; đồng chí Trần Thanh Lâm - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; PGS. TS Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam; các lãnh đạo Bộ Công Thương và các Bộ tiền nhiệm qua các thời kỳ... cùng Thành viên Ban chỉ đạo, Ban Biên tập Bộ sách; đại diện các đơn vị chức năng trực thuộc Bộ Công Thương.
Tự hào truyền thống vẻ vang của 72 năm ngành Công Thương
Trải qua hơn 2/3 thế kỷ xây dựng và phát triển, được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; sự hợp tác, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương cùng với sự nỗ lực vượt bậc của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, ngành Công Thương Việt Nam đã không ngừng phát triển, lớn mạnh cùng đất nước và đạt được những thành tựu quan trọng, tương đối toàn diện trên các lĩnh vực, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, để lại những dấu ấn lịch sử vẻ vang, những giá trị truyền thống tốt đẹp mà các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong Ngành đã dày công xây dựng, vun đắp và trao truyền qua nhiều thế hệ.
Phát biểu tại lễ công bố Bộ sách, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, nhìn lại chặng đường 72 năm xây dựng và phát triển, chúng ta có quyền tự hào về truyền thống vẻ vang của ngành Công Thương Việt Nam. Dù trong từng giai đoạn, thời kỳ, chia tách rồi sáp nhập với các tên gọi khác nhau; dù chức năng, nhiệm vụ có những lúc thay đổi hoặc ngay cả khi có cán bộ chủ chốt Ngành mắc sai lầm, khuyết điểm nhưng ngành Công Thương vẫn luôn giữ vững vai trò tiên phong trong xây dựng và phát triển kinh tế đất nước; kịp thời tham mưu cho Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, chính sách quan trọng, nhất là ở những thời điểm bước ngoặt của lịch sử đất nước.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng các đại biểu dự Lễ ra mắt lịch sử ngành Công Thương Việt Nam
Đặc biệt, trong những năm gần đây, trước những khó khăn, thách thức chưa từng có do đại dịch Covid-19 gây ra, ngành đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh; chỉ đạo bảo đảm cung ứng vật tư, nguyên liệu, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân trong mọi tình huống; đồng thời, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành gắn với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; tăng cường các hoạt động kinh tế đối ngoại, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu hàng hóa; khai thác có hiệu quả các hình thức thương mại, các loại thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, chuỗi cung ứng, thúc đẩy xuất khẩu, đóng góp quan trọng, tích cực vào phát triển kinh tế của đất nước.
Bộ sách Lịch sử Công Thương Việt Nam – Công trình đầu tiên nghiên cứu toàn diện ngành Công Thương qua các thời kỳ lịch sử
Nhấn mạnh lịch sử là một dòng chảy không ngừng nghỉ, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, hiểu biết, trân trọng và gìn giữ, phát huy những giá trị lịch sử, truyền thống vẻ vang của Ngành từ ngày đầu thành lập đến nay là việc làm rất quan trọng, bởi đó không chỉ là việc thể hiện tình cảm, trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với các thế hệ đi trước, mà còn góp phần giáo dục, hun đúc, trao truyền giá trị tốt đẹp cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa sâu sắc đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XV (giữa năm 2021), Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ đã thống nhất chủ trương nghiên cứu, biên soạn, xuất bản Bộ sách Lịch sử Công Thương Việt Nam. Sau gần 2 năm thực hiện, với quyết tâm cao và tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, khoa học và tận tụy, cùng với sự tham gia, hỗ trợ tích cực của nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân, đặc biệt là Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, đến nay Bộ sách Lịch sử Công Thương Việt Nam đã hoàn thành, đủ điều kiện để xuất bản, công bố rộng rãi với bạn đọc ở trong và ngoài Ngành.
Bộ sách là công trình đồ sộ, được nghiên cứu, xây dựng công phu, toàn diện, sâu sắc với gần 900 trang của cuốn sách Lịch sử ngành Công Thương Việt Nam 1945 - 2010” và gần 1.600 trang, trình bày hơn 1.400 sự kiện trong 2 tập Biên niên sử Công Thương Việt Nam 2011 - 2020, tập 1 (2011 - 2015) và Biên niên sử Công Thương Việt Nam 2011 - 2020, tập 2 (2016 - 2020). Đây là công trình đầu tiên nghiên cứu một cách toàn diện ngành Công Thương qua các thời kỳ lịch sử (cả lịch sử Ngành và lịch sử tổ chức của Ngành, hệ thống các ngành, phân ngành); đã tái hiện lại một cách hệ thống, chân thực, khách quan những chặng đường phát triển đầy tự hào, những thành tựu nổi bật và cả những thời điểm khó khăn, thách thức mà Ngành đã trải qua, xuyên suốt từ thời kỳ trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945 đến giai đoạn thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nhiều chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu lịch sử đánh giá Bộ sách là nguồn sử liệu quý, đồ sộ, phong phú và có độ tin cậy cao; xứng đáng được coi là một công trình quan trọng của lịch sử Việt Nam, lịch sử kinh tế Việt Nam, lịch sử Chính phủ Việt Nam, đóng góp vào kho tàng lý luận về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là “cẩm nang” rất hữu ích cho việc nghiên cứu, tìm hiểu về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đối với ngành Công Thương cũng như những đóng góp, cống hiến của Ngành trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, là tài liệu tuyên truyền, giáo dục về truyền thống vẻ vang của ngành Công Thương Việt Nam, giúp cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, đặc biệt là thế hệ trẻ nắm chắc, hiểu rõ và trân quý các giá trị truyền thống, góp phần tạo lập, nuôi dưỡng niềm tự hào, yêu Ngành, yêu nghề và hoài bão, khát vọng vươn lên, tạo động lực phấn đấu cùng toàn Ngành hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, xứng đáng với niềm tin, sự mong đợi của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
“Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Công Thương ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương sự tâm huyết, nỗ lực của Ban Biên soạn, nhóm tác giả, các chuyên gia, nhà khoa học, các thế hệ Lãnh đạo, cán bộ ngành Công Thương và đơn vị liên quan trong quá trình sưu tầm, thu thập tài liệu, tư liệu và biên tập bản thảo; Trân trọng cảm ơn Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã hỗ trợ biên tập và xuất bản thành công Bộ sách; Cảm ơn những tình cảm quý giá, nghĩa cử tốt đẹp mà các tập thể, cá nhân đã dành cho Ngành thông qua việc cung cấp thông tin, tư liệu quý, cũng như hỗ trợ về tinh thần và vật chất để hôm nay chúng ta có được Bộ sách rất ý nghĩa này”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá.
Thay mặt nhóm tác giả, bà Đặng Thị Ngọc Thu, Tổng Biên tập Tạp chí Công Thương báo cáo tóm tắt quá trình triển khai nghiên cứu, biên soạn Bộ sách và quan điểm, phương thức tiến hành. Bà Đặng Thị Ngọc Thu cho biết "Bộ sách Lịch sử ngành Công Thương Việt Nam đã áp dụng đồng thời nhiều phương pháp nghiên cứu, bao gồm: phương pháp nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu kinh tế, nghiên cứu xã hội học, gặp gỡ nhân chứng lịch sử… Việc áp dụng đồng thời nhiều phương pháp nghiên cứu đã giúp tái hiện lịch sử ngành Công Thương và nền kinh tế một cách liền mạch, được tiếp cận, phân tích ở nhiều chiều, đồng thời cung cấp nhiều bài học kinh nghiệm về quản lý kinh tế. Đó là những bài học xử lý các mối quan hệ: giữa Nhà nước và thị trường; giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất; giữa chức năng quản lý nhà nước và chức năng quản lý sản xuất - kinh doanh; giữa tăng trưởng và kiểm soát lạm phát,... đúng như lời dạy của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh: “Lý luận cách mạng Việt Nam phải xuất phát từ thực tế Việt Nam, và giải quyết những vấn đề do cách mạng Việt Nam đặt ra”.
Là cơ quan xuất bản Bộ sách, bà Phạm Thị Thinh, Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật khẳng định: Bộ sách Lịch sử ngành Công Thương Việt Nam 1945 - 2010 và Biên niên sử Công Thương Việt Nam 2011 - 2020 được biên soạn, xuất bản công phu, nghiêm túc, kỹ lưỡng, chú trọng cả nội dung khoa học và hình thức thể hiện. Bộ sách đã khái quát những chặng đường phát triển đầy tự hào, những thành tựu nổi bật và cả những khó khăn, thách thức của ngành Công Thương, qua đó cho thấy những đóng góp của Ngành đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bộ sách là tài liệu có giá trị góp phần nghiên cứu, tìm hiểu về đường lối lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đối với lĩnh vực kinh tế của đất nước nói chung cũng như đối với ngành Công Thương trong 72 năm xây dựng và phát triển.
Cần tuyên truyền, giới thiệu sâu rộng nội dung của Bộ sách
Để tăng cường tuyên truyền, phổ biến, phát huy giá trị của Bộ sách Lịch sử Công Thương Việt Nam đến đông đảo bạn đọc trong và ngoài Ngành, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu, ngay sau sự kiện này, Tạp chí Công Thương chủ trì, phối hợp với Báo Công Thương và các cơ quan truyền thông của Bộ tập trung tuyên truyền, giới thiệu sâu rộng về nội dung của Bộ sách, giúp bạn đọc cả trong và ngoài Ngành hiểu đúng, hiểu rõ hơn quá trình xây dựng và phát triển ngành Công Thương Việt Nam trong hơn 2/3 thế kỷ qua, nhất là những thời kỳ, sự kiện còn ít được biết đến với cách đánh giá thấu đáo, khách quan, khoa học.
Bên cạnh đó, các cấp ủy, tổ chức Đảng, tổ chức Đoàn thể và hệ thống các trường học, doanh nghiệp thuộc ngành Công Thương khẩn trương tổ chức quán triệt, nghiên cứu, tìm hiểu sâu sắc về nội dung Bộ sách bằng các hình thức phù hợp; đưa việc tìm hiểu Bộ sách vào nội dung sinh hoạt thường kỳ của chi bộ, đoàn thể và liên hệ với thực tiễn công tác của tổ chức, đơn vị mình, giúp cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và các đoàn viên, hội viên, sinh viên trong toàn Ngành, đặc biệt là thế hệ trẻ nắm chắc, hiểu rõ về các giá trị truyền thống, lịch sử vẻ vang của Ngành cũng như những đóng góp to lớn, sáng tạo của các thế hệ cán bộ ngành Công Thương trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là ở những thời điểm bước ngoặt của lịch sử đất nước.
Các đơn vị chuyên môn, cơ quan chức năng thuộc Bộ tập trung nghiên cứu và vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm, nhất là các bài học trong quá trình triển khai thực hiện mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước để từ đó cải thiện, nâng cao chất lượng công tác tham mưu, thực hiện và chỉ đạo, điều hành của Ngành trong thời gian tới.
Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện những cơ chế, chính sách, bảo đảm đồng bộ, khả thi và đề xuất cấp có thẩm quyền cho thực hiện thí điểm những nhiệm vụ theo tinh thần đổi mới, sáng tạo nhằm khơi thông và giải phóng các nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển Ngành.
“Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ đề nghị các thế hệ Lãnh đạo, cán bộ ngành Công Thương qua các thời kỳ, các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài Ngành tiếp tục quan tâm, phối hợp, giúp đỡ Bộ Công Thương trong việc sưu tầm, cung cấp, hiến tặng những tư liệu, tài liệu, hiện vật có liên quan để nâng cấp, hoàn thiện Phòng Truyền thống của Ngành cũng như biên soạn cuốn Lịch sử Công Thương giai đoạn 1945 – 2010 ở những lần tái bản, hoàn thiện Biên niên sử Công Thương trong giai đoạn tiếp theo và cuốn sách Lịch sử Thương vụ Việt Nam nhằm hoàn thiện Bộ sách lịch sử ngành Công Thương từ khi thành lập đến nay, góp phần truyền cảm hứng và tiếp thêm động lực cho các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Công Thương hôm nay và mai sau viết tiếp những trang sử vẻ vang của Ngành và các thế hệ cha, anh để lại”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị.
Tại buổi lễ, các đồng chí Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Bộ Công Thương, Lãnh đạo Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam đã thực hiện nghi thức phát hành Bộ sách Lịch sử ngành Công Thương Việt Nam bản điện tử trên trang website Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, tại địa chỉ https://www.nxbctqg.org.vn.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương