Đây được xem sẽ là nơi diễn ra cuộc đối thoại giữa cộng đồng doanh nghiệp với người đứng đầu của sáng kiến "Vành đai và Con đường" và người đứng đầu của sáng kiến "Ấn Độ - Thái Bình Dương".
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đồng thời là Chủ tịch APEC CEO Summit 2017, cho dù đó là cuộc đối thoại giữa cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước với lãnh đạo cao nhất của nền kinh tế số một hay số hai thế giới thì đều sẽ đem lại những cơ hội cho doanh nghiệp.
"Sáng kiến "Vành đai và Con đường" và sáng kiến "Ấn Độ - Thái Bình Dương" đều là những tài sản chung của nền kinh tế thế giới, và sẽ mang lại lợi ích cho các bên", ông Lộc nói.
Quá trình toàn cầu hoá, hội nhập của các nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đang đứng trước những trở ngại, khi tăng trưởng GDP và tăng trưởng năng suất lao động thấp hơn so với kỳ vọng và tiềm năng, chủ nghĩa bảo hộ đang trỗi dậy, vì vậy, những cuộc trao đổi giữa các nền kinh tế để tìm giải pháp về những vấn đề này được mong chờ.
"Mỹ và Trung Quốc là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Việc đưa ra tầm nhìn, định hướng hay sáng kiến của hai cường quốc này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới định hình lại quá trình hợp tác khu vực", ông Lộc nhìn nhận.
Theo vị Chủ tịch APEC CEO Summit 2017, cộng đồng doanh nghiệp - trong đó có các doanh nghiệp Việt Nam - sẽ cảm nhận được nhiều điều thú vị khi trực tiếp lắng nghe các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới.
"Thông tin họ có thể tìm được, đọc trên báo chí. Thậm chí, họ có thể đọc những phân tích chuyên sâu của giới chuyên gia, nhưng chỉ tại hội trường hoặc qua tiếp xúc trực tiếp các vị lãnh đạo, họ mới có thể cảm nhận được bầu không khí", ông Lộc chia sẻ.
Cuộc đối thoại với Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc được đánh giá sẽ là điểm nhấn nổi bật tại APEC CEO Summit 2017. Để từ đó, cộng đồng doanh nghiệp sẽ có những định hướng cho hoạt động kinh doanh sắp diễn ra.
"Tôi hy vọng doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia vào quá trình định hình này. Thực tế đã chứng minh, Việt Nam đã có những đóng góp lớn vào các chương trình nghị sự quan trọng của APEC hay TPP", ông Lộc bày tỏ. "Đà Nẵng sẽ là điểm giao hoà của các cuộc đối thoại, của những định hướng khác nhau, để quá trình toàn cầu hoá tiếp tục được thúc đẩy".
Liên quan tới TPP và sự vươn lên của Trung Quốc trong khu vực, ông Lộc nói, Việt Nam chủ trương đa phương hoá, đa dạng hoá các mối quan hệ kinh tế. Tất cả các đối tác đều quan trọng với Việt Nam.
Trung Quốc hiện là đối tác chiến lược toàn diện, là thị trường rộng lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, và cũng là thị trường có vốn đầu tư lớn tại Việt Nam.
Trong khi đó, Việt Nam vẫn chờ đợi Mỹ quay lại TPP, bởi đây là cơ chế hợp tác đem lại lợi ích cho nhiều bên.
Ông Lộc cho rằng, trong tương lại Mỹ sẽ không đi trên một con đường khác biệt với toàn cầu hoá. Hiện tại, chính sách của Mỹ là muốn định hình lại quá trình toàn cầu hoá, để đảm bảo yếu tố lợi ích. "Tôi nghĩ đây là cách tiếp cận của Mỹ và chúng tôi tôn trọng sự lựa chọn chính sách của mỗi quốc gia", ông Lộc nhấn mạnh.
Theo ông Lộc, TPP chỉ là một trong những khuôn khổ để tăng cường quan hệ Việt - Mỹ, bên cạnh đó còn nhiều khuôn khổ khác, trong đó có hợp tác song phương. "Tôi nghĩ là dù không có TPP, thì quan hệ thương mại Việt - Mỹ vẫn sẽ tiếp tục phát triển", ông nói.
Nguồn: Vneconomy.vn