|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng vào tháng 5/2017 |
Bước ngoặt mới trong quan hệ Việt - Mỹ
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ thăm cấp nhà nước tới Việt Nam từ ngày 11 - 12/11.
Được biết, Tổng thống Trump sẽ tới Đà Nẵng vào ngày 10/11, dự Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), tại đây ông dự kiến sẽ có bài phát biểu nêu lên tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, cởi mở, đồng thời nhấn mạnh vai trò của khu vực trong thúc đẩy kinh tế Mỹ phát triển thịnh vượng. Sau đó, ông sẽ tới Hà Nội, có cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Trần Đại Quang và gặp gỡ các lãnh đạo cấp cao Việt Nam.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ tiếp tục phát triển tích cực, đặc biệt sau chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ thành công của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (29-31/5/2017). Như vậy, kể từ năm 1975, ông Donald Trump là Tổng thống Mỹ thứ tư liên tiếp còn đương nhiệm thăm chính thức Việt Nam sau Tổng thống Bill Clinton (2000), Tổng thống George Bush (2006), Tổng thống Barack Obama (2016). Sự kiện này được kỳ vọng tiếp tục tạo nên những bước ngoặt mới cho quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới, đặc biệt là quan hệ thương mại và đầu tư.
Phát biểu tại cuộc họp báo mới đây, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, đây là chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Donald Trump trong năm đầu cầm quyền. Điều này thể hiện sự quan tâm của phía Hoa Kỳ không chỉ với khu vực châu Á mà còn đối với Việt Nam. Việc Tổng thống Donald Trump đến dự Hội nghị cấp cao các nhà lão đạo APEC và thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam sẽ chuyển thông điệp mạnh về cam kết của Mỹ đối với sự hợp tác, liên kết, thịnh vượng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Sau hơn 20 năm bình thường hóa quan hệ, trao đổi thương mại giữa hai nước đã có sự phát triển mạnh mẽ. Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn của Việt Nam và đặc biệt Việt Nam luôn là điểm đến được các doanh nghiệp Mỹ lựa chọn đầu tư. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng liên tục ở mức 20% trong những năm gần đây, ước đạt 53 tỷ USD năm 2016, trong đó Việt Nam tiếp tục xuất siêu 30,9 tỷ USD.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã tăng mạnh từ khoảng 1 tỷ USD vào năm 2001, lên trên 38,46 tỷ USD năm 2016 và có thể đạt trên 41 tỷ USD vào năm 2017. Nếu tính riêng về xuất khẩu hàng hóa, Việt Nam là nước xuất khẩu lớn thứ 12 vào thị trường Mỹ (năm 2016).
Mốc son mới trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt - Trung
|
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp mặt tại APEC 2016 |
Theo Bộ Ngoại giao, sau khi tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam vào ngày 12-13/11, theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Việc Chủ tịch Tập Cận Bình dự và phát biểu tại Hội nghị doanh nghiệp APEC là đóng góp thể hiện sự quyết tâm rất mạnh mẽ của lãnh đạo cao nhất Trung Quốc đối với việc duy trì đà phát triển, hợp tác trong APEC cũng như sự gắn kết của lãnh đạo APEC với các doanh nghiệp.
Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch Tập kể từ sau Đại hội đảng Cộng sản 19 Trung Quốc, nơi ông được tái bầu làm Tổng Bí thư, Chủ tịch Quân ủy Trung ương.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, có số lượng khách du lịch vào Việt Nam lớn nhất. Trong khi đó, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Năm 2016, Việt Nam đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 của Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN. Trong 8 tháng đầu năm 2017, kim ngạch song phương đạt 55,23 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2016, nhập siêu từ Trung Quốc 17,77 tỷ USD, giảm 5,4% so với cùng kỳ.
Việt Nam và Trung Quốc đã tiến hành nhiều chuyến thăm cấp cao trong thời gian qua. Gần đây nhất, Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm chính thức Trung Quốc đồng thời tham dự Diễn đàn "Vành đai, Con đường" được tổ chức tại Bắc Kinh hồi tháng 5. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng có chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên sau Đại hội Đảng lần thứ XII vào tháng 1 năm nay, trong khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có chuyến thăm Bắc Kinh tháng 9 năm ngoái.
Nâng tầm quan hệ hợp tác Việt Nam - Canada
Từ ngày 8-9/11, Thủ tướng Canada Justin Trudeau sẽ thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Quan hệ Canada - Việt Nam phát triển rất tốt đẹp trong nhiều thập kỷ qua. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Canada ở Đông Nam Á, là thị trường ưu tiên của Chương trình Hành động thị trường toàn cầu của Canada. Thương mại hai chiều tăng ổn định những năm gần đây, đạt khoảng 20-25%/năm, đạt 4,1 tỷ USD năm 2016 và 2,34 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2017.
Canada hiện có 161 dự án còn hiệu lực, với tổng đầu tư đăng ký đạt 5,1 tỷ USD, xếp thứ 13/112 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Từ năm 1990, Canada thuộc nhóm nước đi đầu và dành viện trợ phát triển (ODA) cho Việt Nam, tập trung vào cải cách kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nông nghiệp, môi trường.
Hiện nay có khoảng 250.000 người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc ở Canada chính là cầu nối hiệu quả về giao lưu nhân dân giữa hai nước.
Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Canada Justin Trudeau nhằm nâng tầm quan hệ hai nước, tạo cơ sở để thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước thời gian tới theo hướng thực chất, hiệu quả hơn trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế - thương mại, an ninh - quốc phòng, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, hợp tác phát triển.
Tăng cường quan hệ hợp tác Việt Nam - Chile
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống nước Cộng hòa Chile Michelle Bachelet Jeria sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 8-9/11/2017.
Việt Nam và Chile thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 25/3/1971. Từ đó đến nay, quan hệ hợp tác giữa hai nước phát triển rất tích cực, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế. Việt Nam và Chile đã ký nhiều văn kiện hợp tác gồm: Hiệp định Hợp tác về kinh tế - thương mại, Hiệp định Khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định Hợp tác về khoa học - công nghệ, Hiệp định Miễn thị thực đối với hộ chiếu ngoại giao, công vụ và phổ thông, đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do (FTA).
Hai bên đã ký Hiệp định Thương mại tự do (FTA) bên lề Hội nghị cấp cao APEC tại Hawaii, Mỹ (tháng 11/2011). Ngày 1/1/2014, FTA Việt Nam -Chile đã chính thức có hiệu lực, góp phần cho quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai bên phát triển nhanh chóng. Quan hệ thương mại hai chiều tăng từ 170 triệu USD năm 2005 lên 890,47 triệu USD năm 2014; năm 2015 đạt 950 triệu USD; năm 2016 đạt 1,03 tỷ USD; Trong đó, Việt Nam xuất siêu 740,4 triệu USD, chủ yếu là hàng công nghiệp nhẹ như giày dép, sản phẩm dệt may, sản phẩm nội thất từ gỗ, clinke, xi măng, cà phê, gạo... và nhập 206,2 triệu USD gồm hàng thủy sản, rau quả, dầu mỡ động thực vật, gỗ và các sản phẩm gỗ, sắt thép, bột cá làm thức ăn gia súc, rượu vang...
Hiện xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này trong 8 tháng đầu năm đã vượt Thái Lan, vươn lên đứng đầu nhóm ASEAN và ở vị trí thứ 5 ở khu vực châu Á (sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ). Một số nhà đầu tư hàng đầu Chile đang tỏ ra quan tâm hơn tới thị trường Việt Nam và tiến hành thăm dò khả năng mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Chile cũng là một trong 21 nền kinh tế APEC. Phái đoàn cấp cao Chile do Tổng thống Michelle Bachelet Jeria dẫn đầu sẽ tham dự các hoạt động tại Tuần lễ cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng.
Nguồn: Baocongthuong.com.vn