Đó là nhấn mạnh của ông Phạm Quang Tú, đại diện tổ chức Oxfam tại Việt Nam tại Hội thảo đầu tư bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam ở Tiểu vùng Mekong. Sự kiện do Phòng Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PaNature) và Tổ chức Oxfam tổ chức sáng nay (ngày 17/2), tại Hà Nội.
Chú trọng chất lượng
Ông Phạm Quang Tú cũng cho hay, từ dự án đầu tư đầu tiên ra nước ngoài năm 1989 đến hết năm 2015, Việt Nam đã “đổ vốn” đầu tư gần 20,8 tỷ USD ra nước ngoài thông qua 1.049 dự án. Con số này tương đương 5% tổng số dự án và 7% vốn đăng ký và 14% vốn thực hiện của các dự án đầu tư trực tiếp vào Việt Nam trong cùng giai đoạn.
Phát biểu tại hội thảo, ông Đoàn Thanh Nghị - Đại diện Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (ODI) của Việt Nam đang ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với sự ổn định và phát triển của nền kinh tế Việt Nam. ODI giúp bù đắp những thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu trong nước, mở rộng thị trường cũng như giúp củng cố vị thế của Việt Nam tại các quốc gia nhận đầu tư.
Theo đó, tính đến tháng 1/2017, Việt Nam có 1.188 dự án đầu tư tại 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 21,4 tỷ USD trong đó các quốc gia ở Tiểu vùng Mekong, đặc biệt là Lào và Campuchia là hai quốc gia được các doanh nghiệp Việt Nam lựa chọn đầu tư nhiều nhất.
Tuy nhiên, ông Phạm Quang Tú, cũng cho rằng, trong thời gian vừa qua, thực tế đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư ra nước ngoài theo phong trào.
“Đặc biệt khi tâm thế doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư ra các nước như Lào, Campuchia chúng ta đầu tiên mới chỉ nghĩ đến đất đai màu mỡ dồi dào mà chưa tính toán đến những rủi ro liên quan."
"Ví dụ như giai đoạn năm 2007-2008 khi giá cao su đang lên thì doanh nghiệp bị choáng ngợp bởi những lợi nhuận mới tính trên sổ sách, chính vì thế động thái doanh nghiệp sang hai quốc gia này tại thời điểm đó miễn là được cấp phép với diện tích đất lớn là được. Do đó, các doanh nghiệp đều đưa ra các phương án đầu tư 10.000-15.000ha nhưng đến lúc tính toán hiệu quả kinh tế không sát và gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận tại vùng đất mới,” ông Tú chỉ rõ.
Doanh nghiệp cần tỉnh táo
Ông Phạm Quang Tú cũng cho rằng, bên cạnh những thành tựu như giúp xóa đói giảm nghèo hay cải thiện cơ sở hạ tầng, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp cũng tiềm ẩn những rủi ro do sự khác biệt về văn hóa, pháp luật và môi trường. Những khác biệt này có thể dẫn đến các tranh chấp và qua đó ảnh hưởng đến việc thực hiện dự án cũng như hình ảnh của nhà đầu tư Việt Nam trong khu vực.
Đồng quan điểm, ông Vũ Ninh, Thành viên Hội đồng quản trị của GEMADEPT- công ty đang có dự án khoảng 30.000ha cây cao su ở Campuchia cho hay, khi đầu tư ra nước ngoài, hầu hết những vùng các quốc gia họ cần mình đầu tư là những vùng chưa có cơ sở hạ tầng.
“Nên cái khó khăn đối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài là phải chấp nhận những cái thách thức ở địa bàn khó khăn như thiếu lao động, thiếu nước, thiếu đường… Đầu tư ở vùng đất mới, chúng ta sẽ phải gặp gỡ người dân, gặp gỡ chính quyền sở tại, tìm hiểu phong tục tập quán khác cũng là một khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài,” ông Ninh chia sẻ.
Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài không thể “ngây thơ” mà cần có sự am hiểu thông tin. (Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam+)
Trao đổi phỏng vấn bên lề cuộc Hội thảo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, việc các doanh nghiệp Việt Nam mạnh dạn đi ra nước ngoài vượt ra khỏi biên giới Việt Nam là một thông điệp tích cực về sự chủ động hội nhập của doanh nghiệp Việt Nam.
“Không chỉ các nhà đầu tư các nước đến làm ăn tại Việt Nam mà đã đến thời điểm nhiều nhà đầu tư Việt Nam cần hướng ra nước ngoài. Tuy nhiên khi doanh nghiệp dầu tư ra nước ngoài thì cần có được thông tin tốt, cần phải am hiểu luật pháp của nước sở tại, cần phải chủ động phòng ngừa những tranh chấp và đặc biệt là phải liên kết với nhau lại,” ông Tuấn cho hay.
Theo ông Tuấn, hội thảo hôm nay chính là nỗ lực ban đầu của ban tổ chức để thúc đẩy các nhà đầu tư, các doanh nghiệp ở nước ngoài cùng chia sẻ kinh nghiệm cùng liên kết với nhau hướng tới đầu tư bền vững hướng tới bảo vệ hình ảnh doanh nghiệp Việt Nam tại nước ngoài nhằm hoàn thiện Dự thảo Hướng dẫn tự nguyện và góp phần đóng góp cho chính sách đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam, giúp cho các doanh nghiệp có cái nhìn tổng thể về các thế mạnh cũng như thách thức khi đầu tư ở nước ngoài.
Ông Tuấn cũng nhấn mạnh thêm: “Nói chung doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài không thể “ngây thơ” mà cần có sự am hiểu thông tin. Có nhiều doanh nghiệp không lường trước được những thay đổi trong luật pháp của nước sở tại; những xung đột văn hóa (nếu có) của doanh nghiệp với cộng đồng cư dân các nước sở tại. Đặc biệt, sự vận hành chuyên nghiệp của bộ máy chính quyền địa phương ở các nước sở tại cũng là những rào cản mà doanh nghiệp Việt phải đối mặt.”
Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng cho rằng, đối với các nước như Lào, Campuchia và Việt Nam là những quốc gia có quan hệ truyền thống và có những điều kiện khí hậu thổ nhưỡng tương đồng, đó chính là thế mạnh thu hút doanh nghiệp Việt Nam mạnh dạn đầu tư.
“Mặt khác, một số lĩnh vực như nông nghiệp, phát triển cây công nghiệp là lĩnh vực phát triển tương đối mạnh của Việt Nam so với các nước trong khu vực. Chính vì vậy, với những thế mạnh của mình, những am hiểu của mình, doanh nghiệp Việt Nam chắc chắn mang lại những giá trị quan trọng cho quá trình đầu tư tại Lào và Campuchia,” ông Tuấn phân tích thêm./.
The video playback was aborted due to a corruption problem or because the video used features your browser did not support.