Số liệu mới nhất được Bộ Công Thương công bố cho thấy 10 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may ước đạt 25,15 tỷ USD; tăng 17,1% so với cùng kỳ. Với xuất khẩu da giày, tốc độ tăng trưởng là 9,7% với tổng giá trị 12,9 tỷ USD trong 10 tháng. Còn theo ước tính của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu hàng dệt may 11 tháng đạt 27,8 tỉ USD, còn da giày đạt 14,5 tỉ USD.
Tập trung vào thị trường có FTA
Các đơn hàng dệt may tập trung chủ yếu ở các thị trường trọng điểm và có ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) song phương, đa phương với Việt Nam như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước trong khối Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Dự kiến, xuất khẩu dệt may cả năm 2018 có thể đạt 35 tỷ USD, vượt 1 tỷ USD so với kế hoạch. Giai đoạn 2018-2022, với cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), CPTPP kéo theo thuế xuất khẩu một số sản phẩm về 0% sẽ tạo cú hích lớn cho xuất khẩu dệt may. Bộ Công Thương cũng nhận định việc ký kết một số FTA như EVFTA, CPTPP… chính là cơ hội thu hút đầu tư và thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng da giày sang các thị trường thuộc EU và khối CPTPP.
"Dòng vốn đầu tư vào dệt may và da giày sẽ tăng cao do tiềm năng lớn nhờ hiệu ứng của các FTA và bản thân Việt Nam có nhiều lợi thế về sản xuất. Căng thẳng trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung cũng có thể dẫn đến việc dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam, dù chưa chắc chắn", Bộ Công Thương dự báo.
Về riêng thị trường Australia, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) Nguyễn Phúc Nam nhận định với Hiệp định ASEAN - Australia - New Zealand và sắp tới là CPTPP, thuế xuất khẩu sẽ giảm về 5% ngay trong giai đoạn 2019-2021, về 0% từ năm tiếp theo, tạo lợi thế lớn cho xuất khẩu dệt may. Ngoài ra, còn có những lợi thế đặc biệt khác đến từ việc doanh nghiệp (DN) Australia có xu hướng chuyển sang nhập khẩu và đặt gia công may tại Việt Nam. Đặc biệt, Australia là thị trường có giá bán lẻ hàng dệt may cao hơn rất nhiều so với các nước khác.
Thực tế, việc nhiều thương hiệu lớn trên thế giới xuất hiện tại các triển lãm ngành dệt may, da giày ở Việt Nam đã chứng minh cho sức hút cũng như tiềm năng của 2 ngành này. Triển lãm quốc tế ngành Công nghiệp Dệt May lần thứ 18; Triển lãm Máy móc, thiết bị và nguyên phụ liệu dệt may và Triển lãm ngành Công nghiệp da giày và nguyên phụ liệu vừa được tổ chức đồng thời tại TP HCM mới đây đã thu hút hơn 500 đơn vị tham gia với 750 gian hàng. Ban tổ chức cho biết các thương hiệu tham gia triển lãm chủ yếu đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ được đánh giá là có tiềm năng lớn với xuất khẩu, như Trung Quốc, Đức, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Bồ Đào Nha…
Khó đáp ứng nguyên liệu hữu cơ
Tuy vậy, các FTA cũng mang lại thách thức không nhỏ cho cộng đồng DN Việt Nam, nhất là khi truy xuất nguồn gốc hàng hóa trở thành yêu cầu bắt buộc của nhiều thị trường nhập khẩu quan trọng, như Anh, Mỹ, EU.
Ông Trương Văn Cẩm, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho biết 80% nguyên liệu cho ngành dệt may hiện nay đến từ nhập khẩu. Tuy sẽ có lợi thế về thuế trong các FTA nhưng muốn được hưởng thuế suất xuất khẩu bằng 0% phải đáp ứng được yêu cầu khắt khe về xuất xứ nguyên liệu. "Thời gian qua, ngành dệt may mới phát triển ở khâu gia công; các khâu kéo sợi, dệt vải, nhuộm hoàn tất… không được chú trọng; chỉ 8,3% tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cho ngành dệt may chảy vào lĩnh vực dệt, nhuộm", ông Cẩm chỉ rõ.
Theo các chuyên gia tư vấn của Công ty The Woolmark (Australia) - DN chuyên nghiên cứu, phát triển và tiếp thị cho chuỗi cung ứng len Australia trên thế giới hiện nay, tiêu chuẩn toàn cầu về nguyên liệu cho ngành dệt may phải là nguyên liệu hữu cơ, tức không qua công nghệ xử lý hóa chất để bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng. Bởi vậy, vấn đề truy xuất nguồn gốc nguyên liệu càng thêm khó đối với các quốc gia tham gia xuất khẩu. Song, nếu tập trung đầu tư để tái cơ cấu, nâng cao chất lượng ở các khâu từ sợi - dệt - nhuộm, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội bước chân vào các thị trường khó tính. Để làm được điều này, trước mắt, vẫn cần thu hút FDI vào các khâu còn yếu trong quy trình sản xuất dệt may, da giày nhưng phải lưu ý chọn dòng vốn có chất lượng, có công nghệ tiên tiến.
Ông Thái Bình Dương, Giám đốc Công ty TNHH Yến Dương (tỉnh Bắc Ninh), nhận định nguồn nguyên liệu cho ngành dệt may Việt Nam có thể được khai thác từ một số thị trường mới như Australia, nhằm thay thế cho thị trường quen thuộc là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. "Với đặc điểm khí hậu và nuôi trồng, Australia là nơi cung cấp nguồn nguyên liệu len, sợi có chất lượng. Xúc tiến mở rộng nhập khẩu nguyên liệu từ Australia sẽ làm phong phú thêm nguồn nguyên liệu đầu vào, tránh tình huống bị quốc gia khác lợi dụng về mặt xuất xứ", ông Thái Bình Dương nêu quan điểm.
Theo Bộ Công Thương, ngành dệt may, da giày đang đối mặt với rủi ro từ việc Mỹ có thể truy xuất nguồn gốc và áp thuế bổ sung nếu sản phẩm may mặc có nguồn gốc nguyên liệu từ Trung Quốc. Vì vậy, bộ khuyến cáo DN tăng cường chuyển hướng sử dụng nguyên liệu từ nguồn trong nước và các nước khác, thay vì chủ yếu dựa vào nguồn từ Trung Quốc. Ngoài ra, tăng cường tìm kiếm khả năng mở rộng thị trường xuất khẩu mới bên cạnh củng cố thị trường đang là đối tác FTA.
Nhập khẩu máy móc tăng mạnh
Bà Jasmine Nguyen, Giám đốc Công ty Nantex - nhà phân phối các sản phẩm máy in Walz và máy thêu ZSK (Đức), cho biết đơn hàng cung cấp máy móc thiết bị của công ty năm 2018 tại Việt Nam dự kiến tăng 20%-30% so với năm trước. Điều này chứng tỏ khả năng mở rộng sản xuất, xuất khẩu của các DN ngành may, thêu.
Nguồn: Thùy Dương/Người Lao động