Thống kê cho thấy, doanh số bán các loại gia vị chức năng hỗ trợ chức năng miễn dịch, như gừng, nghệ và tỏi, tăng trưởng đặc biệt nhanh chóng vào năm 2020 và 2021 do dịch Covid-19.
Thị trường châu Âu cũng được đánh dấu bằng sự quan tâm ngày càng tăng đối với các loại gia vị có nguồn gốc bền vững; trong đó, chứng nhận đóng vai trò quan trọng. Các quốc gia châu Âu mang lại nhiều cơ hội nhất là Đức, Anh, Hà Lan và Tây Ban Nha.
Trong số các sản phẩm có nhu cầu cao nhất là gừng và nghệ, trong khi hạt tiêu, vani và quế vẫn là những sản phẩm có thị trường lớn ở châu Âu. Hạt nhục đậu khấu nói riêng cũng có sự tăng trưởng đáng kể gần đây.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, đây là một trong những khu vực nhập khẩu gia vị và hương liệu hàng đầu, chiếm khoảng 1/4 tổng lượng nhập khẩu của thế giới. Đáng lưu ý, hơn 95% hàng nhập khẩu từ bên ngoài châu Âu đến từ các nước đang phát triển.
Sự phụ thuộc mạnh mẽ vào nhập khẩu gia vị từ các nước đang phát triển cũng có nghĩa là hầu hết hoạt động thương mại ở châu Âu đều bao gồm việc tái xuất khẩu các loại gia vị có nguồn gốc từ các nước đang phát triển. Tuy nhiên, với các loại thảo mộc, phần lớn sản phẩm được tiêu thụ ở châu Âu cũng được sản xuất tại địa phương.
Ngoài ra, giá nhập khẩu trung bình ở châu Âu cao hơn đáng kể so với hầu hết các khu vực khác. Đơn cử, giá trung bình của các loại gia vị nhập khẩu ở châu Âu cao gần gấp đôi so với giá ở châu Á. Điều này khiến châu Âu trở thành thị trường mục tiêu thú vị cho các nhà xuất khẩu từ các nước đang phát triển, bất kể biến động thị trường xảy ra đối với một số sản phẩm do nhu cầu thay đổi.
Các chuyên gia thương mại cũng chỉ ra rằng: Nhu cầu ngày càng tăng đối với các loại gia vị được sản xuất bền vững, nguồn gốc mới, mối quan tâm ngày càng tăng về lợi ích sức khỏe của gia vị và việc sử dụng gia vị, hương liệu trong ẩm thực quốc tế là những xu hướng hàng đầu mở ra cơ hội cho các nhà xuất khẩu từ các nước đang phát triển.
Ngược lại, yêu cầu ngày càng tăng của người mua và những thay đổi về luật pháp có thể là mối đe dọa với các nhà cung cấp từ các nước đang phát triển, nhất là các nhà cung cấp mới chưa quen với các yêu cầu này. Do đó, các loại gia vị ngày càng được kiểm tra về chất gây dị ứng, độc hại và tính xác thực, vì vậy điều quan trọng là phải theo kịp các động lực thị trường này để duy trì vị thế là nhà cung cấp cạnh tranh cho thị trường châu Âu.
Thực phẩm nhập khẩu vào Liên minh châu Âu (EU) phải chịu sự kiểm soát thực phẩm chính thức. Những biện pháp kiểm soát này bao gồm việc kiểm tra thường xuyên có thể được thực hiện khi nhập khẩu (tại biên giới) hoặc sau đó, khi thực phẩm đã được phân phối lưu thông tại EU, chẳng hạn như tại cơ sở của nhà nhập khẩu. Việc kiểm soát nhằm kiểm tra xem sản phẩm có đáp ứng các yêu cầu hợp pháp hay không.
Đáng lưu ý, an toàn thực phẩm là chìa khóa cho thị trường châu Âu. Mặc dù luật pháp đã giải quyết được rất nhiều rủi ro tiềm ẩn nhưng do vẫn còn sai sót nên các nhà nhập khẩu thích làm việc với nhà sản xuất và xuất khẩu có chứng chỉ hệ thống an toàn thực phẩm được Sáng kiến An toàn Thực phẩm Toàn cầu (GFSI) công nhận.
Theo các chuyên gia, mặc dù ít quan trọng hơn các yêu cầu về an toàn sản phẩm và thực phẩm, người mua châu Âu ngày càng yêu cầu tính bền vững. Thị trường rõ ràng nhất ở châu Âu cho sản phẩm có nguồn gốc bền vững là thị trường thương mại công bằng. Mọi người tham gia trong chuỗi cung ứng cần phải được chứng nhận để tham gia vào thị trường này. Thị trường fairtrade được quản lý riêng.
Trên thị trường thương mại công bằng toàn cầu, có một số tổ chức chứng nhận thương mại công bằng. Fairtrade International là tổ chức lớn nhất cho phép tiếp cận thị trường châu Âu và hầu hết các thị trường quốc tế khác, ngoại trừ Hoa Kỳ.
Mặt khác, Fairtrade International có các tiêu chuẩn cụ thể đối với hương liệu, trà thảo dược và gia vị từ các tổ chức sản xuất quy mô nhỏ. Điều này xác định mức giá tối thiểu và mức chênh lệch giá cho các sản phẩm thông thường và hữu cơ từ một số quốc gia và khu vực.
Bởi vậy, nếu doanh nghiệp muốn bán các loại hương liệu và gia vị của mình dưới dạng hữu cơ ở châu Âu phải được trồng bằng phương pháp sản xuất hữu cơ tuân thủ luật hữu cơ của EU. Các cơ sở trồng trọt và chế biến phải được kiểm tra bởi cơ quan chứng nhận được công nhận.
Cùng đó, chứng nhận kép là một tài sản rõ ràng ở cả thị trường hữu cơ và thương mại công bằng châu Âu. Người tiêu dùng ở những thị trường này thường có ý thức hơn người tiêu dùng phổ thông. Do đó, nhiều khả năng đánh giá cao và mua các sản phẩm có cả logo chứng nhận hữu cơ.