Kết quả của Hội nghị AMM 29 sẽ được báo cáo lên Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25 (HNCC 25), được tổ chức từ ngày 10-11 tháng 11 năm 2017. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đồng chủ trì Hội nghị AMM 29.
Sau một ngày thảo luận sôi nổi và hiệu quả, HNBT 29 đã đạt được nhiều kết quả cụ thể, thiết thực cho cộng đồng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đảm bảo tính tiếp nối các chương trình hợp tác của APEC trong thời gian qua, khai phá các sáng kiến mới cho thời gian tới cũng như triển khai một cách hiệu quả chủ đề của năm APEC 2017 về “Tạo động lực mới, vun đắp tương lai chung” cùng bốn ưu tiên chính của năm.
Hội nghị đã tập trung đánh giá tình hình thế giới, khu vực, cơ bản về khía cạnh kinh tế và nhấn mạnh các chủ đề đang được quan tâm trong khu vực; đề cao vai trò động lực và dẫn dắt tăng trưởng toàn cầu của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cũng như vai trò tiên phong trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu của APEC và hoan nghênh văn kiện về APEC hướng tới 2020 và tương lai (APEC Toward 2020 and Beyond) do Việt Nam đề xuất.
Về các nội dung liên quan đến ưu tiên về tăng cường liên kết kinh tế khu vực, Hội nghị AMM 29 đã đạt được những kết quả cụ thể, đảm bảo tính tiếp nối các chương trình hợp tác của APEC trong thời gian qua, khai phá các sáng kiến mới cho thời gian tới cũng như triển khai một cách hiệu quả Chủ đề chính và bốn ưu tiên của Việt Nam. Cụ thể, AMM 29 đã thông qua những sáng kiến sau:
1. Sáng kiến của Việt Nam về “Khuôn khổ APEC về tạo Thuận lợi cho Thương mại điện tử Xuyên biên giới” nhằm tạo môi trường thuận lợi và bình đẳng cho các giao dịch thương mại điện tử; tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vào hệ thống giao dịch thương mại điện tử khu vực và toàn cầu, cũng như góp phần tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư trong khu vực, hướng tới việc hoàn thành mục tiêu Bô-go vào năm 2020.
2. Khuôn khổ giám sát việc thực hiện Kế hoạch Hành động kết nối Chuỗi cung ứng giai đoạn 2 (SCFAP 2) từ 2017- 2020, nhằm xác định và giải quyết các rào cản chính đối với chuỗi cung ứng, tạo thuận lợi cho sự lưu thông của hàng hóa và dịch vụ trong toàn khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
3. Các Bộ trưởng cũng nhất trí ủng hộ việc thông qua “Chiến lược APEC về các Doanh nghiệp Nhỏ, Vừa và siêu nhỏ, xanh, bền vững và sáng tạo”, nhằm hỗ trợ cho sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ.
Ngoài ra, các Bộ trưởng hoan nghênh sáng kiến về “Bộ thông lệ tốt của APEC về Thúc đẩy Công nghiệp hỗ trợ trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương”, là sáng kiến chung của Việt Nam và Nhật Bản nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh trong khu vực và “Sáng kiến về Thúc đẩy các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo” do Việt Nam chủ trì, nhằm thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong APEC.
Như vậy có thể nói, sau một năm tích cực hợp tác, với rất nhiều nỗ lực, với quá trình làm việc không mệt mỏi của Bộ Công Thương và nhiều Bộ, Ngành, Việt Nam đã tổ chức thành công các hội nghị cấp Bộ trưởng, đặc biệt là Hội nghị AMM 29 với các kết quả cụ thể, tích cực để báo cáo lên các Nhà Lãnh đạo tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25.

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương