Nền tài chính - ngân hàng Việt Nam
“sinh sau đẻ muộn” so với các đồng nghiệp quốc tế - nên phải tới khi công cuộc
đổi mới được khởi xướng, hai ngành đã mở thêm nhiều dịch vụ và với sự tham gia
của các nhà đầu tư nước ngoài, các dịch vụ tài chính, ngân hàng càng nở rộ.
Giai đoạn 2010-2015, dịch vụ tài
chính - ngân hàng đã đóng góp vào GDP cả nước khoảng 5,5%/năm, đứng thứ ba sau
các ngành lưu thông phân phối, bất động sản. Cũng trong 5 năm đó, GDP ngành tài
chính ngân hàng tăng trung bình 7,5%/ năm, năm 2016 đạt 7,8%.
Từ chỗ chỉ hoạt động trong nước,
các dịch vụ tài chính-ngân hàng đã mở rộng thị trường, tham gia xuất khẩu, nhập
khẩu dù kim ngạch còn khiêm tốn, song rất đáng ghi nhận. Quy mô, tốc độ tăng
của xuất khẩu các dịch vụ này tỷ lệ thuận với mức độ đầu tư, thương mại giữa
Việt Nam
với các đối tác. Theo các chuyên gia của Dự án EU-MUTRAP, đến năm 2020 xuất
khẩu dịch vụ tài chính - ngân hàng của Việt Nam sẽ tăng khoảng 50%, nhập khẩu
sẽ tăng 140%.
Việt Nam đã hình thành hệ thống pháp lý
điều chỉnh các hoạt động dịch vụ tài chính - ngân hàng. Trong các doanh nghiệp
dịch vụ, đội ngũ nhân lực gọn nhẹ, đa phần trẻ, đào tạo cơ bản, tinh thông
nghiệp vụ, tiền lương trung bình thuộc nhóm cao, chỉ xếp thứ 3 sau các tổ chức
quốc tế và bất động sản, càng hút được lao động chất lượng.
Tuy vậy, nền tài chính - ngân
hàng nước nhà còn không ít bất cập. Nội hàm “dịch vụ” chưa hoàn toàn đúng nghĩa
thị trường. Vốn liếng đã ít, lại phải căng ra nhiều mục tiêu, vấn đề nào cũng
cấp bách. Hạn chế trong quản lý dẫn tới tổn thất rất khó được khắc phục triệt
để. Với những hạn chế này, ngành tài chính, ngân hàng khó trách khỏi bị “rung
lắc với biên độ lớn” trong những cơn suy thoái kinh tế, khủng hoảng tài chính
toàn cầu.
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam -
EU (Hiệp định EVFTA) mở ra cơ hội thúc đẩy tự do hóa cho hai bên tiếp cận thị
trường của nhau, trong đó có thị trường tài chính -ngân hàng. Cam kết của EU
đối với Việt Nam
cao hơn cam kết của EU trong WTO, tương đương với mức cao nhất của EU trong các
FTA gần đây của Khối Kinh tế khổng lồ này. Cam kết của Việt Nam đối với EU cũng cao hơn cam kết của Việt Nam trong WTO, ít nhất là ngang bằng với độ mở
tối đa mà Việt Nam
thỏa thuận với các đối tác trong các FTA khác. Nội dung chính của các cam kết
là: Tăng cường tiếp cận thị trường (gắn với việc tăng cường kết nối trong chuỗi
cung ứng hàng hóa và quy mô giao dịch); nâng cao trình độ quản trị của các nhà
cung ứng dịch vụ; đa dạng hóa các dịch vụ tài chính; gia tăng dịch vụ tài chính
gắn với kiều hối; tiết giảm chi phí; tăng năng lực cạnh tranh; cải thiện quan
hệ giữa các nhà cung cấp dịch vụ tài chính -ngân hàng của hai bên...
Với tiềm năng, bề dày kinh
nghiệm, EU sẽ hỗ trợ kỹ thuật để Việt Nam tận dụng các cơ hội nói trên.
Từ đó, Việt Nam
vừa thêm nguồn vốn ngoại vừa được cải thiện năng lực điều hành, quản trị kinh
doanh; nâng cao năng lực; chia sẻ thông tin; hợp tác xây dựng chính sách. Các
cơ hội cũng từ đó lan tỏa tới thương mại, sản xuất, đầu tư, du lịch…, tạo sung
lực mới phát triển kinh tế - xã hội. Song, do sự “non trẻ” của nền tài chính-ngân
hàng nước nhà, việc lường trước những thách thức là cần thiết.
Việc hạn chế giao dịch ngoại hối
sẽ được thay bằng tự do hóa dòng chảy của vốn. Các nhà đầu tư EU có thể rút vốn
đột ngột, không giới hạn khi nền kinh tế nước ta xuất hiện bất ổn. Sản phẩm,
dịch vụ tài chính, ngân hàng đa dạng, phức tạp, khó phân định biên giới, nên
các nhà cung cấp dịch vụ của EU dễ dàng “tạm biệt” Việt Nam tìm “bến đỗ” mới.
Khi đó, như con thuyền nhỏ giữa
“đại dương” kinh tế toàn cầu, tiềm ẩn biến động khó lường khiến nền kinh tế
nước ta khó tránh khỏi “tròng trành”.
Khi mở cửa thị trường này, các
công ty Việt Nam
phải chấp nhận sự cạnh tranh bình đẳng giữa các tổ chức tín dụng nội địa và
giữa khối tín dụng quốc nội với các tổ chức tín dụng nước ngoài. Vốn liếng của
các ngân hàng thương mại trong nước còn thấp so với các ngân hàng ngoại quốc,
còn thêm các khoản nợ không nhỏ, làm khó việc cổ phần hóa các ngân hàng theo lộ
trình hoàn thiện cơ chế thị trường.
Mở cửa thị trường là việc tất
yếu, không thể trì hoãn trong tiến trình hoàn thiện cơ chế thị trường, trong đó
thị trường tài chính, tiền tệ sẽ là một trong những cốt lõi. Để khai thác tốt
cơ hội từ việc mở cửa thị trường này theo Hiệp định EVFTA, trong một báo cáo
nghiên cứu, các chuyên gia Dự án EU-MUTRAP đã đề xuất lộ trình triển khai phù
hợp với thực tiễn Việt Nam,
bao gồm:
- Cải thiện năng lực cạnh tranh,
không chỉ qua giá cả, chất lượng dịch vụ, mà còn trên mức độ sẵn sàng, tính đa
dạng của dịch vụ, tính chuyên nghiệp của đội ngũ nhân lực... Tập trung khai
thác thị trường ở các trung tâm kinh tế, đồng thời hướng “ăng ten” đến thị
trường nông thôn, địa bàn khó khăn.
- Đẩy nhanh cổ phần hóa, tái cấu
trúc hệ thống. Kiên quyết đổi mới quản trị kinh doanh, quản trị rủi ro, năng
lực tài chính, xây dựng những điều kiện tín dụng mới, tạo thuận lợi cho mọi
doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, nhất là vốn cho các mục tiêu trọng điểm quốc
gia, đi đôi với việc áp dụng các chế tài kiểm hạn chế, tiến tới xóa bỏ tín dụng
“dễ dãi”, tự nó “hạ phẩm cấp“ của nó, thậm chí thành nợ khê đọng.
- Áp dụng chuẩn mực quốc tế trong
khi vận hành các dịch vụ, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
- Ưu tiên hoàn thiện cơ chế tài
chính, tiền tệ theo quy luật thị trường minh bạch, bình đẳng cho mọi đối tượng
tham gia thị trường.
Nguồn: Baocongthuong.com.vn