Công văn cho biết, tại văn bản điểm một số tin kinh tế-xã hội ngày 22/8/2017 phản ánh nội dung, trong 7 tháng qua, Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩn Mỹ (FDA) đã có 32 lệnh cảnh báo đối với doanh nghiệp Việt Nam có hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ, do doanh nghiệp không nắm bắt kịp thời, chưa thích ứng được với thay đổi chính sách nhập khẩu của Mỹ. Hàng loạt doanh nghiệp đang xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ đã bị loại khỏi thị trường do không kịp thời đáp ứng những quy định mới.
Về nội dung này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên tìm hiểu, nắm bắt những thay đổi trong chính sách, quy định nhập khẩu của Mỹ và tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến đầy đủ, kịp thời đến các cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp liên quan để có biện pháp ứng phó hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Theo quy định mới trong Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm, tất cả các nhà máy đăng ký phải gia hạn đăng ký sau mỗi hai năm, bắt đầu từ năm 2016, trong khoảng thời gian từ ngày 1/10 đến 31/12. Trong tháng 12/2016, có 1.845 nhà máy thực phẩm ở Việt Nam đăng ký với FDA để xuất khẩu vào thị trường Mỹ, nhưng trong 1/2017 con số này chỉ còn 806 nhà máy.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến kết quả trên, ông Mark Gillin, Phó Chủ tịch AmCham Vietnam cho hay, do có hơn 1.000 công ty Việt Nam không biết quy định mới này, đã không gia hạn đăng ký, nên rớt khỏi danh sách và hiện nay họ không thể xuất khẩu hàng vào Mỹ.
Song song đó, doanh nghiệp Việt Nam cũng "lúng túng" khi nắm bắt kịp thời những thay đổi về tiêu chuẩn hàng hóa do FDA cập nhật.
Một số nghiên cứu, khảo sát của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, cho thấy hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ liên tục gặp rào cản, mặc dù các đơn vị sản xuất kinh doanh tại Việt Nam đã áp dụng tuân thủ Luật hiện đại hóa an toàn về vệ sinh thực phẩm của FDA, nhưng trên thực tế vẫn chưa bắt kịp hết những quy định mới này. Do đó, ngày càng nhiều doanh nghiệp vướng Luật này và nằm trong danh sách cảnh báo của Mỹ.
Doanh nghiệp Việt Nam nên chú trọng đẩy mạnh những tiêu chuẩn, quy định liên quan đến chất lượng thực phẩm, an toàn thực phẩm, giá trị dinh dưỡng và phát triển bển vững. Trong đó, cần có các chính sách rõ ràng để thúc đẩy an toàn thực phẩm, thực hành tốt về chăn nuôi, kiểm soát chặt điều kiện vệ sinh và môi trường chăn nuôi. Đồng thời, có các quy định nghiêm ngặt về sử dụng thuốc trong chăn nuôi, chăm sóc vật nuôi theo tiêu chuẩn quốc tế, học hỏi phương pháp chăn nuôi từ thị trường thành công.
Theo các chuyên gia, nếu làm được những điều này sẽ không chỉ giúp mở cửa thị trường thực phẩm Mỹ mà còn tạo điều kiện cho các sản phẩm thực phẩm sản xuất tại Việt Nam tiếp cận được nhiều thị trường xuất khẩu lớn và đa dạng khác.
Nguồn: Quang Lộc/Báo Công Thương điện tử