Đó là thông tin được ông Hồ Tỏa Cẩm, Tham tán tương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại VN đưa ra tại Lễ khánh thành Tổ hợp sản xuất và chế biến thịt heo công nghệ quốc tế Nhà máy Biển Đông DHS (Nam Định) ngày 4-11.
Ông Hồ Tỏa Cẩm cho biết, người dân Trung Quốc đã bắt đầu quen với việc tiêu thụ thịt heo từ VN và cho biết thịt heo VN thơm ngon hơn với thịt heo nuôi tại Trung Quốc. Đó là một cơ hội lớn cho ngành chăn nuôi và xuất khẩu thịt của VN trong thời gian tới.
Dù mới xuất khẩu theo đường tiểu ngạch nhưng theo số liệu từ cơ quan chức năng Trung Quốc thì chỉ trong năm 2016, VN đã xuất khẩu sang Trung Quốc trên 5 triệu con heo, tương đương 600.000 tấn, với giá trị trên 1 tỉ USD.
VN chưa thể xuất khẩu chính ngạch heo và thịt heo sang Trung Quốc là do dịch bệnh lở mồm long móng. "Tuy nhiên tôi được biết thì dịch bệnh này ở VN cơ bản đã được kiểm soát. Thời gian đầu hai nước có thể thành lập một vùng kiểm soát dịch bệnh ở biên giới để tập trung heo.
Trong thời gian cách ly cơ quan chức năng Trung Quốc sẽ kiểm soát và đánh giá, nếu không có nguy cơ lây bệnh thì sẽ cho phép nhập khầu vào nội địa. Về lâu dài, việc xây dựng những vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh và các nhà máy chế biến công nghệ cao như Biển Đông sẽ có nhiều cơ hội xuất khẩu thịt heo tươi và thịt heo chế biến vào Trung Quốc", ông Cẩm cho biết.
Theo ông Gabor Fluit, Tổng giám đốc khu vực châu Á của Tập đoàn He Heus (Hà Lan), hiện có nhiều đối tác từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia… muốn nhập khẩu thịt heo từ VN. Việc hợp tác đầu tư nhà máy chế biến thịt heo Biển Đông là bước tiếp theo trong quá trình thực hiện kế hoạch đưa thịt heo VN ra thế giới.
Hiện chuỗi liên kết do De Heus phát triển đã đạt chuẩn VietGAP với quy trình quản lý nghiêm ngặt về tất cả các yếu tố đầu vào và truy xuất nguồn gốc.
"Về giá thành và kiểm soát chất lượng thì VN có thể cạnh tranh xuất khẩu với các nước trong khu vực, còn lại là vấn đề xây dựng vùng an toàn dịch bệnh và việc mở cửa thị trường từ các cơ quan nhà nước. Cơ hội để xuất khẩu thịt heo đông lạnh và thịt heo chế biến của VN là rất lớn", ông Gabor Fluite nói.
Theo Bộ NN&PTN, hiện VN đã xây dựng được 155 vùng an toàn dịch bệnh để phục vụ cung cấp các sản phẩm chăn nuôi an toàn và chất lượng cao. Đây cũng là những vùng chăn nuôi cơ sở cho các chuỗi liên kết từ sản xuất con giống, thức ăn chăn nuôi, quản lý chuồng trại, giết mổ, chế biến ra các sản phẩm thịt chất lượng cao phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Nguồn: Trần Mạnh/Tuổi trẻ