Dệt may là ngành có lưu lượng xuất nhập khẩu hàng hóa khá lớn với trên 1 triệu tấn bông, 2 triệu tấn xơ sợi và hàng trăm ngàn container vải, nguyên phụ liệu, hàng may mặc mỗi năm, vì vậy chi phí logistics khá lớn.
Tuy nhiên, theo ông Trương Văn Cẩm - Tổng thư ký Vitas, chi phí logistics của Việt Nam hiện cao hơn các nước trong khu vực, cụ thể so với Thái Lan cao hơn 6%, Trung Quốc 7%, Malaysia 12% và cao gấp 3 lần Singapore. Nguyên do, quy định về phí và lệ phí của Nhà nước về logistics còn ở mức cao. Trong nước, doanh nghiệp (DN) logistics nội chiếm 80% về số lượng nhưng chỉ chiếm khoảng 20% thị phần và đang phải cạnh tranh quyết liệt với các hãng tàu nước ngoài. Do đó đã có tình trạng hãng tàu nước ngoài tăng phí bất hợp lý, tác động trực tiếp tới giá thành sản xuất và sức cạnh tranh của DN dệt may.
Chia sẻ với báo giới bên lề hội thảo, ông Đặng Trung Thành - Phó Chủ tịch VLA cho hay: Chi phí logistics là một cấu thành của sản phẩm và đóng vai trò quan trọng trong khả năng cạnh tranh của DN Việt Nam, trong đó có DN dệt may. Năm 2017, ngành dệt may dự kiến đạt khoảng 30 tỷ USD giá trị xuất khẩu, trong đó chi phí logistics sẽ chiếm khoảng 9,1% với khoảng 2,79 tỷ USD. Đây là con số không hề nhỏ, sẽ ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của hàng dệt may Việt Nam, nhất là trong bối cảnh ngành đang phải cạnh tranh với một số quốc gia mới phát triển mạnh như: Campuchia, Ấn Độ, Bangladesh…
Trước những bất cập trên, ông Đặng Trung Thành cũng khuyến cáo: Đặc thù của ngành dệt may là có tới 80% DN sản xuất gia công, có quy mô vừa và nhỏ. Các DN có thể xem xét tới khả năng mua chung nguyên phụ liệu nhằm giảm chi phí vận chuyển. Cùng đó thay đổi tập quán kinh doanh, chuyển nhập khẩu nguyên phụ liệu từ hình thức CIF (DN vận chuyển chủ động đàm phán cước quốc tế, nhà sản xuất chỉ nhận hàng), sang hình thức FOB (nhà sản xuất chủ động chỉ định dịch vụ vận chuyển và cước quốc tế). Điều này giúp cho DN kiểm soát được giá thành, chi phí, thời gian và bảo đảm kế hoạch sản xuất.
Trên thực tế, đã có những DN dệt may lớn chủ động tìm giải pháp và đã thành công trong việc tiết giảm chi phí logistics, Tổng công ty CP May Nhà Bè là một điển hình. Ông Nguyễn Thành Chung - Trưởng bộ phận NBC logistics - Tổng công ty CP May Nhà Bè chia sẻ: Trước đây bình quân DN phải trả phí vận chuyển 100 USD/khối cho hàng hóa gom về từ Hong Kong, Trung Quốc, Ấn Độ. Sau khi thành lập bộ phận chuyên về logistics, hàng hóa từ các thị trường này được gom lại thành từng container và đưa về. Như vậy, thay vì phải trả 1.000 USD cho 10 lô hàng, hiện Nhà Bè chỉ mất từ 160-170 USD cho 10 lô. Sau 5 năm thành lập, bộ phận logistics đã giúp công ty tiết kiệm được từ 12-14 tỷ đồng mỗi năm.
“ Với kinh nghiệm có được trong lĩnh vực logistics, chúng tôi mong muốn được hợp tác với các DN trong ngành để cùng tiết giảm chi phí, đặc biệt tăng sức cạnh tranh trên thị trường”, ông Nguyễn Thành Chung nói.
Ông Trương Văn Cẩm - Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam:
Vitas và VLA đã ký biên bản hợp tác và cùng kiến nghị Nhà nước về quy định phí cảng biển; kiểm soát hãng tàu nước ngoài để tránh tình trạng tăng chi phí bất hợp lý… tạo thuận lợi cho DN trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nguồn: Việt Nga/Báo Công Thương điện tử