Theo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về tình hình, giải pháp quản lý, phát triển thị trường bán lẻ và dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 23/2007/NĐ-CP, Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu, có giải pháp khuyến khích, hỗ trợ DN phân phối bán lẻ trong nước phát triển…
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, đến hết năm 2016, các DN FDI chiếm 70% thị phần bán lẻ qua cửa hàng tiện lợi; khoảng 17% thị phần qua trung tâm thương mại, siêu thị; 15% thị phần qua siêu thị mini và khoảng 50% thị phần qua các hình thức bán hàng trực tuyến, truyền hình, điện thoại…
Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội - chia sẻ, mặc dù con số 17% thị phần trung tâm thương mại, siêu thị và 15% thị phần siêu thị mini không phải quá cao nhưng áp lực đang đè lên vai DN bán lẻ trong nước khi các tập đoàn nước ngoài đang nắm hàng loạt siêu thị lớn sau những thương vụ mua bán sáp nhập (M&A).
Trong bối cảnh đó, kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ về tìm giải pháp khuyến khích các DN bán lẻ trong nước phát triển được nhận định là kịp thời trong giai đoạn hiện nay, tạo cơ hội lớn cho các DN bán lẻ. Tuy nhiên, kết luận này cần được cơ quan chức năng hiện thực hóa thành các cơ chế chính sách cụ thể, thiết thực chứ không phải là các giải pháp chung chung.
Ông Vũ Vinh Phú cho rằng, quan trọng nhất là cần quan tâm đến công tác quy hoạch theo hướng tạo quỹ đất cho các DN bán lẻ thuê để xây dựng hệ thống phân phối. Đồng thời tạo điều kiện cho các DN bán lẻ tiếp cận với nguồn vốn với lãi suất ưu đãi. Ông Phú nhấn mạnh: “Các DN bán lẻ Thái Lan, Hàn Quốc… không những có nguồn vốn lớn từ công ty mẹ mà còn được hưởng chế độ vay ưu đãi từ ngân hàng của quốc gia họ với lãi suất gần như bằng 0%. Trong khi đó, các DN bán lẻ Việt hiện phải vay vốn với lãi suất 8-10%. Như vậy, ta không những thua về năng lực quản lý, kinh nghiệm kinh doanh mà còn thua luôn ở chi phí sản xuất”.
Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cũng cho rằng, hiện đủ sức cạnh tranh với các DN nước ngoài là VinGroup và Saigon Coopmart. Do đó, cần tạo cơ chế, điều kiện để đẩy mạnh liên kết giữa các DN bán lẻ nhằm xây dựng được nhiều hơn những DN đủ mạnh, có khả năng dẫn dắt các DN nhỏ. Có như vậy thì DN bán lẻ mới “thắng” trên sân nhà.
Song song với những hỗ trợ từ nhà nước, theo các chuyên gia, chính các DN bán lẻ phải tự mình vươn lên, nâng cao sức cạnh tranh. Ông Phú đặt câu hỏi: Tại sao giá bán hàng hóa trong siêu thị luôn cao hơn giá bán ở chợ truyền thống? Ngoài những lý do như chi phí thuê mặt bằng, nhân công cao còn do DN bán lẻ chưa xây dựng được những chuỗi sản xuất khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ.
“Năm 2016, VinGroup có cách làm táo bạo là bán hàng không chiết khấu cho 250 DN trong 1 năm. Đây không những là cách làm thương hiệu cực tốt mà còn giúp DN chủ động nguồn hàng, giá bán và duy trì nguồn hàng ổn định cho những năm tiếp theo. Nắm được nguồn hàng chất lượng tốt, giá từ nguồn là chìa khóa giúp DN bán lẻ chiếm lĩnh được thị trường” - ông Vũ Vinh Phú khẳng định.
Theo Bộ Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội năm 2016 đạt 3,53 triệu tỷ đồng, tăng 10,2% so với 2015. Trong đó, riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 2,67 triệu tỷ đồng, chiếm 75,9% tổng mức tăng. Với sức mua lớn, Việt Nam vẫn được đánh giá là một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới.
Nguồn: Báo Công Thương điện tử