Đề cập đến kết quả Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vừa diễn ra tại Rome (Italy), báo Le Monde có bài viết "G20 phát đi tín hiệu hỗn hợp trong cuộc chiến chống lại tình trạng nóng lên toàn cầu". Thông cáo cuối cùng của hội nghị tái khẳng định các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, trong đó thừa nhận tầm quan trọng của trung hòa carbon, chấm dứt việc cấp tài chính công cho các nhà máy nhiệt điện than mới bên ngoài biên giới, nhưng các nước thành viên không đưa ra bất cứ cam kết nào về mục tiêu khí thải của họ.
Những tín hiệu quan trọng
Từ khủng hoảng này đến khủng hoảng khác, từ hội nghị thượng đỉnh này đến hội nghị cấp cao khác, các bên tham gia Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) khai mạc ngày 31/10 ở Glasgow, đã dành cả ngày để theo dõi các cuộc đàm phán cuối cùng của G20 tại Rome. Họ hy vọng được thấy một tín hiệu thuận lợi cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, mà một nửa sẽ được thực hiện bởi 20 nền kinh tế lớn nhất hành tinh vốn chịu trách nhiệm cho 80% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu.
Hội nghị khí hậu của Liên hợp quốc (LHQ), nơi có đại diện của 196 quốc gia và vùng lãnh thổ và hơn 30.000 đại biểu đã hội tụ nhằm nỗ lực đẩy nhanh cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu, vốn đang trở nên tồi tệ hơn chưa từng thấy. Sau hai ngày hội nghị thượng đỉnh G20, các nguyên thủ quốc gia và chính phủ của G20 đã tìm được một thỏa hiệp có khả năng tạo ra động lực tối thiểu cho COP26, bất chấp những rạn nứt hiện tại vốn càng trầm trọng hơn bởi đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, để tránh làm phức tạp tình hình, có những vấn đề đã bị bỏ qua dẫn đến khó khăn cho các cuộc tranh luận của hội nghị khí hậu toàn cầu. Và vì vậy, những cam kết được đưa ra tại Rome có thể không đủ để mang lại hy vọng thực sự cho COP26.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres thừa nhận trên Twitter: "Tôi hoan nghênh cam kết mới của G20 đối với các giải pháp toàn cầu, nhưng tôi rời Rome với những hy vọng vụt tắt ngay cả khi chúng không bị chôn vùi". Thủ tướng Anh Boris Johnson - quốc gia đang chủ trì COP26, bày tỏ quan điểm: "Chúng tôi đã đạt được tiến bộ phải chăng tại G20, nhưng vẫn chưa đủ. Nếu Glasgow thất bại, thì tất cả là thất bại".
Thông cáo báo chí cuối cùng của G20 đã tái khẳng định các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, đó là "giữ cho nhiệt độ Trái Đất tăng trung bình dưới 2°C và tiếp tục nỗ lực để giới hạn mức tăng chỉ 1,5°C trên mức tiền công nghiệp".
Thông cáo cũng khẳng định rằng các tác động của biến đổi khí hậu ở mức 1,5°C sẽ thấp hơn mức 2°C rất nhiều và việc giới hạn trong tầm 1,5°C sẽ đòi hỏi tất cả các nước cùng phải có hành động và cam kết ý nghĩa và hiệu quả. Thông cáo nhấn mạnh rằng trong thập kỷ này, cần thiết phải "tiến hành các biện pháp mới".
Các nhà lãnh đạo G20 cũng lần đầu tiên công nhận tầm quan trọng của việc đạt được mục tiêu trung hòa carbon trong thời gian "từ nay đến khoảng" giữa thế kỷ. Nếu không đạt được một triển vọng cụ thể đến năm 2050 như mong muốn của Thủ tướng Italy Mario Draghi, nước chủ nhà của hội nghị G20, thì đó chưa phải là một bước tiến. Có 17/20 đại diện quốc gia tham dự Hội nghị nhất trí với triển vọng đạt mục tiêu trung hòa khí thải này, nhưng ở thời hạn khác nhau (2045, 2050, 2053 hoặc 2060).
Helen Mountford, Phó Chủ tịch phụ trách khí hậu và kinh tế tại Viện tài nguyên thế giới (một trung tâm tư vấn của Mỹ), nhận xét: "Chỉ vài năm trước, việc có 90% các nước G20 đưa ra mục tiêu như vậy là điều không thể tưởng tượng. Điều quan trọng hiện nay là các nước cần đặt ra các mục tiêu về khí hậu cho năm 2030 để vạch định hướng đi thực tế đáp ứng các cam kết giảm phát thải bằng 0 này. Tuy nhiên, rất tiếc đây không phải là trường hợp của Australia, Nga, Trung Quốc, Saudi Arabia, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ".
Các nước G20 cũng đã nhất trí ngừng cung cấp tài chính công cho các nhà máy nhiệt điện than mới nằm ngoài biên giới quốc gia từ nay đến cuối năm 2021. Sau khi Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7) đưa ra quyết định tương tự vào tháng Bảy, đến lượt G20 chấm dứt tài trợ quốc tế cho các nhà máy điện mới.
Theo Tổ chức Giám sát Năng lượng Toàn cầu, sẽ có 48 GW nhiệt điện than mới không còn nhận nguồn cung cấp tài chính, giúp giảm 230 triệu tấn CO2 mỗi năm, ít hơn một chút so với lượng phát thải hàng năm của Tây Ban Nha.
Các vấn đề còn tồn tại
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là G20 đã thất bại trong việc đặt ra mục tiêu ngừng xây dựng các nhà máy nhiệt điện trong nước và loại bỏ dần các nhà máy hiện có. Đề xuất này đã bị Saudi Arabia kịch liệt phản ứng. Nhiều quốc gia, nhất là các nước mới nổi như Trung Quốc chẳng hạn, vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn năng lượng này để sản xuất điện, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng toàn cầu hiện nay.
G20 cũng không thể chấm dứt trợ cấp cho các nhiên liệu hóa thạch (đạt 3.300 tỷ USD từ năm 2015 đến năm 2019), như yêu cầu được Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nhắc lại nhiều lần. Tuy nhiên, lần đầu tiên nhóm nước này thừa nhận "phần trách nhiệm đáng kể" của metan (một loại khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh hơn nhiều so với CO2) đối với biến đổi khí hậu và sự cần thiết phải giảm thiểu loại khí thải này.
Cuối cùng, về chủ đề tài chính, hội nghị một lần nữa cam kết huy động 100 tỷ USD mỗi năm cho đến năm 2025 để giúp các nước Nam bán cầu đối phó với hậu quả của biến đổi khí hậu. Cam kết này đáng lẽ phải được thực hiện từ năm 2020, nhưng trừ khi có các thông báo khác được đưa ra tại COP26, các nước giàu dự kiến sẽ chỉ thực hiện từ năm 2023, gây ra căng thẳng gay gắt với các nước đang phát triển.
Nếu các cuộc thảo luận tại COP26 thất bại, vấn đề tài chính này có thể khiến rạn nứt giữa các nước phát triển và các nước mới nổi hoặc nước nghèo càng trở nên sâu sắc thêm. Alok Sharma, Chủ tịch COP26 và cựu bộ trưởng trong chính phủ của ông Boris Johnson, nhận xét tại Glasgow: "Các nước đang phát triển coi đó (cung cấp tài chính) là bằng chứng không thể thiếu cho thấy sự đáng tin cậy của các nước giàu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu".
Jennifer Morgan, Giám đốc điều hành của tổ chức Hòa bình xanh quốc tế (GPI), cho rằng "nếu G20 là một cuộc tổng duyệt cho COP26 thì các nhà lãnh đạo thế giới đã bỏ lỡ dấu ấn của họ. Tuyên bố của họ thật yếu ớt, thiếu cả tham vọng lẫn tầm nhìn".
Cựu Tổng thống Maldives Mohamed Nasheed bày tỏ quan điểm: "Các cam kết của G20 "đều được hoan nghênh, nhưng chúng sẽ không giữ được mục tiêu tăng nhiệt độ chỉ ở mức 1,5°C và cũng không ngăn được các khu vực rộng lớn trên hành tinh, chẳng hạn như Maldives, bị ảnh hưởng bi thảm".
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhận định trước khi rời Rome: "Tình hình có thể đã tồi tệ hơn rất nhiều. G20 lần này cho phép chúng ta cùng kiến tạo một bước tiến, chúng ta đang ở vị trí tạo nên thành công cho Glasgow".
Ông Macron cho rằng với thỏa thuận về việc đánh thuế các công ty đa quốc gia, tiến bộ trong cơ chế chia sẻ vaccine hay chủ trương khôi phục các nền kinh tế châu Phi sau cú sốc đại dịch COVID-19, hội nghị thượng đỉnh lần này đã minh họa cho "chủ nghĩa đa phương hữu ích", bất chấp trở ngại từ các tổ chức quốc tế, chẳng hạn như LHQ, do căng thẳng giữa các cường quốc, dẫn đầu là Mỹ và Trung Quốc./.

Nguồn: Nguyễn Tuyên (TTXVN Tại Paris)/BNEWS