Tại hội thảo “Thị trường đồ uống năm 2017 và dự báo xu hướng 2018” vừa diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, ông Việt cho biết, ngành đồ uống không phải là ngành có từ lâu đời ở nước ta, nhưng hiện đã hội nhập cực tốt và có trình độ gần như tương đương các nước khu vực và thế giới với những nhà máy sản xuất rất hiện đại.
Theo ông Việt, ngành đồ uống hiện đã và đang phát triển ổn định, bền vững, đáp ứng được nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Ngành cũng đang có những đóng góp tích cực cho xã hội như giải quyết lao động trực tiếp cho khoảng 50.000 người, đồng thời tác động gián tiếp đến nhiều ngành khác như vận tải, mía đường… và có đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước.
Cụ thể, trong năm 2016, ngành nộp ngân sách khá cao với số tuyệt đối khoảng 48.313,7 tỷ đồng, tăng trưởng 40%. Trong đó, các DN sản xuất bia đóng góp chủ yếu với khoảng 45.299,2 tỷ đồng; rượu 1.130,7 tỷ đồng và nước giải khát 1.883,8 tỷ đồng.
“Con số trên có thể tương đương với những ngành lớn như dầu khí. Rõ ràng, đây là ngành bằng sức lao động, bằng vay vốn, bằng tự đầu tư, tự phát triển bằng vốn tự có sản xuất ra sản phẩm cung cấp, phục vụ cho xã hội”, ông Việt nói.
Phân tích từng lĩnh vực, Chủ tịch VBA cho biết, ngành Bia từ năm 2014 đến nay có tốc độ phát triển trung bình là 5% đến 8%. Trong đó, năm 2014 tăng chỉ 3,1%; năm 2015 tăng 10,3% và năm 2016 tăng 9,3%. Riêng 8 tháng đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái là 5,1%.
Còn đối với rượu, từ năm 2011 đến năm 2015 tốc độ tăng trưởng bình quân là -0,9%/năm. Tức là nhà nước không tăng thu được thuế. Đó là do Nhà nước ban hành nhiều chính sách nhằm hạn chế sự phát triển tiêu dùng mặt hàng rượu, và những chính sách này đã phát huy hiệu quả.
Riêng ngành nước giải khát, đây là ngành có tỷ lệ tăng trưởng tốt, bình quân 2011-2015 đạt trung bình 6,6%/năm. Đây cũng là ngành có nhiều tương đồng với ngành Bia, được xem là ngành công nghiệp trẻ, là thị trường tiềm năng cho các tập đoàn, DN lớn với những yếu tố thuận lợi như: Khí hậu phù hợp, thị trường tốt với hơn 100 triệu dân nhu cầu cao. Đây cũng là ngành mà công tác đầu tư bền vững được chú trọng, các nhà máy đạt tiêu chuẩn ISO.
Trong 3 lĩnh vực trên, ông Việt dự báo tăng trưởng ngành bia sắp tới sẽ ở mức thấp hơn do bị tác động bởi sự thay đổi về chính sách. Do đó, người đại diện ngành Bia – Rượu – Nước giải khát đã kiến nghị, việc xây dựng chính sách cần mang tính ổn định, lâu dài (ít nhất là 10 năm); mỗi chính sách trước khi đưa ra thực tế cần đánh giá các tác động tránh ảnh hưởng lên DN; công tác quản lý nhà nước cần bám sát thực tế kinh tế xã hội; các dự thảo chính sách mới nên tập trung tháo gỡ khó khăn và cần có sự linh hoạt, tạo điều kiện phát triển cho DN.
“Chúng ta đã có sửa đổi về Luật Đầu tư và việc Bộ Công thương giảm các điều kiện kinh doanh là rất tốt, nhưng cần giảm nhiều hơn nữa nếu việc giảm này không ảnh hưởng đến các mục tiêu quan trọng…”, ông Việt nêu kiến nghị tại hội thảo.
Nguồn: Đỗ Doãn/Thời báo Tài chính Việt Nam