Dạo qua các phố lịch truyền thống của Hà Nội như Nguyễn Xí, Đinh Lễ hay một số cửa hàng sách báo tại phố Hàng Trống, không khó để nhận ra sự im ắng của các dãy phố này khi người xem hay mua rất ít ngay cả khi các sản phẩm lịch được giảm giá khá mạnh khi thời gian đến Tết dương lịch 2018 và Tết âm lịch Mậu Tuất 2018 được tính dần bằng ngày.
Lý giải cho điều này, chủ một điểm bán lịch tại phố Hàng Trống cho biết, mấy năm gần đây khách đi mua có tâm lý chờ đến giáp Tết âm lịch mới mua, vì vậy mà số lượng tiêu thụ lịch ở cửa hàng năm nay cũng giảm mạnh hơn so với mọi năm. Một lý do là việc hiện người dân thường xuyên sử dụng lịch điện tử thay lịch giấy nên số lượng lịch giấy bán cũng rất khó khăn mặc dù giá không tăng so với mọi năm trong khi điểm bán hàng đã chiết khấu đáng kể cho khách.
Thêm vào đó các phương tiện điện tử hiện đại như điện thoại thông minh, máy tính bảng, đồng hồ… đã tích hợp lịch truyền thống với các tiện ích như đổi ngày âm dương, tiết khí, lịch sao, ngày hoàng đạo - hắc đạo, hướng xuất hành, lịch vạn sự, thậm chí cả văn khấn đã mang lại rất nhiều tiện ích cho người sử dụng khiến việc mua lịch giấy giờ không còn được quan tâm như trước.
Các loại lịch tờ 4 - 6 - 12 truyền thống với các chủ đề quen thuộc “chim - hoa - cá - gái” năm nay gần như “tuyệt chủng” trên thị trường và vắng bóng hẳn theo lời chị Hoa, chủ một tiệm sách văn hóa phẩm tại phố Đinh Lễ. Chúng chỉ còn được các cơ quan đơn vị đặt in với số lượng hạn chế phục vụ cho nhu cầu đối ngoại, quà biếu hay khuếch trương hình ảnh, thương hiệu của đơn vị, công ty. Một chủ xưởng in ở quận Cầu Giấy cho biết, hiện cơ sở in của anh rất ngại các đơn hàng này với lý do “không bõ” khởi động dây chuyền in vài chục tỷ mà cơ sở của anh lắp cách đây nửa năm.
Thay thế các loại lịch tờ là loại lịch block tràn ngập trên thị trường, từ các loại tiểu, trung đến block đại và cực đại với mức giá động từ 70.000 - 200.000 đồng. Các loại block này được thiết kế theo nguyên tắc mỗi ngày một tờ, trên đó có in các sản phẩm văn hóa như thơ, thư pháp, tranh, ảnh chủ để văn hóa dân tộc với ngôn ngữ design khá hiện đại, màu sắc bắt mắt. Đặc biệt nhiều chủ đề mới như bảo vệ môi trường, sự hội nhập giao thoa văn hóa cổ truyền và hiện đại, tình cảm gia đình, không gian tâm linh, du lịch đã được thiết kế tạo những xúc cảm văn hóa mới.
Theo quy luật thị trường, thị trường lịch Tết đang ngày càng thu hẹp dần và khắc nghiệt hơn do trong bối cảnh công nghệ hiện đại người tiêu dùng đòi hỏi những sản phẩm độc đáo, hấp dẫn hơn. Bên cạnh các nhà xuất bản truyền thống, hiện rất nhiều công ty, doanh nghiệp muốn khẳng định thương hiệu nên có xu hướng lựa chọn lịch độc quyền hơn. Một số công ty đã đầu tư đội ngũ thiết kế, in ấn, hàng năm để cho ra bộ lịch độc quyền để biếu, tặng khách hàng hoặc gửi cho một đơn vị in độc lập, giá cả cạnh tranh.
Trong bối cảnh đó nhiều đơn vị đã đầu tư công sức cho ra mắt những bộ lịch “không đụng hàng”. Một trong số này là bộ lịch “cửu niên” từ 2018-2026 do Trung tâm Dịch thuật, dịch vụ văn hóa và khoa học - công nghệ CTCS ấn hành. Đây là bộ lịch khá độc đáo từ trước tới nay, vừa có giá trị tra cứu 5 loại lịch (dương lịch, âm lịch, can chi, tiết khí, nhị thập bát tú) vừa có giá trị thưởng thức nghệ thuật hội họa từ các bức tranh Truyện Kiều. Bộ lịch dày 56 trang, chứa đựng 27 bức tranh vẽ về cuộc đời, số phận của nàng Kiều dựa theo kiệt tác Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du.
Nguồn: Quang Lộc/Báo Công Thương điện tử