“Cầu nối” tăng tốc xuất khẩu
Hiện nay, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có FTA với 60 nền kinh tế, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của Việt Nam mở rộng tiếp cận thị trường, là cơ hội để Việt Nam kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu. Bên cạnh đó, Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 17 FTA, trong đó có 3 FTA thế hệ mới đang thực thi.
Theo Bộ Công Thương, sau hơn 3 năm thực hiện CPTPP và hơn 2 năm thực hiện EVFTA, các FTA này đã có những tác động rất tích cực đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, nhất là từ những thị trường mà Việt Nam chưa từng ký FTA tại châu Mỹ. Chẳng hạn, nhờ CPTPP, xuất khẩu hàng hóa sang Canada, Mexico và Peru đều có mức tăng trưởng từ 25-30%/năm.
Với EVFTA, đây là một trong số ít những hiệp định có tiêu chuẩn rất cao, với tỷ lệ tự do hóa thuế quan về cơ bản trên 90% trong vòng 7 năm thực hiện. Trong giai đoạn đầu thực thi, mặc dù bối cảnh quốc tế không hoàn toàn thuận lợi, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu và các doanh nghiệp Việt Nam, song theo Bộ Công Thương, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt khoảng trên 14% hàng năm. Nhờ EVFTA, các doanh nghiệp không chỉ tập trung vào các thị trường lớn, “cửa ngõ” của EU như Đức, Hà Lan, Pháp… mà còn tiếp cận tốt các thị trường nhỏ hơn như tại Bắc Âu, Đông Âu hay Nam Âu.
Nhận xét về vấn đề này, bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương đánh giá, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang hầu hết các thị trường trong khối EU đều ghi nhận sự tăng trưởng tốt và chứng kiến sự chuyển dịch tích cực; không chỉ tập trung vào các thị trường lớn, mà đã được đẩy mạnh sang các thị trường nhỏ hơn, thị trường ngách. Cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu vào EU cũng có xu hướng mở rộng và đa dạng hóa khi không chỉ các mặt hàng chủ lực đạt tốc độ tăng ấn tượng như: máy móc - thiết bị (43%), giày dép (54%), dệt may (44%), mà kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản cũng đang tăng ở mức rất cao, đáng kể như: cà phê (43,4%), thủy sản (31,6%), rau quả (23,5%), gạo (12,2%)…
Do Anh đã không còn thuộc EU, nên nhờ UKVFTA, nhiều doanh nghiệp đánh giá, đây là “cầu nối” để hàng hóa Việt Nam tăng tốc sang Anh, giúp cán cân thương mại liên tục xuất siêu hàng tỷ USD. Thương vụ Việt Nam tại Anh còn khẳng định, nếu không có UKVFTA, xuất khẩu của Việt Nam sang Anh sẽ khó có mức tăng trưởng ấn tượng, chưa bao giờ thương hiệu Việt Nam và sản phẩm của Việt Nam được người Anh quan tâm như hiện nay, tăng trưởng tùy theo nhóm hàng đều đạt từ 12-19%. Ưu thế cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường Anh so với các sản phẩm cùng loại có xuất xứ từ các nước khác là hơn hẳn.
Nguồn: VCCI
Dư địa còn rất lớn
Bước sang năm mới, xuất khẩu dự báo tiếp tục phục hồi khi các nước dần kiểm soát được đại dịch Covid-19. Xuất khẩu sang các thị trường đối tác trong các FTA sẽ tiếp tục được tăng cường khi các doanh nghiệp đã dần thích nghi với các cam kết của hiệp định cùng thuế nhập khẩu ưu đãi sẽ tiếp tục được xóa bỏ hoặc cắt giảm. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia đã triển khai các gói kích thích kinh tế, kích cầu tiêu dùng, qua đó gia tăng nhu cầu hàng nhập khẩu. Theo đại diện Bộ Công Thương, nếu khai thác tốt FTA thế hệ mới và các thị trường mới, các doanh nghiệp Việt Nam còn rất nhiều dư địa để mở rộng xuất khẩu
Trong CPTPP, Canada là một thị trường phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, với dung lượng nhập khẩu của thị trường này vào khoảng 500 tỷ USD/năm. Canada lại là một quốc gia có tương đối đông dân nhập cư, càng thuận lợi để tăng tiềm năng cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là hàng tiêu dùng, hàng thực phẩm… Mexico cũng là một thị trường có sức mua tương đối lớn với dân số khoảng 120 triệu người và dung lượng nhập khẩu hàng năm khoảng 400 tỷ USD. Tương tự như vậy với thị trường Peru, khoảng 75% các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Peru là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, điều này phù hợp với cách tiếp cận cũng như quy mô của các doanh nghiệp Việt Nam. Với những khả năng còn đề ngỏ này, những đối tác thuộc CPTPP tại thị trường châu Mỹ có thể là “cửa ngõ” giúp Việt Nam thâm nhập sang các thị trường láng giềng như Brazil, Bolivia…
EVFTA đang tạo cơ hội lớn cho xuất khẩu nông-lâm-thủy sản của Việt Nam. EVFTA giúp mở rộng thị trường xuất khẩu với các mặt hàng nông-lâm-thủy sản chiến lược và mang lại lợi thế nhờ cắt giảm thuế quan, đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, EVFTA giúp tạo cơ hội thu hút nguồn đầu tư từ nước ngoài chất lượng cao vào khu vực nông nghiệp tại Việt Nam, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất phù hợp với yêu cầu của thị trường khó tính tại EU nói riêng và thế giới nói chung.
Với UKVFTA, một khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, 18% doanh nghiệp cho biết đã tìm hiểu và biết được những cam kết của UKVFTA có liên quan đến hoạt động kinh doanh. Việc tận dụng UKVFTA thể hiện ở tận dụng ưu đãi thuế quan cũng đạt 17,2% trong năm đầu tiên thực thi Hiệp định. Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO thuộc VCCI, tỷ lệ 17,2% này không phải thấp so với các FTA khác ở năm đầu tiên, nhưng còn nhiều dư địa có thể đạt cao hơn. Nguyên nhân là thị trường Anh có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa mỗi năm lên tới gần 700 tỷ USD, trong khi thị phần của hàng Việt tại Anh mới ở mức 1%.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dù còn nhiều dư địa và đã thu về những kết quả ấn tượng, nhưng những cam kết và quy định tại các FTA thế hệ mới vẫn tương đối mới và phức tạp. Đặc biệt, sau 2 năm chống chọi với đại dịch, kèm thêm khó khăn từ những xung đột giữa EU và Nga, đứt gãy chuối cung ứng… Nhiều doanh nghiệp cũng phản ánh, thị trường EU đang có xu hướng tăng cường áp dụng hàng rào phi thuế quan, siết chặt các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật về môi trường/khí hậu, phát triển bền vững… khiến doanh nghiệp Việt Nam còn lúng túng, chưa tận dụng tối ưu lợi thế.
Do đó, yêu cầu đặt ra với các doanh nghiệp là phải nỗ lực đổi mới chính mình, chuẩn bị kế hoạch bài bản để tận dụng tối đa cơ hội thị trường và ưu thế lớn từ các FTA thế hệ mới. Các doanh nghiệp cần có tầm nhìn dài hạn và chiến lược kinh doanh cho từng mặt hàng cụ thể, từng thị trường mục tiêu; đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, gia tăng các sản phẩm trên các thị trường ngách, có lợi thế cạnh tranh.
TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Nhiều cơ hội song cũng đầy thách thức
Các FTA thế hệ mới đưa ra các chuẩn mực mới là phải mở cửa thị trường rất nhanh, đáp ứng các tiêu chuẩn phi thương mại ngặt nghèo liên quan tới các vấn đề vệ sinh dịch tễ, môi trường sống, nhất là vấn đề khá nhạy cảm như lao động, công đoàn tự do, tạo ra nhiều cơ hội song cũng đầy thách thức đối với phát triển kinh tế, xuất nhập khẩu của Việt Nam. Thương mại, nhất là xuất khẩu của Việt Nam sang EU và các nước trong CPTPP đã tăng trưởng tương đối nhanh bất chấp một yếu tố bất lợi như: một số mặt hàng may mặc chưa được hưởng ưu đãi ngay thậm chí tăng thuế quan khi bỏ GSP (trong EVFTA), đại dịch Covid-19 trong 2 năm qua, chi phí vận tải, logistics tăng mạnh, gián đoạn cung ứng toàn cầu...
Do đó, với những điều kiện bất thường trong nhiều năm thực hiện FTA thế hệ mới, việc đánh giá những kết quả đạt được, nhất là nhận dạng những vấn đề vướng mắc, nguyên nhân cũng như thách thức, cơ hội trong thời gian tới là rất cần thiết để giúp Chính phủ, doanh nghiệp tận dụng tốt hơn các cơ hội do các FTA này mang lại và vượt qua những thách thức trong một thế giới bất định, đầy cú sốc như gần đây.
Ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Cần thay đổi phương thức hỗ trợ doanh nghiệp
Đã đến lúc cần đổi mới phương thức hỗ trợ doanh nghiệp trong tiến trình thực thi các FTA. Cách thức hỗ trợ phải xuất phát từ những vấn đề thực tế của doanh nghiệp. Chúng ta phải tìm hiểu xem nhu cầu của các doanh nghiệp cụ thể ra sao, cần cung cấp thông tin về vấn đề gì, với từng nhóm doanh nghiệp theo quy mô, theo ngành nghề ra sao... Bên cạnh đó, cần phải tạo được một cơ chế kết nối, phối hợp giữa các cơ quan từ Trung ương đến địa phương; giữa các cơ quan nhà nước với các hiệp hội doanh nghiệp. Bởi rõ ràng hiện nay vẫn còn có khoảng cách rất lớn giữa nhu cầu của các doanh nghiệp và khả năng, mức độ đáp ứng hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cơ hội từ các FTA.
Ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán Công sứ, Thương vụ Việt Nam tại Anh: Học hỏi kinh nghiệm từ chính “đối thủ” cạnh tranh
Với nền tảng thương hiệu Việt Nam và sản phẩm của Việt Nam đang được người Anh quan tâm như hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam không nên chần chừ, không nên quá đắn đo trong việc ưu tiên thúc đẩy sản phẩm sang thị trường Anh nhờ vào UKVFTA.
Hiện nay chất lượng nhiều sản phẩm Việt Nam tại thị trường Anh không hề thua kém sản phẩm của hai "đối thủ" cạnh tranh lớn là Trung Quốc và Thái Lan. Thậm chí hàng hóa Việt Nam còn có lợi thế hơn bởi chúng ta đã có UKVFTA. Tuy nhiên các doanh nghiệp Việt Nam cần đổi mới phương pháp tiếp cận khách hàng, thị trường phù hợp và chủ động học hỏi kinh nghiệm chính từ các "đối thủ" cạnh tranh tại thị trường Anh. Đặc biệt các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng năng lực chiến lược, năng lực logistics và hệ thống tài chính để cạnh tranh tốt hơn với sản phẩm của các nguồn cung khác và chiếm được nhiều thị phần hơn ở thị trường Anh.
Minh Chi (ghi)