Khoản 1 Điều 111 Bộ luật Lao động năm 2012 nêu rõ, người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động được nghỉ phép năm:
- 12 ngày đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
- 14 ngày đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc ở những nơi có có điều kiện sinh sống khắc nghiệt; lao động chưa thành niên; người khuyết tật;
- 16 ngày đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc ở những nơi có điều kiện sinh sống đặc biệt khắc nghiệt.
Trong trường hợp chưa đủ 12 tháng làm việc thì người lao động được nghỉ phép năm tính theo tỷ lệ tương ứng với số thời gian làm việc. Và theo quy định, trong những ngày nghỉ phép năm, người lao động không phải làm việc mà vẫn hưởng nguyên lương.
Vì vậy, nếu người lao động dùng ngày nghỉ phép năm để nghỉ tránh dịch thì vẫn có đủ lương như những ngày đi làm (100% lương của ngày làm việc bình thường).
Theo khoản 3 Điều 98 của Bộ luật Lao động hiện hành chỉ rõ, nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động, người lao động hoặc vì các nguyên nhân khách quan khác như thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch hoạ… thì tiền lương ngừng việc do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Theo đó, dịch Covid-19 nằm trong các nguyên nhân khách quan trên, do vậy người lao động nếu phải ngừng việc, nghỉ làm do dịch này thì sẽ được trả lương theo sự thỏa thuận với doanh nghiệp, nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.
Mức lương tối thiểu vùng hiện nay được quy định trong Điều 3 Nghị định 90/2019/NĐ-CP là: Vùng I: Mức 4.420.000 đồng/tháng; Vùng II: Mức 3.920.000 đồng/tháng; Vùng III: Mức 3.430.000 đồng/tháng; Vùng IV: Mức 3.070.000 đồng/tháng.
Tuy nhiên, người lao động đã nghỉ hết phép năm và doanh nghiệp cũng không cho ngừng việc mà vẫn muốn nghỉ để đảm bảo sức khỏe cho mình trước dịch bệnh thì xin nghỉ theo thỏa thuận không hưởng lương với số ngày không hạn chế, miễn được người sử dụng lao động đồng ý.