Nghị định quy định chi tiết về đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, hoạt động xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ.
Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân"
Theo Nghị định, danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân" trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ được tặng cho cá nhân đã được tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ và đạt các tiêu chuẩn sau:
1. Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, điều lệ, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, địa phương.
2. Có thời gian hoạt động liên tục trong nghề thủ công mỹ nghệ hoặc cộng dồn từ 20 năm trở lên.
3. Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống; tâm huyết, tận tụy với nghề; được đồng nghiệp và Nhân dân mến mộ, kính trọng; là đại diện tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ của cả nước.
4. Có tri thức, kỹ năng đặc biệt xuất sắc, cụ thể:
a) Sau khi đã được phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú", Nghệ nhân phải trực tiếp thiết kế, chế tác được 02 sản phẩm, tác phẩm mới có giá trị kinh tế, kỹ thuật và mỹ thuật cao, đạt một trong các tiêu chí: Đạt giải nhì trở lên các cuộc thi liên quan đến sản phẩm thủ công mỹ nghệ do cơ quan có thẩm quyền tổ chức trong phạm vi cả nước; được Nhà nước Việt Nam cử tham gia các hoạt động trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ đạt thành tích từ giải ba khu vực, quốc tế trở lên; được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận tiêu biểu, đánh giá phân hạng cấp quốc gia trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ;
b) Trường hợp "Nghệ nhân ưu tú" trên 70 tuổi, không đáp ứng tiêu chuẩn tại điểm a nêu trên thì phải đạt một trong các tiêu chuẩn: Là người dân tộc thiểu số (hiện đang làm nghề và sinh sống ổn định tại vùng dân tộc thiểu số từ 05 năm trở lên); có 02 sản phẩm, tác phẩm trở lên được chọn làm tặng phẩm của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tặng khách cấp cao nước ngoài theo quy định về nghi lễ đối ngoại; được bảo tàng cấp quốc gia lựa chọn làm hiện vật trưng bày; được sử dụng vào công trình phục chế di tích lịch sử - văn hóa (công trình biểu trưng văn hóa) cấp quốc gia.
5. Có công lớn trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ của cả nước; nắm giữ kỹ năng, bí quyết nghề, truyền dạy nghề cho từ 150 cá nhân trở lên, trừ trường hợp nghề thủ công mỹ nghệ đặc thù hoặc từ 20 cá nhân trở lên hiện đang làm nghề trên 10 năm tại các cơ sở sản xuất hoặc từ 1 cá nhân trở lên được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ.
Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú"
Nghị định cũng quy định: Danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ được tặng cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau:
1. Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, điều lệ, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, địa phương.
2. Có thời gian hoạt động liên tục trong nghề thủ công mỹ nghệ hoặc cộng dồn từ 15 năm trở lên.
3. Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống; tâm huyết, tận tụy với nghề, được đồng nghiệp và Nhân dân mến mộ, kính trọng, là đại diện tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ của địa phương.
4. Có tri thức, kỹ năng đặc biệt xuất sắc, cụ thể:
a) Trực tiếp thiết kế, chế tác được ít nhất 10 tác phẩm, sản phẩm có giá trị kinh tế, kỹ thuật và mỹ thuật cao;
b) Đã có sản phẩm, tác phẩm đạt một trong các tiêu chí: Đạt từ giải nhì trở lên trong các cuộc thi liên quan đến sản phẩm thủ công mỹ nghệ do cơ quan có thẩm quyền tổ chức phạm vi cấp tỉnh hoặc giải ba trở lên trong phạm vi cả nước; được Nhà nước Việt Nam cử tham gia các hoạt động trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ đạt thành tích từ giải ba khu vực, quốc tế trở lên; được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận tiêu biểu, đánh giá phân hạng cấp quốc gia trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ; được bảo tàng cấp quốc gia, bảo tàng cấp tỉnh lựa chọn làm hiện vật trưng bày; được sử dụng làm mẫu phục vụ công tác giảng dạy trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học; được sử dụng vào công trình phục chế di tích lịch sử - văn hoá (công trình biểu trưng văn hóa) cấp tỉnh, cấp quốc gia.
5. Có công lớn trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ của địa phương; nắm giữ kỹ năng, bí quyết, truyền dạy nghề cho từ 100 cá nhân trở lên, trừ trường hợp nghề thủ công mỹ nghệ đặc thù hoặc từ 15 cá nhân trở lên hiện đang làm nghề trên 10 năm tại các cơ sở sản xuất.
Hội đồng xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" được thành lập ở 3 cấp
Nghị định nêu rõ, Hội đồng xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" được thành lập ở từng cấp Hội đồng (Hội đồng cấp tỉnh; Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ; Hội đồng cấp Nhà nước), theo từng lần xét tặng, các Hội đồng tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Hội đồng xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" có nhiệm vụ tổ chức việc xét tặng bảo đảm đúng quy định; công khai danh sách các cá nhân đề nghị xét tặng và kết quả xét chọn trên các phương tiện truyền thông; hoàn chỉnh hồ sơ xét tặng, trình Hội đồng có thẩm quyền; xem xét, giải quyết các kiến nghị liên quan đến việc xét tặng.