Khi xác định mức nước có nguy cơ gây rủi ro, tốt nhất là bạn nên đánh xe vào lề đường và tắt máy chờ đợi hoặc đổi sang phương tiện khác.

 

Bởi vì đề phòng "rẻ" hơn rất nhiều so với cứu chữa. Một chiếc xe hơi ngập nước có thể tiêu tốn của chủ xe chi phí sửa chữa không kém gì giá trị bán lại của chiếc xe.


Mực nước khoảng 60 cm là đủ gây nguy hiểm cho phần lớn xe hơi hiện nay, trừ các xe gầm cao có khả năng đi địa hình. Với các mẫu xe gầm thấp như sedan, mực nước 25 cm cũng đủ gây ra nguy hiểm. Do đó trước khi quyết định lái xe qua chỗ ngập nước, hãy ước mức nước trước qua các phương tiện hoặc đồ vật đang ở trong khu vực ngập.
Mực nước khoảng 60 cm là đủ nguy hiểm cho phần lớn xe hơi
Ngoài ra còn một dấu hiệu khác để bạn biết rằng khu vực trước mặt quá nguy hiểm cho xe của mình. Đó là khi bạn bắt đầu tiến vào khu vực ngập nước, vòng tua máy bắt đầu tụt, dù bạn đang đi số nhỏ nhất (với số sàn) hoặc đang đi rất chậm (với số tự động). Trong trường hợp như này, bạn nên quay đầu đi đường khác.

Đi qua khu vực ngập nước, nguy hiểm đầu tiên phải kể tới là việc bị che khuất tầm nhìn bởi các vật cản nhỏ đã nằm sâu dưới nước, chưa kể bánh xe có khả năng mất kiểm soát rất lớn. Do đó trái với suy nghĩ của nhiều người là đạp ga thật mạnh để "phóng" qua chỗ ngập, hãy đạp ga nhẹ, đi tốc độ chậm và đều chân ga để tránh các bất trắc như mất lái. Các xe số sàn nên giữ số 1 hoặc số 2, còn các xe số tự động nên về chế độ Low (nếu có) hoặc đi thật chậm.

Khi xe có dấu hiệu mất lái, phản ứng thông thường của người lái thường là cuống cuồng đánh lái và đạp phanh. Tuy nhiên điều này thực ra gây thêm mất kiểm soát, đặc biệt với các xe dẫn động 1 cầu. Trong trường hợp mất lái, bạn cần nhả chân ga và đạp phanh từ từ, đồng thời không được đánh lái quá gấp.

Các xe hơi đi ngược chiều cũng là mối nguy cơ tiềm tàng. Sóng nước từ các xe đi ngược chiều có khả năng đưa nước lên cao và chui vào các hệ thống máy. Để đảm bảo an toàn, tốt nhất là nên nắm được vị trí của ống lấy gió và chỉ đi qua các khu vực có mực nước thấp hơn ống này khoảng 20 cm. Điều này đảm bảo là kể cả xe đi ngược chiều có tạo ra các làn sóng thì cũng không quá nguy hiểm cho xe của bạn.
Sóng nước từ các xe đi ngược chiều cũng là nguy cơ tiềm ẩn
Trong trường hợp xe chết máy, tốt nhất là nên về "mo" hoặc số N (với các xe số tự động), đẩy xe vào sát lề đường và gọi cứu hộ. Nếu cố đề thử trong khi nước đã chui vào động cơ, cố gắng của bạn sẽ dẫn tới việc xe bị thủy kích, gãy tay biên và có thể hỏng hoàn toàn động cơ.

Sau khi qua chỗ lụt, việc cần làm ngay lập tức là kiểm tra xem nội thất xe có bị ngấm nước hay không. Nếu nội thất xe ngấm nước, đừng chờ đợi mà hãy làm khô ngay lập tức. Nước, đặc biệt là nước có muối, sẽ làm hỏng nội thất của bạn nhanh hơn nhiều so với bạn tưởng tượng.

Những thứ cần kiểm tra tiếp theo là các loại dung dịch. Bất cứ dung dịch nào trên xe bị lẫn nước đều mang lại những hậu quả khôn lường. Do đó hãy kiểm tra kỹ từng loại dung dịch và nếu phát hiện ra nước, đừng khởi động động cơ mà gọi xe cứu hộ đưa về các xưởng sửa chữa để xử lý.

Tiếp đó là các thiết bị điện, lốp xe và phanh. Các thiết bị điện rất dễ tổn thương dù chỉ có một lượng nước nhỏ chui vào. Ngoài ra hệ thống điện trên các xe hơi hiện đại thường có độ liên kết rất cao, do đó chỉ cần 1 thiết bị hoạt động không ổn định sẽ rất dễ dẫn tới việc toàn bộ hệ thống điện hỏng theo.

 

Lốp và phanh là nơi thường xe bị các mảnh rác, gạch vụn hay bùn đất kẹt lại. Việc vệ sinh và kiểm tra lốp và phanh là điều cần thiết để đảm bảo chiếc xe của bạn hoạt động an toàn sau khi qua chỗ ngập nước.


Thành NT