Với thị trường toàn cầu, năm 2015 vẫn được cho là một năm tăng trưởng với smartphone khi dự báo doanh số năm nay sẽ tăng 8,2%. Tuy nhiên đây được cho là một sự thụt lùi so với mức tăng trưởng 26,5% của năm 2014.
Cuộc chiến của các nhà sản xuất danh tiếng: Samsung vẫn dẫn đầu, LG tiếp tục thất bại
Dù Galaxy S6 và Galaxy S6 Edge được báo cáo là không thành công với doanh số giảm liên tục nhưng Samsung vẫn là nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới với mức tăng trưởng của quý II là 26,8%. Hãng công nghệ Hàn Quốc được dự kiến là sẽ có doanh số cả năm 2015 đạt 45 triệu đơn vị.
Trong khi phân khúc giá rẻ và tầm trung đang ngày càng bị các thương hiệu Trung Quốc chiếm giữ, Samsung được kỳ vọng là sẽ tạo ra nhiều đột biến với chiếc Galaxy Note 5 nhờ những thay đổi về công nghệ và gia tăng nhiều tính năng mới lạ.
Ngược lại với đối thủ Hàn Quốc, 2 mẫu smartphone của Apple là iPhone 6 và iPhone 6 Plus có mức tăng trưởng mạnh trong quý II và mang lại nguồn tiền mặt khổng lồ cho hãng công nghệ Mỹ này. Sự có mặt của iPhone 6s và iPhone 6s Plus được cho là sẽ tiếp tục gia tăng doanh số cho Apple trong nửa cuối năm 2015.
|
iPhone 6 Plus là 1 trong 2 con "con gà đẻ trứng vàng" của Apple hiện nay
|
LG với mẫu smartphone cao cấp G4 tiếp tục nhận thất bại khi mà các thông số kỹ thuật và các tính năng trên G4 được cho là không có gì đặc sắc so với mẫu máy tiền nhiệm G3. LG được dự báo sẽ có mức doanh số cả năm 2015 giảm 8% so với 2014.
|
Chiếc LG G4 với nhiều thông số ấn tượng, thiết kế đột phá nhưng chưa thực sự thành công
|
Sự tăng trưởng theo quy mô toàn cầu của các thương hiệu Trung Quốc
Trong quý II, các thương hiệu smartphone Trung Quốc đã có mức tăng trưởng ấn tượng khi bắt đầu tấn công sân chơi quốc tế với mức tăng trưởng 15,6%, đạt 126 triệu đơn vị được bán ra.
Huawei là thương hiệu smartphone Trung Quốc đáng chú ý với mức tăng trưởng dự kiến trong năm 2015 đạt 40% và được cho là thương hiệu smartphone Trung Quốc đầu tiên đạt mức doanh số 100 triệu chiếc/năm.
|
Huawei Ascend Mate 7 đang là mẫu máy thành công của Huawei trên nhiều thị trường, bao gồm cả các thị trường khó tính như châu Âu
|
Ngược lại, Lenovo là nhà sản xuất Trung Quốc thất bại với sự suy giảm dự kiến từ 20% đến 30% trong năm nay. Dù trong năm 2014 gã khổng lồ Trung Quốc này đã mua lại thương hiệu điện thoại danh tiếng Motorola nhưng chiến lược định vị không tốt cũng như mức giá không thực sự hấp dẫn khi so với các nhà sản xuất "đồng hương" được cho là nguyên nhân thất bại của nhà sản xuất này.
Thương hiệu Xiaomi, nhà sản xuất được cho là Apple của Trung Quốc cũng đã gây chú ý với chiếc Mi Note nhưng sự cạnh tranh gay gắt trong phân khúc tầm thấp đã làm Xiaomi bị thụt giảm về mặt doanh số. Tuy nhiên nhà sản xuất này đã giành lấy vị trí thứ tư của LG với dự báo doanh số cả năm 2015 đạt mức 70 triệu chiếc.
|
Chiếc Xiaomi Mi Note gây nhiều chú ý nhưng chưa thực sự mang lại thành công như dự kiến cho "Apple Trung Quốc" Xiaomi
|
2 nhà sản xuất đáng chú ý khác của Trung Quốc là VIVO và OPPO được đánh giá cao nhờ việc chăm chút trải nghiệm camera trước đây và hiện nay là trải nghiệm âm nhạc trên smartphone. 2 thương hiệu Trung Quốc này hiện đã giành được thị phần đáng kể ở các thị trường quốc tế với chiến lược định vị khác biệt và được dự đoán sẽ có mức tăng trưởng 30% trong năm 2015.
Tư Quảng
Theo báo cáo của DRAM Exchange