“UBND TP.HCM đã phê duyệt dự án đầu tư hai tuyến vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy (canô bus) đầu tiên của TP. Hai tuyến canô bus này có tổng chiều dài hơn 21 km, chạy từ quận Thủ Đức đến quận 8 và sẽ được thực hiện trong hai năm 2015-2016”. Chiều 21/7, tin từ Văn phòng UBND TP.HCM cho biết.
Theo ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở GTVT, việc mở hai tuyến canô bus trên với thời hạn theo yêu cầu của UBND TP là hoàn toàn khả thi bởi “các dự án này đã được chủ đầu tư và các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất từ nhiều năm qua”.
120 tỷ đồng sắm tàu, mở bến
Theo quyết định của UBND TP, hai tuyến canô bus này sẽ được thực hiện trên các tuyến sông Sài Gòn, kênh Thanh Đa, rạch Bến Nghé và kênh Tàu Hủ. Cụ thể, tuyến Linh Đông - Bạch Đằng (tuyến số 1) bắt đầu từ bến đò Bình Quới (phường Linh Đông, quận Thủ Đức, cách giao lộ Phạm Văn Đồng - Kha Vạn Cân chưa đầy 1 km) theo sông Sài Gòn qua kênh Thanh Đa (phía phường 28, quận Bình Thạnh) và ra lại sông Sài Gòn để dừng ở khu vực bến Bạch Đằng (đang được chỉnh trang).
Tuyến nối tiếp là Bạch Đằng - Lò Gốm (tuyến số 2) bắt đầu từ bến Bạch Đằng, theo sông Sài Gòn qua rạch Bến Nghé - kênh Tàu Hủ đến khu vực bến Lò Gốm ở phường 7, quận 7.
Cả hai tuyến này sẽ có canô bus chạy theo hai chiều xuôi-ngược. Một khu bến trung tâm sẽ được xây dựng trên diện tích khoảng 3 ha tại phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức. Ngoài ra, trên các tuyến sẽ có hai bến ở đầu-cuối tuyến và sáu bến đón-trả khách dọc tuyến.
Theo Sở GTVT, các khu đất dự kiến xây bến đón-trả khách nằm trong hành lang an toàn dọc sông nên việc bồi thường, giải phóng mặt bằng tương đối thuận lợi. Mức khái toán đầu tư 13 bến vào khoảng 58 tỉ đồng. Đơn vị nghiên cứu đề xuất (Công ty Thường Nhật) cho rằng để tạo thuận tiện cho việc đi lại cũng như đảm bảo doanh thu duy trì hoạt động, canô bus phải có sức chứa khoảng 80 chỗ/phương tiện. Trong giờ cao điểm, canô bus sẽ hoạt động với tần suất cao và chạy zích zắc để đáp ứng nhu cầu đi dọc, đi ngang.
Theo quyết định của UBND TP, từ nay đến năm 2020 cần đầu tư 10 canô bus với tổng vốn đầu tư khoảng 60 tỉ đồng.
Kết hợp du lịch đường thủy
Lâu nay Sở GTVT và các đơn vị liên quan đã khảo sát nhiều tuyến sông để thí điểm mở loại hình canô bus. Một số chuyên gia giao thông nhận định các tuyến như đề xuất trên có nhu cầu đi lại rất lớn, thu hút được hành khách, góp phần giải quyết ách tắc giao thông đường bộ, nhất là các điểm nóng về kẹt xe như khu vực Bến xe Miền Đông, giao lộ Đinh Bộ Lĩnh - Bạch Đằng, Xô Viết Nghệ Tĩnh… Còn tuyến Bến Nghé - Tàu Hủ là sự kết hợp giữa các phương thức đường thủy, đường bộ (theo đại lộ Đông Tây) và tàu điện mặt đất (tuyến tàu điện mặt đất Sài Gòn - Bến Thành - Bến xe Miền Tây có đoạn đi cặp theo đại lộ Võ Văn Kiệt).
“Các dự án này sẽ giúp người dân đi lại thuận lợi hơn, góp phần phát triển vận tải hành khách đường thủy và sẽ hỗ trợ cho đường bộ vốn quá tải. Ngoài ra, việc mở các tuyến canô bus còn giúp phát triển du lịch đường thủy nội địa, hạn chế ô nhiễm môi trường do giảm được ách tắc giao thông đường bộ” - UBND TP nhận định.
Theo Công ty Thường Nhật (đơn vị đề xuất thí điểm mở hai tuyến canô bus trên), chiều dài hai tuyến tương đương nhau, khoảng 11 km. Nếu tính cả thời gian dừng bến đón khách thì chỉ cần 30 phút là tàu buýt có thể hoàn tất lộ trình. Thời gian này chỉ bằng 2/3 thời gian của xe buýt đường bộ trên cùng một tuyến.
UBND TP duyệt dự án theo hình thức BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh) và chấp thuận cho Công ty Thường Nhật tiếp tục lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Từ báo cáo này, Sở KH&ĐT mới công bố thông tin chọn nhà đầu tư. Trường hợp nếu không có nhà đầu tư khác tham gia thì mới chọn Công ty Thường Nhật.
Giá vé nếu không có trợ giá vào khoảng 30.000 đồng/vé/tuyến. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị TP cần trợ giá để hạ giá vé xuống còn 10.000-15.000 đồng/vé/tuyến nhằm thu hút người dân.
Theo M.Phong - G.Nghĩa
Pháp luật TPHCM