Dẫn nguồn tin từ Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á và theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang thị trường châu Phi đạt 2,47 tỷ đô la Mỹ (USD), tăng 20% so với năm 2011 (nếu không tính nhóm hàng vàng bạc đá quý) trong khi tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ châu Phi đạt 1 tỷ USD, giảm 19%. Các mặt hàng xuất khẩu chính gồm gạo, điện thoại và linh kiện, giày dép các loại, máy vi tính, sản phẩm và linh kiện, cà phê, hạt tiêu, hàng dệt may, hải sản, sắt thép và sản phẩm từ sắt thép, v.v… Các mặt hàng nhập khẩu chính gồm điều, bông, gỗ, sắt thép phế liệu, dầu thô, v.v…
Trên tổng số 55 nước châu Phi, 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất (Nam Phi, Ai Cập, Bờ Biển Ngà, Gha-na, An-giê-ri, Ăng-gô-la, Ni-giê-ri-a, Xê-nê-gan, Mô-dăm-bích, Ma-rốc) chiếm khoảng 80% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang toàn khu vực châu Phi. Tại 10 thị trường này, nước ta đã có 7 Cơ quan đại diện ngoại giao và 5 Cơ quan Thương vụ. Đây đồng thời là những thị trường mà thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực tổ chức các đoàn nghiên cứu chính sách, xúc tiến thương mại, các cuộc hội thảo doanh nghiệp, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về tiềm năng xuất khẩu, v.v...
Mặc dù kim ngạch sụt giảm, chỉ đạt 612,64 triệu USD, song Nam Phi vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại châu Phi. Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu sang Nam Phi giảm 67% do xuất khẩu nhóm hàng đá quý và kim loại quý chỉ đạt 90,28 triệu USD trong khi năm 2011, con số này lên tới 1,5 tỷ USD. Đây là nhóm hàng mà Nhà nước không khuyến khích xuất khẩu kể từ năm 2011. Nếu không tính nhóm hàng này thì kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nam Phi vẫn đạt 522,36 triệu USD, tăng 44% so với năm 2011. Các mặt hàng xuất khẩu quan trọng khác là điện thoại và linh kiện đạt 231,12 triệu USD, giày dép các loại 68,52 triệu USD, máy vi tính, sản phẩm và linh kiện 39,75 triệu USD, sản phẩm hoá chất 19,87 triệu USD, gạo 17,21 triệu USD, cà phê 15,95 triệu USD, hàng dệt may 15,38 triệu USD, máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng 12,55 triệu USD, hạt tiêu 9,3 triệu USD, hạt điều 7,63 triệu USD, gỗ và sản phẩm gỗ 6,33 triệu USD, sản phẩm từ sắt thép 6,33 triệu USD.
Kim ngạch xuất khẩu sang Ai Cập đạt 297,82 triệu USD, tăng 26% so với năm 2011. Mặt hàng thủy sản (chủ yếu là cá tra và tôm) tiếp tục giữ vị trí số 1 với kim ngạch đạt 79,66 triệu USD, tiếp đến là hạt tiêu 36,46 triệu USD, xơ, sợi dệt các loại 37,81 triệu USD, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 22,2 triệu USD, phương tiện vận tải và phụ tùng 18 triệu USD, cà phê 15 triệu USD, hàng dệt may 9,5 triệu USD, sắt thép các loại 2,1 triệu USD. Ai Cập tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam tại châu Phi sau Nam Phi và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Bắc Phi.
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Bờ Biển Ngà đạt 214,90 triệu USD, tăng 47%, trong đó gạo chiếm 203,37 triệu USD (479.590 tấn), dệt may đạt 1,88 triệu USD. Như vậy mặt hàng gạo của Việt Nam chiếm hơn một nửa lượng gạo nhập khẩu trung bình hàng năm của Bờ Biển Ngà. Đây là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam tại châu Phi và lớn nhất tại khu vực Tây Phi năm 2012 (năm 2011, Xê-nê-gan giữ vị trí này).
Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Gha-na đạt 203,58 triệu USD, tăng 69 %, trong đó gạo chiếm 149,62 triệu USD (307.749 tấn), hàng dệt may 3,75 triệu USD.
An-giê-ri, với kim ngạch xuất khẩu đạt 129 triệu USD, tăng 28% so với năm 2011, trong đó cà phê chiếm 58,96 triệu USD (29.196 tấn), gạo 35,61 triệu USD (77.838 tấn).
Kim ngạch xuất khẩu sang Ăng-gô-la đạt 115,79 triệu USD, tăng 70%, trong đó gạo chiếm 54,63 triệu USD (121.693 tấn), hàng dệt may 14,5 triệu USD.
Xuất khẩu sang Ni-giê-ri-a đạt 112,68 triệu USD, tăng 60% so với cùng kỳ năm trước, trong đó máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 51,34 triệu USD, phương tiện vận tải và phụ tùng 10,2 triệu USD, hàng dệt may 3,8 triệu USD.
Kim ngạch xuất khẩu sang Xê-nê-gan đạt 91,22 triệu USD, giảm 48% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó gạo chiếm 66,14 triệu USD (182.323 tấn) giảm 39% về giá trị, phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 14,46 triệu USD. Nguyên nhân của việc giá trị xuất khẩu sụt giảm là do năm nay Xê-nê-gan nhập khẩu nhiều gạo của Ấn Độ vì có giá bán rẻ hơn gạo Việt Nam.
Kim ngạch xuất khẩu sang Mô-dăm-bích đạt 85,67 triệu USD, tăng 20% so với năm 2011. Các mặt hàng xuất khẩu chính gồm có gạo 32,5 triệu USD, clanke và xi măng 12,6 triệu USD, sản phẩm từ sắt thép 8,6 triệu USD, dây điện và dây cáp điện 8,4 triệu USD, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng 5,1 triệu USD.
Kim ngạch xuất khẩu sang Ma-rốc đạt 81,75 triệu USD, tăng gấp đôi so với năm 2011 trong đó điện thoại đạt 36,8 triệu USD, cà phê 13,67 triệu USD, hàng thủy sản 4,2 triệu USD... Đây là lần đầu tiên Ma-rốc nằm trong số 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại châu Phi.
Trong những năm tới, đây sẽ vẫn là những thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam do quy mô dân số lớn, tăng trưởng GDP cao và người tiêu dùng đã quen với hàng hoá Việt Nam. Ngoài ra, tại các nước này có hệ thống cơ quan đại diện ngoại giao, thương mại tương đối đông, tạo điều kiện cho việc hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm đối tác, làm thủ tục xin visa, v.v...
Bên cạnh 10 thị trường nói trên, Việt Nam còn có nhiều khả năng đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khác như Kenya, Cameroon, Guinea, Tanzania, CH Congo, Liberia và Tuynidi.