Lý giải điều này, Chủ tịch hiệp hội chăn nuôi cho rằng, nguyên nhân chính là do giá nguyên liệu NK giảm đột biến, trong đó khô dầu đậu tương giảm mạnh từ 550USD/tấn (tháng 8) xuống khoảng 300USD/tấn (cuối tháng 10). Những DN mua và dự trữ nguyên liệu này với giá cao đỉnh điểm hiện không thể tiêu thụ, nâng số hàng tồn kho lên 20 - 30 nghìn tấn.
Một số nguyên liệu khác cũng giảm giá mạnh: Ngô 5.200đ/kg xuống 2.800đ/kg, bột cá 19.000đ/kg xuống 13.000đ/kg... Phần lớn những nguyên liệu này NK từ Argentina, Ân Độ, Peru... nên phải mất 1 - 2 tháng nữa mới về đến VN.
Nếu đặt hàng từ cuối tháng 7 thì tháng 9 hàng mới về, lúc đó đơn hàng vẫn theo giá khởi điểm. Trong khi đó, giá nguyên liệu thế giới giảm liên tục nên DN đành chịu thiệt, khó bề xoay xở. Đó cũng là một phần lý do khiến TACN trên thị trường giảm giá chậm hơn so với tốc độ giảm của nguyên liệu NK. 
Vấn đề đặt ra là việc DN ồ ạt đặt hàng lúc giá đầu vào tăng đỉnh điểm, có phải do dự đoán biến động thị trường kém? Việc dự báo thông tin thị trường vẫn là vấn đề nan giải, khi các DN hiện chủ yếu làm ăn theo kinh nghiệm thương trường, mạnh ai nấy "chạy". Tại thời điểm giá tăng đỉnh điểm, thậm chí nhiều DN còn dự đoán giá sẽ tiếp tục tăng nên mặc sức nhập và dự trữ, dẫn đến việc không thể giảm giá sản phẩm.
Tuy vậy, đối tượng chịu lỗ lại rơi vào những DN quy mô nhỏ. Trong hơn 100 DN thành viên của hiệp hội, chỉ khoảng 20 - 30% số DN giảm sản lượng, còn lại vẫn duy trì sản xuất, chưa có DN nào phải đóng cửa. Ông Lịch khẳng định: "Đây là sự sàng lọc mang tính tự nhiên. Về góc độ vốn, DN nào không duy trì được vốn, không chịu được lãi suất thì đành chấp nhận lỗ, không thể "kêu" được ai trong lúc này".
 

Nguồn: Tin tham khảo