Có 3 loại câu lạc bộ xuất khẩu đạt kim ngạch từ 3 tỷ USD trở lên, đó là: Mặt hàng xuất khẩu, địa bàn xuất khẩu và thị trường xuất khẩu. Đây là các “đại gia” làm nên kết quả xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay của Việt Nam.
Điểm danh “hàng khủng”
Năm 2014 Việt Nam có 10 mặt hàng tham gia "Câu lạc bộ đạt kim ngạch từ 3 tỷ USD trở lên", với tổng kim ngạch đạt 104,14 tỷ USD, chiếm 69,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
10 mặt hàng xuất khẩu đạt 3 tỷ USD trở lên: Điện thoại, dệt may, máy vi tính, giày dép, thủy sản,máy móc, dầu thô, gỗ, phương tiện vận tải, cà phê.
So với năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của 10 mặt hàng này tăng 13,9%, cao hơn tốc độ tăng chung (13,7%), đóng góp mức tăng tuyệt đối lên tới 12,7 tỷ USD, chiếm trên 2/3 tổng mức tăng của tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Tăng cao hơn tốc độ chung có dệt may (tăng 16,8%), giày dép (tăng 23,1%), thủy sản (tăng 17,1%), máy móc thiết bị và dụng cụ, phụ tùng (tăng 21,4%), cà phê (tăng 30,9%).
Cơ cấu các mặt hàng nói trên có 3 mặt hàng thuộc nhóm ngành nông, lâm nghiệp-thủy sản (thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, cà phê); 7 mặt hàng thuộc nhóm ngành công nghiệp, trừ dầu thô, thì 6 mặt hàng còn lại thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong đó có 2 mặt hàng sử dụng nhiều lao động - một lợi thế của Việt Nam - là dệt may, giày dép; có một số mặt hàng có trình độ kỹ thuật-công nghệ cao hoặc tương đối cao (điện thoại, máy vi tính, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải). Đây là điểm tích cực của sản xuất và xuất khẩu.
Số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2014 Việt Nam có 10 địa bàn tham gia câu lạc bộ đạt kim ngạch từ 3 tỷ USD trở lên, tăng 3 địa bàn so với năm 2013 là Thái Nguyên, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu.
Chỉ với 10 địa bàn này, kim ngạch xuất khẩu đã đạt 116,15 tỷ USD, chiếm trên 77,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Tốc độ tăng so với năm trước của 10 địa bàn trên cao hơn tốc độ tăng chung (13,8% so với 13,7%), tương đương 14,1 tỷ USD, chiếm gần 70% tổng mức tăng kim ngạch của cả nước. Trong đó có những địa bàn có tốc độ tăng rất cao (như Thái Nguyên gấp 31,7 lần, Bà Rịa-Vũng Tàu tăng 40,7%, Hải Phòng tăng 26%, Đồng Nai tăng 20,2%, Hải Dương tăng 19,6%, Bình Dương tăng 17%). Đây là những nơi có lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn.
Trong 10 địa bàn trên, có 8 địa bàn xuất siêu (TPHCM, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Thái Nguyên, Hải Dương, Hải Phòng, Long An). Lớn nhất là Bình Dương 3,86 tỷ USD, Bắc Ninh 3,35 tỷ USD, Thái Nguyên 1,2 tỷ USD… có 2 địa bàn nhập siêu là Hà Nội 13,33 tỷ USD, Bà Rịa-Vũng Tàu 2,2 tỷ USD.
Kết thúc năm 2014 có 12 thị trường đạt từ 3 tỷ USD trở lên, với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 95,32 tỷ USD. Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, cũng là các thị trường mà Việt Nam xuất siêu lớn nhất (22,37 tỷ USD).
10 địa bàn đạt 3 tỷ USD trở lên: TPHCM, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Dương, Hải Phòng, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Hai điểm cần lưu ý trong năm 2015
Thứ nhất, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) ra mắt vào cuối năm nay. Sau 20 năm gia nhập ASEAN, FDI của khu vực này vào Việt Nam theo vốn đăng ký đạt 59,1 tỷ USD, bằng 23,2% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.
Xuất khẩu của Việt Nam sang các nước ASEAN năm 1995 mới đạt 1,112 tỷ USD, thì năm 2014 đạt trên 19,12 tỷ USD, chiếm trên 12,7% tổng số; nhập khẩu năm 2014 đạt 22,19 tỷ USD; nhập siêu trên 3 tỷ USD. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam nếu năm 2000 có 168.900 lượt người, bằng 7,9% tổng số, thì năm 2014 gần 1,2 triệu lượt người, chiếm 15%.
Việc hình thành AEC tạo cơ hội cho Việt Nam cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu, cơ cấu sản xuất…, nhưng cũng có không ít thách thức, nhất là nâng cao năng lực cạnh tranh, nếu không Việt Nam sẽ trở thành một thị trường tiêu thụ hàng hóa cho các nước trong khu vực.
Thứ hai, với các FTA đã ký trước đây, với 3 FTA mới ký gần đây (EU, Hàn Quốc và Liên minh Hải quan), với khả năng TPP tới đây, Việt Nam sẽ càng hội nhập sâu, rộng hơn và chất lượng cao hơn với thế giới. Trong nhiều giải pháp để cải thiện tình hình, đáp ứng nhu cầu hội nhập, cần tập trung vào 3 việc lớn: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; nâng cao hiệu quả đầu tư và năng suất lao động bằng khoa học công nghệ theo Nghị quyết Đại hội Đảng XI.
Nguồn: baodientu.chinhphu.vn