Theo thống kê 11 tháng năm 2007 xuất khẩu hàng dệt may đạt 7,03 tỷ USD, tăng 31,89% so cùng kỳ 2006. Đáng chú ý là có những tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đã vượt dầu thô để trở thành mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu cao nhất. Dự báo, cả năm 2007 đạt 7,7 tỷ USD, vượt kế hoạch 200 triệu USD và tăng 32% so năm 2006.
Năm 2007 Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu chủ đạo của dệt may Việt nam đạt khoảng 4,3 tỷ USD, chiếm 56% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may cả nước, tăng 32% so năm 2006; tiếp theo là EU đạt khoảng 1,5 tỷ USD, chiếm 18%, tăng khoảng 20%; Nhật đạt khoảng 700 triệu USD, chiếm 9%, tăng 12%.
Mục tiêu năm 2008 đạt 9,5 tỷ USD, tăng 25% so năm 2007. Với mục tiêu này dệt may có thể trở thành mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch lớn nhất trong năm 2008, vượt dầu thô (dự kiến đạt 9 tỷ USD năm 2008). Cụ thể, xuất sợi 100.000 tấn, tăng 8,7% so với ước thực hiện 2007; vải lụa thành phẩm là 683 triệu m2, tăng 9,1% so ước thực hiện 2007; quần áo dệt kim 188,5 triệu sản phẩm, tăng 8,1% so ước thực hiện 2007 và quần áo may sẵn 1.591 triệu sản phẩm, tăng 16,6% so ước thực hiện 2007.
Mục tiêu xuất khẩu hàng dệt may tới các thị trường chính trong năm 2008 là Mỹ 5,3-5,5tỷ USD, EU 1,6-1,8tỷ USD và Nhật 800 triệu USD.
Khó khăn trên cả 3 thị trường trọng điểm:
Trước hết, năm 2008 ngành công nghiệp dệt may nước ta tiếp tục phải đối mặt với 4 đại gia đang rất lớn mạnh là Trung Quốc, Bangladesh, Campuchia và Ấn Độ.
Mỹ sẽ là trở ngại chính đối với hàng dệt may nước ta do nước này có thể vẫn tiếp tục Chương trình giám sát hàng dệt may nhập khẩu từ Việt Nam đến hết năm 2008.
Với EU, hàng dệt may Việt nam và các nước sẽ phải cạnh tranh gay gắt nhất là với TrunG Quốc do EU đã bãi bỏ hạn ngạch với Trung Quốc. Hơn nữa Trung Quốc có năng lực cạnh tranh lớn do chủ động được nguồn nguyên liệu và có khả năng đáp ứng nhiều loại phẩm cấp hàng hoá.
Về thị trường Nhật, trong năm 2008 thuế xuất của Việt nam nhập khẩu vào đây vẫn phải chịu 10%, trong khi 6 nước ASEAN khác (Singapore, Malaysia, Philippines, Indonesia, Brunei và Thái Lan) đã được hạ xuống 0% do đáp ứng được tiêu chí xuất xứ “2 công đoạn”. Trong thời gian tới, Việt Nam chưa được hưởng ưu đãi này vì nguồn nguyên liệu của Việt nam trên 80% là nhập khẩu ngoài Nhật và ASEAN.
Với thị trường xuất khẩu, các sách lược đối với 3 thị trường trọng điểm cụ thể là:
Đối với Mỹ, các DN cần hợp tác chặt chẽ với các nhà nhập khẩu lớn của Mỹ, thực hiện các đơn hàng có chất lượng và giá cao, tránh những đơn hàng đơn giản, giá trị thấp làm ảnh hưởng đến mức giá bình quân của cả nước, là cơ sở để phía mỹ tự khởi kiện chống bán phá giá. Hơn nữa, bắt đầu từ 1/1/2008 Hiệp hội dệt may sẽ nhờ hải quan thu phí trị giá 0,01% kim ngạch xuất khẩu của DN đi Mỹ để lấy kinh phí thuê tư vẫn chống lại các vụ kiện.
Với EU, hàng dệt may VN cạnh tranh với Trung Quốc về giá cả là rất khó bởi nước ta không có bnguồn nguyên liệu tại chỗ như Trung Quốc. Do đó, để cạnh tranh các DN cần đặt chất lượng và sự sáng tạo trên mỗi sản phẩm lên hàng đầu đối với sản phẩm xuất sang EU.
Nhật Bản cũng có yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm cũng như qui tắc xuất xứ hàng hoá. Giải pháp tăng xuất khẩu là sử dụng qui tắc xuất xứ cộng gộp ASEAN-Nhật bản, bằng cách dùng nguyên liệu dệt (vải) nhập từ ASEAN hoặc từ Nhật để sản xuất. Thực hiện phương án này, theo các chuyên gia là sẽ đáp ứng được các tiêu chí phía Nhật đưa ra, và DN nước ta sẽ được hưởng mức thuế suất 0% khi nhập khẩu vào Nhật. Điều này sẽ giúp hàng dệt may VN cạnh tranh được với hàng từ các nước ASEAN khác và từ Trung Quốc về giá cả (do hàng Trung Quốc không được giảm thuế). Hơn nữa, việc thực hiện qui tắc cộng gộp còn thúc đẩy nguồn nguyên liệu dệt trong ASEAN và Nhật, tăng cường hợp tác trong ASEAN. Đặc biệt nó sẽ đem lại lợi nhuận cao hơn cho ngành dệt nay nước ta, tăng thị phần tại Nhật, tạo nhiều việc làm mới và thu hút đầu tư của Nhật vào ngành dệt nước ta, từ đó tăng cường tính cạnh tranh toàn cầu của dệt may VN. Mặc dù vậy các chuyên gia khuyến cáo, điều quan trọng nhất là các DN phải tính toán kỹ càng và nếu lên được ý kiến cụ thể rút ra từ chính thực tiễn hoạt động của mình để VN có thể đạt được những thoả thuận tối ưu nhất sau đàm phán EPA.
 

Nguồn: Vinanet